McDonald's xuất hiện: Điểm 9 của thị trường fastfood
Vẫn trong giai đoạn "nuôi thị trường" nhưng sự kiện McDonald's xuất hiện báo hiệu thời điểm chín muồi của thị trường thức ăn nhanh (fastfood) tại Việt Nam.
- 12-02-2014Nhân sự kiện McDonald's khai trương: Economist nói gì về bất động sản bán lẻ Việt Nam?
- 23-01-2014Nguyễn Bảo Hoàng: 10 năm chinh phục McDonald's
- 18-01-2014McDonald's cũng 'bán bia kèm lạc'
- 09-01-2014Vết bỏng 2 triệu đô - Bài học nhớ đời của McDonald's
- 05-01-2014Lộ diện hình ảnh thi công cửa hàng McDonald's gần chợ Bến Thành
Tập đoàn thức ăn nhanh McDonald's đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM ngày 8/2. Ngoài các món đặc trưng, McDonald's còn giới thiệu món McPork (bánh mì kẹp thịt heo) làm riêng cho thị trường Việt Nam.
Cửa hàng với 350 chỗ ngồi đặt ở vòng xoay giao lộ Điện Biên Phủ và Nguyễn Bình Khiêm,phường Đa Kao, quận 1 TP.HCM đã chật kín khách hàng từ sáng đến tối trong ba ngày khai trương đầu tiên.
Ông Nguyễn Bảo Hoàng, người sáng lập Công ty Good Day Hospitality, đơn vị được cấp phép phát triển thương hiệu McDonald's có mặt tại lễ khai trương cùng Đại sứ Mỹ David Shear. Dự kiến, đến tháng 3 tới, McDonald's ViệtNam sẽ phục vụ thêm loại thức uống đặc trưng của hãng này là McCafe.
Theo công bố, McDonald's lên kế hoạch mở ít nhất 100 cửa hàng trong vòng 10 năm tới. "Với tiêu chí nhà hàng rộng, có khu vui chơi cho trẻ em, thư giãn cà phê cho người lớn, có bãi đậu ô tô, xe gắn máy, vào mua hàng không cần gửi xe (drive thru) nên tiêu chí tìm mặt bằng của McDonald's khá lớn, khoảng 2.500-3.000m2.
Tuy nhiên, nếu McDonald's được đón nhận tốt thì không loại trừ khả năng sẽ mở ở các trung tâm thương mại và các trục đường lớn khác, dẫu diện tích nhỏ hơn", ông Hoàng cho biết.
Ralf Matthaes, Giám đốc Điều hành khu vực Mekong của Hãng Nghiên cứu TNS Vietnam, cho rằng, McDonalds sẽ tập trung vào các gia đình có thu nhập trung bình, từ 500 - 1.000 USD (10 - 20 triệu đồng) mỗi tháng.
Sự kiện thương hiệu thức ăn nhanh lớn nhất thế giới McDonald's đến Việt Nam chứng tỏ các tập đoàn quốc tế đặt hy vọng vào chi tiêu của tầng lớp trung lưu đang mở rộng tại Việt Nam.
Trong khi đó,giới quan sát nhận định rằng, cuộc cạnh tranh giữa các thương hiệu đồ ăn nhanh tại Việt Nam sau sự xuất hiện của McDonald's sẽ càng gay gắt. Các đối thủ của McDonalds tại Mỹ như Burger King và KFC đều đã hoạt động ở Việt Nam.
Một thương hiệu lớn khác của Mỹ là cà phê Starbucks, đến nay đã có ba cửa hàng tại TP.HCM. Mới đây nhất là hãng kem International Dairy Queen Inc. của Tập đoàn Berkshire Hathaway Inc đã đến TP.HCM trong tháng 1/2014, gia nhập vào danh sách các thương hiệu Mỹ đã và đang góp mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 2010, như hamburger Carls Jr, Dominos Pizza, Dunkin Donuts and Baskin-Robbins, Popeyes Louisiana Kitchen, Subway Restaurants và Starbucks Corp.
Theo số liệu từ Euromonitor, thị trường thức ăn nhanh trị giá 543,6 triệu USD của Việt Nam năm 2012 đã đạt mức tăngtrưởng 13,9% và dự kiến sẽ tăng 15% trong năm 2014. Hiện tại thương hiệu gà rán KFC, thuộc tập đoàn Yum! Brands Inc ra mắt tại Việt Nam từ năm 1997, đang dẫn đầu thị trường này với thị phần 16%, tiếp đến là Lotteria với 5,8% và theo sau là Jollibee với 1,6%. Burger King ra mắt vào năm 2011 đến nay chỉ chiếm thị phần 0,4%. |
Trong số này đáng kể nhất là Burger King khi đứng sau thương hiệu này tại Việt Nam là một trong những công ty tên tuổi nhất trong lĩnh vực bán lẻ do doanh nhân Philippines gốc Việt, ông Jonathan Hạnh Nguyễn, điều hành.
Dự kiến đầu tư phát triển hệ thống của Burger King tại Việt Nam là 40 triệu USD, tương đương mức doanh thu cả năm 2011 của toàn thị trường thức ăn nhanh ở Việt Nam.
Burger King hiện là thương hiệu thức ăn nhanh có tốc độ phủ nhanh nhất Việt Nam, và hiện chuỗi duy nhất có mặt tại các sân bay như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc...
Cách đây 5 năm, khi thực hiện kế hoạch mở rộng tại Việt Nam, đại diện của hãng thức ăn nhanh Philippines Jolibee cho rằng "Các thương hiệu thức ăn nhanh tại Việt Nam vẫn trong giai đoạn "nuôi thị trường" trong 10 năm tới, tức là cầm cự để chờ đợi sự thay đổi thói quen ăn uống của thế hệ trẻ”.
Có thể thấy, sự xuất hiện hàng loạt của các thương hiệu fastfood Mỹ cũng nhắm đến chiến lược lâu dài chứ không nhìn về yếu tố lợi nhuận trước mắt. Vì thế, McDonalds sẽ định vị lại cuộc chạy đua trên thị trường fastfood Việt Nam sẽ là cuộc đua đường trường về vốn và kinh nghiệm.
McDonald's có thể lợi thế hơn khi thói quen sử dụng đồ ăn nhanh đã được định hình trong một bộ phận người Việt trẻ. Đây là lợi thế không hề nhỏ mà các đối thủ như KFC, Lotte, Jolibee... không có được khi mới thâm nhập thị trường Việt Nam. Đó là lý do giải thích về những ngày khai trương đầy may mắn của McDonald's trong năm mới.
Theo HẢI THỤY