MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sách giấy chìm, ebook nổi - Phần 1: Xuất bản thua đau

16-09-2011 - 09:48 AM |

Sách chưa được xem là nhu cầu thiết yếu, chi phí phát hành chiếm tỷ lệ cao nhất trong giá thành, những đơn vị làm sách tại Việt Nam không vượt thoát để trở thành doanh nghiệp lớn không phải là chuyện lạ.

- Nhiều NXB lớn: NXB Thanh niên, NXB Thanh Hóa,… không đạt được chỉ tiêu xuất bản.

- Lợi nhuận của NXB chỉ chiếm 5% doanh thu, chi phí phát hành chiếm đến 40% giá bìa

- Sức tiêu thụ sách trên thị trường Việt Nam quá thấp so với thị trường các nước phát triển

- NXB phải tự tìm hướng đi: NXB Trẻ thử nghiệm sách giá rẻ, First News tìm kênh phân phối mới

Độ vênh thị trường

Cục Xuất bản đã có một phen bất ngờ trước kết quả ghi nhận từ Hội nghị đánh giá công tác xuất bản sáu tháng đầu năm 2011 do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức trung tuần tháng 7 vừa qua: Có khá nhiều nhà xuất bản (NXB) lớn đầu hàng trước kế hoạch xuất bản của mình. Ví dụ, NXB Thanh Niên chỉ đạt 0,3%, NXB Thanh Hóa 1,6%...

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm nay, NXB Hồng Đức, NXB Nông nghiệp và NXB Sân khấu không xuất bản được quyển sách nào.

“Quá nhiều khó khăn trong công tác xuất bản hiện nay”, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc XNB Trẻ thừa nhận. Để cuốn sách đến được tay người đọc thì trung bình, chi phí cho phát hành là 40% giá bìa, chi phí tác quyền là 10 đến 13% và cuối cùng là giấy, công in chiếm 28 - 30%. Phần còn lại mới thuộc về NXB.

Như vậy, nếu thị trường “xuôi chèo, mát mái” thì các NXB cũng có khả năng tồn tại và phát triển với tốc độ chậm. “Lợi nhuận của NXB cũng chỉ chiếm 5% doanh thu. Mục tiêu cao nhất mà NXB Trẻ đề ra cho mình là tăng trưởng 5% so với năm trước”, ông Nhựt tiết lộ.

Không nằm ngoài khó khăn chung, lãi vay cũng khiến các NXB hết sức cân nhắc trong những dự án. Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc NXB Kim Đồng, nếu không tính bài toán nan giải là sách lậu vẫn đang hoành hành thì cái khó mới nhất là từ đầu năm đến nay, giá giấy và công in đã liên tục tăng, lên đến gần 30% so với năm trước.

"Điều đáng buồn là sức tiêu thụ sách của thị trường Việt Nam chẳng là bao so với thị trường những nước phát triển”, bà Phan Ngọc Diễm Hân, Giám đốc marketing Công ty CP văn hóa Phương Nam nhận định.

Theo bà Hân, bình quân mỗi tựa sách, được xem là bán chạy ở Việt Nam thường không vượt quá 10.000 bản in, trong khi ở thị trường thế giới, sách bán ra tính bằng đơn vị hàng triệu hay ít ra là hàng trăm ngàn bản in.

Ví dụ, tháng 1, Công ty Khảo sát thị trường xuất bản Neilsen Bookscan công bố top 100 đầu sách bán chạy ở Anh trong thời gian 12 năm từ 1998 đến 2010. Kết quả cho thấy, Mật mã Da Vinci của tác giả người Mỹ Dan Brown bán được hơn 4,5 triệu bản, có doanh thu 22,8 triệu bảng. Thiên thần và ác quỷ, bán hơn 3 triệu bản, thu về 15,5 triệu bảng.

Tính ra trung bình cứ khoảng 15 người Anh, có 1 người đọc Mật mã Da Vinci. Việt Nam có hơn 80 triệu dân, theo số liệu đánh giá của Cục Xuất bản năm 2010 thì bình quân mỗi năm, một người Việt Nam đọc được... 2,8 cuốn sách và... 7,07 tờ báo! Kết quả thống kê chỉ đủ khiến người làm xuất bản đau lòng!

Cần cự tìm hướng đi

Cuối năm 2010, NXB Trẻ đầu tư một khoản lớn vào việc mua giấy, dự trữ. Nhờ bước đi này, theo ông Nguyễn Minh Nhựt, những đầu sách ra ngoài thị trường của NXB Trẻ từ đầu năm đến nay chưa bị ảnh hưởng bởi cơn bão giá giấy tăng.

Thế nhưng, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Để tồn tại, các đơn vị làm sách buộc phải có chiến lược riêng. Điển hình là từ nay đến cuối năm, NXB Trẻ sẽ thử nghiệm phát hành dòng sách giá rẻ, in sau đợt phát hành đầu tiên tái bản, trên giấy thường, bìa thường... với giá chỉ bằng 50% giá dòng sách chính thống.

“Những cuốn sách này chỉ có giá trị thông tin nhưng cũng khuyến khích được những độc giả có điều kiện kinh tế eo hẹp ở vùng sâu, vùng xa mua sách”, ông Nhựt cho biết.

Không chọn cách giảm giá thành, First News tìm cho mình kênh phân phối mới:

“Chúng tôi đang tìm đường đem sách của mình đến cộng đồng Việt Nam đang sống, làm việc và học tập xa quê hương. Số lượng độc giả này tuy không nhiều bằng bạn đọc trong nước nhưng kênh phát hành mới có thể giúp First News có khả năng mở rộng”, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Văn hóa Trí Việt chia sẻ.

Trước tình hình khó khăn của công tác xuất bản, Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết, thời gian tới, những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành xuất bản.

Cụ thể, thuế thu nhập doanh nghiệp đang được xem xét, có thể sẽ giảm từ 25% xuống còn 10%. Ngoài ra, hiện Bộ đã trình Thủ tướng kế hoạch phương hướng thành lập Quỹ Hỗ trợ xuất bản Việt Nam trong năm 2011. Trong khi chờ đợi chính sách, tất nhiên, các NXB vẫn phải tiếp tục... tự tìm cách cứu mình!

Theo Phương Quyên - Đặng Quý Yên

Doanh nhân Sài Gòn

 

thuthuy

Trở lên trên