MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện nước Mỹ kinh doanh… băng giá

11-01-2014 - 15:12 PM |

Nếu như trời lạnh khiến một bộ phận “cắp ô” nhâm nhi thêm ly rượu thì các nhà bán lẻ lại tìm cách tận dụng để biến thành cơ hội làm ăn mới.

Nội dung nổi bật:

Thời tiết băng giá chưa từng có trong lịch sử Mỹ, tưởng chừng có thể "đóng băng" nền kinh tế này, nhưng "cái khó ló cái khôn", các doanh nghiệp Mỹ vẫn tồn tại với những chiến lược kinh doanh sáng tạo. 

Chẳng hạn như các cửa hàng Wal - Mart và các nhà bán lẻ gia dụng khác đã tập trung vào những mặt hàng sưởi ấm. Hay như triển khai các dịch vụ trực tuyến, bán hàng trên mạng và giao hàng tận nơi để phục vụ cho sự hạn chế mua sắm trong thời tiết băng giá của khách hàng. Ngay cả quảng cáo cũng không còn cứng nhắc theo giờ mà chạy theo "thời tiết", đem lại nguồn thu lớn cho các đài truyền hình...

Có thể "băng giá" này chỉ là giọt nước nhỏ trong xô của nền kinh tế lớn.

Theo AdAge, kẻ thua cuộc vào thời điểm này là những đơn vị chỉ biết trông chờ vào nhóm khách hàng “ra khỏi nhà”, trong khi các tay chơi trực tuyến như eBay và kinh doanh mặt hàng “nóng” trở thành bên thắng cuộc. 

Nước Mỹ thời gian qua đang phải trải qua đợt băng giá vô cùng tồi tệ, nhiệt độ hạ thấp xuống mức kỷ lục ở nhiều thành phố lớn. Các hãng hàng không như Jet Blue buộc phải đóng cửa sân bay ở New York và Boston, trong khi nhiều người dân, nếu không phải vạn bất đắc dĩ, lựa chọn cách thức ở nhà với lò sưởi hơn là đi ra ngoài. 

Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp quyết định lựa chọn phương thức “đầu hàng” thì nhiều doanh nghiệp khác, với quyết tâm biến Chicago thành “Chiberia” (cách chơi chữ với vùng đất giá lạnh Siberia), đã coi đây là cơ hội tốt nhất để xóa đi những ảm đạm về kinh tế trong suốt năm qua.
 
Các cửa hàng như Wal-Mart có thể hưởng lợi từ dịch vụ… dự báo thời tiết của Planalytics, khi cho phép công ty lên kế hoạch bán các mặt hàng sưởi ấm sớm hai tuần trước khi “cơn lốc băng giá” đổ bộ vào các địa bàn của hãng. Lowe’s thậm chí đã lên kế hoạch từ tháng 7, thậm chí thành lập hẳn một biệt đội chuyên theo dõi các biến động của thời tiết. 

Và nhà bán lẻ đồ gia dụng này đã nhanh chóng kiếm bộn từ các mặt hàng ống cách nhiệt, máy sưởi và máy phát điện. Trong khi trời lạnh đã mang đến những khách hàng có nhu cầu mua quần áo thể thao, lông cừu và các phụ kiện tránh rét cho Sears.
 
Những đơn vị bán lẻ sớm triển khai dịch vụ giao dịch trực tuyến có thể bớt bồn chồn hơn so với đối thủ chỉ trông chờ vào các cửa hàng. Theo Reuters, dù lượng người ghé thăm các cửa hàng ở Mỹ giảm 14,6% trong mùa mua sắm tháng 11-12/2013, song doanh số bán lẻ lại tăng 2,7%, cho thấy vai trò ngày càng lớn của hình thức kinh doanh trực tuyến. 

Dịch vụ cung cấp thực phẩm trực tuyến Seamless & GrubHub cho biết những ngày qua, họ đang ngập đầu trong các đơn đặt hàng trên mạng, trong khi nhiều nhà hàng phải tăng chi phí cho các thiết bị sưởi ấm. Nỗi buồn của nhà hàng, nhưng lại là niềm vui của những những người bán thiết bị sưởi.
 
Trong khi đó, một số thương hiệu lại dùng #PolarVortex (từ khóa phổ biến chỉ tình trạng băng giá bất thường ở Mỹ những ngày qua) trên trang Twitter của mình để lôi kéo sự chú ý. Rạp chiếu bóng AMC đã tranh thủ dùng từ khóa này để quảng cáo cho bộ phim hoạt hình đang gây sốt “Frozen” (Tên ở Việt Nam: Nữ hoàng băng giá). 

Trong khi Corona lại khuyến khích khách hàng hãy mau tích bia trước khi thời tiết còn tồi tệ hơn nữa. Còn Wendy’s, chọn một cách khác khi bỏ qua từ khóa và đánh vào xu hướng tải ứng dụng thời tiết của cư dân mạng.
 
Các tiểu gia bán lẻ cũng không chịu đứng ngoài cuộc, họ tận dụng ngay thói quen lên mạng, lướt web, chia sẻ thông tin của những người nằm lì ở nhà, thông qua một loạt rao vặt trên các phương tiện truyền thông trực tuyến. Chẳng hạn như nhà bán lẻ sách Chegg mời gọi: “Hừ hừ, lạnh thật đấy! Sao bạn không đặt mua sách để làm ấm mình lên một chút nhỉ? Chúng tôi giao hàng miễn phí đấy.”
 
Ngày 23/12/2013, hãng Canadian Tire Corporation đã phát động một chiến dịch marketing trực tuyến để thúc đẩy mặt hàng của mình bằng cách test hàng với một chiếc xe tải làm từ… các khối băng.

Đoạn quảng cáo dĩ nhiên đã được chuẩn bị từ trước, nhưng khi nhìn thấy thời tiết trở nên lạnh hơn, ngay lập tức, hãng lốp đã chuyển thêm tiền cho các hoạt động quảng cáo trực tuyến, mua thêm thời gian xuất hiện của chiếc xe độc đáo, chẳng hạn trên Youtube, và từ đó thu được một lượng view lớn, gây ấn tượng mạnh với người xem.
 
Ngay cả một số đài truyền hình cũng thoát khỏi truyền thống “phát sóng theo giờ” cứng nhắc để thiết lập kinh doanh quảng cáo phù hợp với tình hình thời tiết khắc nghiệt. Pelmorex Media Inc - công ty mẹ của kênh truyền hình cáp The Weather Network - đã sử dụng công nghệ mới cho phép chạy quảng cáo tương ứng với điều kiện thời tiết địa phương, mặc dù đây là một kênh toàn quốc. 

Chẳng hạn như Troy - Bilt, nhà sản xuất máy dọn tuyết, hiện đang tài trợ cho chương trình “Storm Watch”. Bất cứ khi nào có một trận bão tuyết ập đến, công ty sẽ tự động cập nhật quảng cáo sản phẩm của mình, chính xác đến từng phút.
 
Paula Presley - Phó Chủ tịch công ty quảng cáo Pelmorex - cho hay các khách hàng bán lẻ, bảo hiểm, hàng tiêu dùng đóng gói, nhà hàng phục vụ nhanh đều đã điều chỉnh các chi phí quảng cáo của mình để đáp ứng với tình hình thời tiết mới.

Theo Penny Stevens - Chủ tịch Media Experts, khái niệm “quảng cáo thời điểm” đang ngày càng nở rộ. Dĩ nhiên, điều này cũng chỉ có thể xảy ra ở những thị trường quảng cáo tự do, còn ở những nước chi phí quảng cáo bị giới hạn, lệ thuộc vào các kế hoạch đã đặt ra từ đầu năm, sự linh hoạt này gần như là không có.
 
Những nhà bán lẻ có thể mang cái giá lạnh thoát khỏi các kệ hàng cứng nhắc sẽ thu lợi lớn, nhà phân tích tiêu dùng Stacie Rabinowitz nói với tờ AdAge. Bà cho biết chính thời điểm này đã chứng minh lợi ích của dịch vụ vận chuyển trong ngày. “Càng trong điều kiện khủng hoảng, mối gắn kết giữa người tiêu dùng và các nhà bán lẻ càng chặt chẽ. Chắn chắn lúc này, khách hàng đang nhớ rằng thiết bị sưởi của mình đã xập xệ lắm rồi, và eBay có thể giúp họ giải quyết vấn đề chỉ trong một, hai tiếng đồng hồ.”
 
Băng giá có thể gây tổn hại đến ngành nông nghiệp, song không thể làm đông cứng ngành bán lẻ, cũng như giới quảng cáo. Đây chính là lý do mà tờ Christian Science Monitor đánh giá: Dĩ nhiên băng giá sẽ làm nước Mỹ tổn thất, nhưng tổn thất này là không lớn. Ngay cả thiệt hại ước tính 5 tỷ USD cũng chỉ như giọt nước trong xô với một nền kinh tế trị giá 16,9 nghìn tỷ USD.

 
Theo Lục Dương

thuydtt

Sống mới

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên