MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiếm tiền từ làm chao đèn lồng

20-03-2012 - 10:21 AM |

Mới du nhập về huyện Nông Cống (Thanh Hóa) được mấy năm nhưng nghề đan chao đèn lồng đã nhanh chóng trở thành nghề “đẻ” ra tiền cho hàng nghìn nông dân nơi đây.

“Hai nhà” lo nghề cho nông dân

Nghề đan chao đèn lồng được đưa về Nông Cống từ tháng 9.2008 do sự hợp tác giữa UBND huyện Nông Cống và Công ty TNHH Quốc Đạt (trụ sở đóng tại huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) về dạy nghề cho nông dân.

Khi nghề mới về, hầu hết người dân trong xã Thăng Bình - điểm đầu tiên được triển khai học nghề, đều không mặn mà với nghề đan chao đèn lồng. Lý do là để làm ra được một sản phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn, vừa tốn sức, vừa mất thời gian. Công ty TNHH Quốc Đạt đã trực tiếp cử người hướng dẫn bà con làm và công ty nhận tiêu thụ sản phẩm, nên sau đó nhiều chị trong xã đã rủ nhau học nghề.

Chị Nguyễn Thị Xã ở thôn Thái Sơn, xã Thăng Bình, một trong những người đầu tiên đăng ký học nghề và nhận sản xuất sản phẩm này tâm sự: "Công việc đan chao đèn lồng tuy có vất vả, nhưng được cái sản phẩm làm ra đến đâu, bán hết đến đó. Việc học nghề cũng không quá khó".

Sau một thời gian làm cho công ty, chị Xã quyết định mở một cơ sở chuyên sản xuất chao đèn lồng với hơn 10 nhân công. Chị Xã cho biết: "Với số vốn có sẵn của gia đình, đồng thời vay ưu đãi qua kênh của Hội Phụ nữ xã được hơn 20 triệu đồng, cơ sở của tôi đã ký hợp đồng với Công ty Quốc Đạt để sản xuất và cũng có nơi tiêu thụ sản phẩm luôn".

Việc sản xuất ở cơ sở của chị Xã khá thuận lợi vì Công ty Quốc Đạt cung cấp nguyên liệu sản xuất, và mỗi chiếc chao đèn lồng mà cơ sở làm ra được công ty thu mua với giá 20.000 đồng.

Giải bài toán thiếu việc làm

“Chị em làm ở cơ sở của chị Xã thu nhập bình quân mỗi tháng trên 1 triệu đồng/lao động, người có tay nghề cao được hơn 1,5 triệu đồng”- chị Lê Thị Hương, người đã 3 năm gắn bó với cơ sở của chị Xã cho biết. Theo chị Hương, nhờ cơ sở của chị Xã, chị em đã có việc làm ổn định. Công việc làm đèn lồng nhẹ nhàng hơn, không phải vất vả như lao động ngoài đồng ruộng và quan trọng hơn, nhiều chị không phải đi xa làm ăn nữa.

Chị Lê Thị Hương chia sẻ: "Chị em làm ở cơ sở của chị Xã thu nhập bình quân mỗi tháng trên 1 triệu đồng/lao động, người có tay nghề cao được hơn 1,5 triệu đồng".

Hiện nghề đan chao đèn lồng ở xã Thăng Bình rất phát triển và đang được nhân rộng ra các xã khác trong huyện Nông Cống. Riêng xã Thăng Bình đã có 6 cơ sở sản xuất chao đèn lồng, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động nữ tại địa phương.

Bà Phan Thị Chuyên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thăng Bình cho biết: "Từ khi thành lập đến nay, các cơ sở đan chao đèn lồng trên địa bàn xã đã cơ bản giải quyết được bài toán việc làm cho nhiều chị em trong xã. Những lao động này trước đây thường vào các tỉnh phía Nam để tìm việc làm nhưng giờ đây đã gắn bó với các cơ sở đan mây, có thu nhập ổn định”.
Theo Hữu Sơn - Thành Đông
Danviet

aiht

Trở lên trên