MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồ nội thất: Hướng đến mô hình đại siêu thị

21-03-2013 - 16:29 PM |

Dù kinh tế khó khăn, doanh thu hàng nội thất tại thị trường nội địa vẫn đạt được kết quả khả quan.

Tuy nhiên, phần lớn thị phần nằm trong tay các thương hiệu ngoại. Để giành lại thị phần tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp (DN) trong nước cần nhanh chóng bước vào các đại siêu thị.

Sân chơi thương hiệu ngoại

Theo số liệu thống kê của các công ty khảo sát thị trường và một số chuyên gia trong ngành đồ gỗ, năm 2012, doanh thu hàng nội thất cao cấp trong nước đạt hơn 2,5 tỷ USD. Trong đó, sản phẩm thuộc các tập đoàn đa quốc gia, các công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến 80% thị phần, trong khi hàng Việt Nam chỉ bó hẹp trong 20%.

Thị phần nhỏ hẹp này cũng tương ứng với sự tham gia khá ít ỏi của DN Việt vào thị trường này. Tại TPHCM, theo thống kê chỉ có khoảng 10 DN chú ý đến phân khúc hàng nội thất cao cấp, nhưng hoạt động cũng khá trầm lắng. Các tên tuổi lớn đang có mặt trên thị trường như Chi Lai, Phố Xinh, Nhà Đẹp, Nhà Xinh lại chuyên cung cấp hàng nhập khẩu.

Trong khi đó, những thương hiệu Việt như Mifaco, Thanh Dũng, Thiên Ấn, Lavanto, Trần Đức… dù có chất lượng tốt, khẳng định được tên tuổi tại nhiều quốc gia trên thế giới nhưng rất mờ nhạt tại thị trường trong nước.

Ngoài các DN chuyên nhập khẩu để phân phối, từ nhiều năm trước các DN nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam cũng tăng cường gia nhập thị trường Việt Nam. Cụ thể, thương hiệu nội thất nổi tiếng của Malaysia là Kian vào Việt Nam từ năm 2004, đến nay đã khẳng định được chỗ đứng vững chắc với một hệ thống cửa hàng lớn ở khắp cả nước.

Tương tự, SB Funiture của Thái Lan khi mới đặt chân vào Việt Nam chỉ có 2 cửa hàng với diện tích hơn 1.000m2 tại TPHCM và Hà Nội, nhưng đã liên tục mở đại lý trong những năm qua. Tiếp bước các công ty này, nhiều thương hiệu nội thất ngoại khác gia nhập thị trường Việt Nam và nhắm vào thị phần các DN trong nước đang bỏ ngỏ là căn hộ và chung cư cao cấp như sản phẩm nội thất Ecopia với thiết kế thông minh và độc đáo, tối đa hóa tiện ích cho nhu cầu sử dụng của người dùng Việt.

Để thích hợp với không gian sống thời hiện đại, các nhà phân phối nước ngoài liên tục tung ra những dòng sản phẩm tích hợp, thí dụ như giường kết hợp tủ sách, bàn làm việc, tủ đa năng...

Xu hướng đại siêu thị

Theo các nhà phân phối, hàng nội thất trong nước thường lép vế tại thị trường nội địa vì một thời gian dài các nhà sản xuất chỉ quan tâm đến xuất khẩu, bỏ quên thị trường nội địa. Khi quay lại thị trường, hàng nội lại lâm vào tình cảnh ế ẩm vì đã quen bán cho nhà phân phối nước ngoài dẫn đến thiếu kỹ năng phân phối, nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng và kỹ năng thiết kế cho người tiêu dùng trong nước.

Trong khi đó, hàng ngoại nhập mẫu mã đẹp và thay đổi liên tục nhưng giá lại hợp lý. Khi chấp nhận hợp tác với các công ty ngoại, DN sẽ có thể quay vòng vốn nhanh và lợi nhuận cao hơn là mở nhà máy sản xuất hay đặt hàng từ các công ty nội. Theo ông August Wingardh, Giám đốc siêu thị nội thất UMA, các nhà sản xuất nước ngoài rất chú trọng đến việc nghiên cứu gu thẩm mỹ của thị trường Việt Nam từ màu sắc, kiểu dáng, họa tiết… đồng thời kết hợp với xu hướng phát triển của thế giới nên thường có sức hấp dẫn lớn hơn hàng nội thất đơn điệu được sản xuất tại Việt Nam.

Ngoài ra, đối với kinh doanh hàng nội thất, DN nào quản lý được nguồn hàng tồn kho sẽ có nhiều ưu thế. Các nhà phân phối nước ngoài có lợi thế hơn trong vấn đề này vì họ có thể luân chuyển hàng hóa trong hệ thống nên sản phẩm tồn kho rất thấp. Trong khi đó, các công ty nội với số lượng cửa hàng ít nên khi kinh tế khó khăn, sức tiêu thụ giảm lại không phát triển thêm mẫu mã mới để kích thích sức mua.

Vì vậy, khi DN Việt còn lúng túng trên đường tìm thị phần tại thị trường nội địa, các DN ngoại bành trướng hoạt động thông qua hình thức đại siêu thị. Chẳng hạn mới đây, Công ty Cao Phong - đối tác của Index Living Mall - cho biết đã cam kết trong vòng 2 năm nữa sẽ nâng số siêu thị mang thương hiệu này lên 5 siêu thị, tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM theo mô hình “one-stop shopping”. Sản phẩm Index Living Mall cung cấp chủ yếu đến từ Thái Lan và châu Âu.

Trong khi đó, các DN nội chỉ phân phối nhỏ lẻ, thương hiệu mờ nhạt, sản phẩm đơn điệu nên khó lòng cạnh tranh nổi. Theo các chuyên gia, trong tương lai, mô hình đại siêu thị sẽ phát triển mạnh. Do đó, DN Việt Nam cần nhanh chóng tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhà phân phối chuyên nghiệp để có được thị phần tại sân nhà.

Theo Đỗ Linh

tanhoa

Sài Gòn Đầu tư Tài chính

Trở lên trên