“Tam giác tài chính" ma quái Quảng Đông - Hong Kong - Macau
Bất chấp các biện pháp chống rửa tiền của chính quyền Bắc Kinh, hàng tỉ USD vẫn trôi qua tam giác Quảng Đông - Hong Kong - Macau rồi biến mất không dấu vết cùng hàng ngàn quan chức, doanh nhân.
“Lãi suất hấp dẫn đây. Tốt hơn cả ngân hàng”. Những lời mời mọc rôm rả như thế diễn ra công khai hằng ngày tại một khu phố nhỏ sát biên giới Trung Quốc - Macau. Theo Reuters, đằng sau các cửa hàng rượu, thuốc lá và hàng hóa kia là một thế giới ngầm với các hoạt động chuyển tiền không ngừng nghỉ trong tiếng máy đếm tiền chạy xoành xoạch. Một tay “cò” tên Choi đon đả chào mời: “Đơn giản lắm: anh đưa đây nhân dân tệ, tôi sẽ đưa đôla Hong Kong cho anh ở Macau. Chúng tôi có thể chuyển hàng chục triệu mỗi ngày”.
Thị trường tài chính ngầm này hoạt động ngày một mở rộng và phức tạp. Nó cho phép chuyển hàng trăm triệu USD xuyên biên giới mỗi ngày nhanh chóng, rẻ và an toàn. Tại tỉnh Quảng Đông, nơi doanh thu xuất nhập khẩu lên đến xấp xỉ 1.000 tỉ USD như vào năm ngoái, các hoạt động chuyển tiền ngầm diễn ra gần như công khai, liên thông với Hong Kong và Macau, tạo thành khu tam giác tài chính ngầm nổi tiếng nhằm né tránh các biện pháp kiểm soát tiền tệ cho giới kinh doanh vì mục đích làm ăn hay che giấu tài sản.
Hoạt động công khai
Tại Quảng Đông, các điểm nóng tài chính ngầm là Chu Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu và Đồng Quan. Chỉ riêng tại Chu Hải, 163 triệu USD đã chảy qua mỗi ngày, theo ước tính của một nhóm hoạt động tài chính ngầm tại đây. Ngoài những tay chuyển tiền dạo dọc biên giới, còn có cả một hệ thống trụ sở ngầm kết nối với nhau và hoạt động vô cùng hiệu quả dù chỉ liên lạc qua điện thoại. Một tay trong giới mô tả: “Trụ sở đó có khi chỉ là một căn phòng 10m2 chứa đầy tiền. Chúng hiện diện khắp nơi, trong mỗi ngôi làng, thị trấn, thành phố”. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết các “ngân hàng” ngầm này ở Quảng Đông đang đóng vai trò lớn nhất trong việc chuyển tiền ra nước ngoài.
Tại Macau, hoạt động chuyển tiền thường gắn liền với các sòng bài. Một người chuyển tiền cho biết khách hàng sau khi gửi nhân dân tệ, chỉ cần mang mẩu giấy có sáu chữ số tài khoản viết tay này là có thể đến rút tiền tại hầu hết các sòng bài. “Giống như ngân hàng vậy, có thể nộp và rút tiền bất cứ lúc nào. Rất an toàn” - người này mô tả.
Bên trong khu VIP của một sòng bài lớn, nhiều người đang xếp hàng trước sáu quầy đổi tiền, tay cầm những mẩu giấy như trên. Một số đại lý chuyển tiền cho biết họ thường chuyển hàng triệu nhân dân tệ trực tiếp vào tài khoản các khu VIP của các sòng bài do những tay trung gian có vốn lớn kiểm soát. Các khoản tiền lớn hơn thường được chia nhỏ để tránh bị phát hiện.
“Chúng tôi không phải tội phạm. Chúng tôi chỉ giúp cuộc sống tiện lợi hơn. Chúng tôi chỉ chuyển tiền mà thôi” - một tay đổi tiền giải thích. Một ông chủ sản xuất đồ điện tử cho biết chuyển tiền qua hệ thống ngầm chỉ mất 15 phút, trong khi cách chính thống thông qua ngân hàng phải mất đến hai tuần.
Tám kênh chuyển tiền
Trung tâm phân tích và theo dõi chống rửa tiền của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết các quan tham và tội phạm kinh tế đã chuyển tiền “bẩn” thông qua tám kênh. Chủ yếu là buôn lậu tiền mặt xuyên biên giới, sử dụng các dịch vụ ngân hàng đen, đầu tư ra nước ngoài, đổ vào các trung tâm tài chính lớn của thế giới, sử dụng thẻ tín dụng, thanh toán trực tiếp ở nước ngoài, thanh toán cho các thành viên trong gia đình hay tình nhân đang sinh sống ở nước ngoài và rửa tiền bằng cách đánh bạc ở Macau.
Nhưng cơ quan này thừa nhận không thể thống kê chính xác và chỉ có thể ước tính khoảng 123 tỉ USD đã được tẩu tán từ giữa những năm 1990 đến nay. Còn theo ước tính của Tổ chức giám sát tài chính toàn cầu Global Financial Integrity, hơn 2.830 tỉ USD đã tuồn khỏi Trung Quốc từ năm 2005 đến 2011, phần lớn đổ vào Hong Kong. Một lãnh đạo của Trung tâm nghiên cứu nạn rửa tiền ở Thượng Hải khẳng định hơn 1/3 số tiền chảy qua hệ thống ngầm là tiền “bẩn”.
Từ cuối năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tung ra hàng loạt biện pháp chống rửa tiền như hạn chế mỗi cá nhân chỉ được chuyển dưới 50.000 USD ra nước ngoài mỗi năm, buộc các ngân hàng phải xếp hạng nguy cơ phạm tội của khách hàng dựa trên địa điểm đặt trụ sở, ngành nghề kinh doanh... Tuy nhiên, các biện pháp này không mấy tác động đến thị trường tài chính ngầm. Theo số liệu được công bố, từ năm 2009, chính quyền Bắc Kinh đã điều tra 970 vụ rửa tiền trị giá gần 50 tỉ USD. Một trong những vụ điều tra lớn nhất diễn ra vào tháng 4-2013, trong đó Luo Juncheng bị cáo buộc đã rửa khoảng 1,7 tỉ USD trong vòng tám tháng, tính từ giữa năm 2009, thông qua một ngân hàng Trung Quốc ở Hong Kong.
Chuyển tiền và hạ cánh an toàn Theo số liệu của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc, tính đến nay các chính phủ nước ngoài đã giúp bắt giữ 1.631 người Trung Quốc chạy trốn và thu hồi 7,8 tỉ nhân dân tệ (1,2 tỉ USD) tài sản nhà nước bị đánh cắp. Ông Lý Thành Nghiêm, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu về minh bạch của Đại học Bắc Kinh, ước tính có đến 10.000 “công bộc của dân” đã trốn chạy với khoản tiền tẩu tán ra nước ngoài lên đến hơn 1.000 tỉ nhân dân tệ (157 tỉ USD). Điển hình như Vương Quốc Cường, cựu bí thư thành phố Phụng Sơn thuộc tỉnh Liêu Ninh, đã cùng vợ trốn đến Mỹ vào tháng 4-2012. Trước khi cao chạy xa bay, Vương đã kịp chuyển 31,5 triệu USD ra nước ngoài. Theo Nhân Dân Nhật Báo, họ Vương đã bị điều tra về tội tham nhũng và bị cách chức, nhưng đến nay cơ quan công quyền Liêu Ninh vẫn không tài nào đưa được quan tham này về Trung Quốc “thụ án”. Phía Trung Quốc ước tính có 16.000-18.000 cán bộ và nhân viên các công ty quốc doanh trốn khỏi Trung Quốc với tiền đã được chuyển trước ra nước ngoài để làm bãi đáp an toàn! MỸ LOAN |
Theo Trần Phương