MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siêu thị điện máy thời… khó sống

11-01-2014 - 14:00 PM |

Kinh tế khó khăn đã dồn nhiều siêu thị điện máy vào tình trạng ế ẩm, hoạt động cầm chừng rồi đóng cửa hàng loạt. Thậm chí nhiều siêu thị còn bị ngân hàng siết nợ, lấy luôn hàng hóa.

Nội dung nổi bật:

Năm 2013, nhiều siêu thị điện máy bị thua lỗ, phải đóng cửa, trong khi kể cả các siêu thị lớn cũng rơi vào cảnh điêu đứng. Thế nhưng, "thời thế tạo anh hùng", vẫn có những siêu thị phất lên, liên tục mở rộng quy mô bán hàng.

Mức lãi gộp của những nhà bán lẻ dao động từ 10 - 15% doanh thu, tỷ lệ lãi ròng từ 1,5 - 3%. Nhiều hệ thống lãi lớn là do biết các tập trung, tổ chức kinh doanh tại các siêu thị trọng điểm. 

Sang năm 2014, sự cạnh tranh càng gay gắt. Thu hút khách hàng nhờ khuyến mại sẽ sắp "nhờn thuốc", trong khi chi tiêu cho quảng cáo lại xa xỉ. Vấn đề đòi hỏi sự thông minh, khéo léo trong chiến lược kinh doanh. Liệu siêu thị nào sẽ tồn tại?



Thua lỗ, bị siết nợ, đóng cửa
 
Năm 2013 khá nhiều siêu thị điện máy tầm cỡ cũng đã đổ gục trước tình hình kinh doanh khó khăn: Ebest phải đóng cửa 2 siêu thị điện máy ở Sài Gòn và Đà Nẵng, Home One lâm vào tình cảnh tương tự, trong khi hàng loạt các siêu thị điện máy lớn khác như Pico, Trần Anh, Mediamart… cũng đang gặp khó và thường xuyên chịu lỗ.
 
Hay như Việt Long - một trong những siêu thị điện máy lớn từng nổi tiếng một thời tại Hà Nội - đến giữa năm nay cũng phải “gác biển” siêu thị lớn của mình tại Hà Đông, và chấp nhận bị ngân hàng siết nợ, gán lại mặt bằng cho ngân hàng tiếp tục kinh doanh.

Tuy nhiên, kiểu làm ăn ngoài ngành này sẽ đi đến đâu thì không rõ, khi nay những nhân viên chỉ quen kiểu kinh doanh tiền bỗng chốc trở thành những tay bán tủ lạnh, TV, máy giặt… trong một thị trường tự do đầy khắc nghiệt.
 
Vẫn có thể “sống”
 
Kẻ thua lỗ thì vẫn có người nhân cơ hội này mở rộng địa bàn. Trong năm 2013, những hệ thống bán lẻ như Nguyễn Kim, Thế Giới Di Động, FPT Shop… cũng đều tăng thêm số lượng siêu thị trên địa bàn toàn quốc như: Thế Giới Di Động mở thêm gần 30 siêu thị, FPT Shop đã mở thêm 50 siêu thị, Nguyễn Kim thêm 6 trung tâm tại Hà Nội, Cà Mau, Nhà phân phối hàng điện máy Gia Thành vừa khai trương siêu thị bán lẻ đầu tiên tại quận 5…
 
Theo ông Lê Phạm Anh Thy, giám đốc kinh doanh và tiếp thị của Nguyễn Kim, mức lãi gộp của những nhà bán lẻ dao động từ 10- 15% trên doanh thu. Còn theo một tổng giám đốc một hệ thống kinh doanh điện máy, tỷ lệ lãi ròng của ngành điện máy từ 1,5- 3%. 

Còn ông ông Hồ Đức Trí, giám đốc kinh doanh và tiếp thị của Gia Thành nhận định: nhiều hệ thống bán lẻ có thể kinh doanh lãi trong năm qua là họ biết cách tổ chức kinh doanh các siêu thị trọng điểm - nơi có thể mang lại từ 30-40% doanh thu cho toàn hệ thống.
 
Tất nhiên, có thể tiếp tục mở rộng được là một chuyện, còn việc bao nhiêu trong số này có thể mang lại lợi nhuận thì lại là chuyện khác.

Theo ông Đinh Anh Huân - Tổng Giám đốc Dienmay.com, năm 2013 nhìn chung là một năm thị trường điện máy hầu như không tăng trưởng, chỉ có một số mặt hàng tăng trưởng nhẹ như smartphone, tablet. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Marketing Media Mart - cho rằng thị trường phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, đang có hiện tượng cung vượt cầu.
 
Bước sang năm mới 2014 việc kinh doanh và cạnh tranh giữa các siêu thị điện máy có thể trở nên ngày càng khốc liệt hơn khi những hệ thống bán lẻ vẫn tiếp tục phát triển thêm nhiều chi nhánh mới và thêm nhiều siêu thị hệ thống bán lẻ mới gia nhập thị trường. 

Không chỉ cạnh tranh về chi nhánh, các siêu thị điện máy cũng đang cạnh tranh gay gắt về nhân lực, mô hình, cách thức kinh doanh nhưng cũng chỉ tựu trung một mục đích là giúp doanh nghiệp có lãi và có thể mở rộng quy mô phát triển.
 
Nhưng nhìn chung, các hệ thống siêu thị hầu như mới chỉ có sự cạnh tranh gay gắt về… các hoạt động khuyến mãi, tri ân. Trong khi đó, khuyến mãi chỉ là một sự kích thích giản đơn trong ngắn hạn bởi nó chỉ thu hút nhóm khách hàng “bảo thủ” về chi tiêu và dễ dàng bỏ rơi thương hiệu nếu xuất hiện một đơn vị khác bán hạ giá nhiều hơn.

Nó có thể tạo tâm lý “nhờn” khuyến mãi, khiến khách hàng chờ đợi thay vì tiêu dùng ngay bây giờ. Và thực tế, việc các cửa hàng, cửa hiệu, trung tâm mua sắm chăng biển hạ giá, khuyến mãi khủng từ đầu năm đến cuối năm đã khiến cho những người tiêu dùng như chị Ngân, một người đang có nhu cầu mua một chiếc TV và điện thoại từ cách đây mấy tháng, tiếp tục chặc lưỡi: “Lúc nào mua chẳng được. Bất kỳ lúc nào cũng có khuyến mãi hết cả mà.” 

Trong khi đó, thiếu đi “bạn đồng hành” là những quảng cáo chiến lược giải thích tại sao khách hàng nên mua sản phẩm, khuyến mãi chỉ đơn thuần là một chiếc mũi tên thiếu đi cây cung vững chãi và nhạy bén.

Mặt tiêu cực này thì các công ty đều rõ cả, nhưng dưới sức ép của chi tiêu kinh doanh, họ giờ đây đã trở thành những tay giăng biển chuyên nghiệp để hút khách, tức là ưu tiên cho việc bán hàng hiện tại hơn là xây dựng thương hiệu lâu dài - một điều hết sức nguy hiểm khi tạo cơ hội cho những “ngọa hổ tàng long” chờ thời vươn lên.
 
Theo nhiều chuyên gia đánh giá năm 2014 nền kinh tế vẫn có thể duy trì tình trạng khó khăn nên sức mua, sức tiêu thụ hàng hóa cũng khó tăng so với năm 2013. Các siêu thị điện máy, hệ thống bán lẻ nào sẽ duy trì, phát triển hay “tiếp bước” gục ngã?


Theo Vĩ Thanh

thuydtt

Sống mới

Trở lên trên