MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng vốn đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Vào thế đã rồi!?

24-04-2014 - 14:34 PM |

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã bị chậm tiến độ hơn 2 năm đồng thời bị đội vốn hơn 61% (339 triệu đô la Mỹ) so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Nội dung nổi bật:

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã bị chậm tiến độ hơn 2 năm đồng thời bị đội vốn hơn 61% (339 triệu đô la Mỹ) so với tổng mức đầu tư ban đầu. Giải trình của Bộ GTVT:

- Lý do 1: thay đổi phương án nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng với chi phí phát sinh thêm trên 84,2 triệu đô la Mỹ.

-  Lý do tứ 2: bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu Depot, với chi phí cho việc xử lý nền đất yếu là 13,54 triệu đô la.

- Lý do thứ 3: dự án cần bổ sung hạng mục đường tránh Quốc lộ 6;

- Lý do thứ 4: điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox; 

- Lý do thứ 5: bổ sung chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ;

Lý do xuyên suốt trong giải trình của Bộ GTVT là yếu tố trượt giá và chi phí giải phóng mặt bằng bị đội lên. Giá gì mà “trượt” ghê thế?



Đọc giải trình của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về những nguyên nhân đội vốn đường sắt Cát Linh – Hà Đông, người ta có cảm tưởng như Bộ này hoặc những người liên quan đến lập và thực thi dự án cố tình đặt ra một cái bẫy để bắt cả quốc gia Việt Nam làm con tin, bị dồn vào thế đã rồi, buộc phải chấp nhận tiếp tục “cuộc chơi” của họ đặt ra với vô số thiệt hại.

Về lý do thứ nhất mà Bộ này đưa ra, thay đổi phương án nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng với chi phí phát sinh thêm trên 84,2 triệu đô la Mỹ nữa. Thật không thể hiểu nổi những người lập và duyệt dự án nghĩ gì khi một điểm mấu chốt, thiết yếu nhất như vậy trong dự án lại có thể thay đổi một cách dễ dàng như thế. Dù họ có thể đưa ra lý giải này kia để biện hộ cho việc cần thiết phải thay đổi thiết kế, việc này đâu có khác gì làm lại một dự án khác?

Người ta có quyền nghi ngờ, đặt ra câu hỏi, phải chăng dự án ban đầu chỉ là làm để cho có, đơn giản nhất có thể với chi phí thấp hơn thực tế nhiều để dễ được thông qua?

Tương tự như vậy, nguyên nhân thứ 2 được Bộ GTVT xác định là việc bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu Depot, với chi phí cho việc xử lý nền đất yếu là 13,54 triệu đô la. Thật kỳ lạ, và cũng không thể hiểu nổi! Thiết tưởng khi lập dự án xây dựng, dù là dân sinh, người ta luôn phải khảo sát, tìm hiểu để biết nền đất mà mình định xây công trình có yếu hay không (chẳng hạn khi xây nhà ở, người chủ nhà phải tìm hiểu xem nền đất của mình trước đây có phải là ao đầm bị lấp đi hay không...). 

Nay thì dự án này mới “bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu Depot” có nghĩa là trước đó những người thiết kế và thực thi dự án “quên” không nghĩ ra việc phải khảo sát nền đất? Hoặc giả người ta có khảo sát, nhưng làm chiếu lệ nên không biết; hoặc đã biết nền đất yếu, sẽ phải xử lý nhưng cố tình lờ đi miễn là dự án được thông qua? Khả năng nào đi nữa thì cũng không thể tha thứ được cho những người liên đới này.

Rồi cũng chung một vấn đề như thế cho các nguyên nhân thứ 3, do dự án cần bổ sung hạng mục đường tránh Quốc lộ 6; nguyên nhân thứ 4, do điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox; và nguyên nhân thứ 5, là việc bổ sung chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ (theo dự án đầu tư ban đầu, chí phí đào tạo chưa bao gồm chi phí ăn ở, đi lại của học viên). 

Những nguyên nhân này chỉ cho thấy một sự (cố tình) “ngây thơ” không tài nào hiểu nổi của những người liên đới khi “quên” không tính đến những yếu tố, những chi phí này lúc lập dự toán, làm dự án bị “đội” chi phí mà người dân nộp thuế bị dồn vào thế không thể “thoát” được, buộc phải chi tiếp nếu không muốn bỏ dở dự án.

Một nguyên nhân nữa xuyên suốt trong giải trình của Bộ GTVT là yếu tố trượt giá và chi phí giải phóng mặt bằng bị đội lên. Chỉ riêng “trượt giá” trong việc điều chỉnh xây dựng nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng đã là 43,5 triệu đô la trên tổng số 133,3 triệu đô la chi phí cần có để xây nhà ga 3 tầng (tăng từ 49,1 triệu đô la dự trù cho xây nhà ga 2 tầng). Giá gì mà “trượt” ghê thế?


Với chi phí giải phóng mặt bằng bị đội lên, đành rằng việc giải phóng mặt bằng luôn là một vấn đề đau đầu ở Việt Nam, nhưng nếu đã biết thế thì sao lại cố tình dự trù một mức chi phí giải phóng mặt bằng thấp hơn nhiều mức dự tính hiện nay thế? Phải chăng những người lập dự án có phương châm xuyên suốt trong đầu khi lập dự án cơ sở là mọi chi phí phải được dự tính ở mức càng thấp càng tốt thì mới dễ được thông qua?

Tóm lại, ngoài sự choáng váng với những con số chi phí phát sinh “khủng” của dự án, ấn tượng chính còn đọng lại trong đầu những người có quan tâm đến dự án này khi đọc giải trình của Bộ GTVT là dường như Bộ GTVT đang nói đến 2 dự án khác biệt nhau hoàn toàn, dù đều là dự án xây dựng nhà ga đường sắt đô thị, tại cùng một địa điểm.

Mọi chuyện nghe cứ như là một trò đùa trêu ngươi và lố bịch. Nếu Bộ GTVT khẳng định chúng là một, mà chỉ có chi phí bị “điều chỉnh lên” thì Bộ này trước tiên cũng rất nên và phải sa thải những người liên quan đến thiết kế và phê duyệt dự án vì sự yếu kém và “ngây thơ”, hoặc cố tình gian trá của họ. Còn Bộ GTVT thì cũng nên cải tổ lại (kèm sa thải, bãi nhiệm) để giảm thiểu chuyện luôn phải “điều chỉnh” khủng xảy ra ở các dự án đầu tư công tương tự.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã bị chậm tiến độ hơn 2 năm đồng thời bị đội vốn hơn 61% (339 triệu đô la Mỹ) so với tổng mức đầu tư ban đầu khiến Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ GTVT phải chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tập thể cá nhân liên quan.

Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD, trong đó vốn ODA Trung Quốc là 419 triệu USD; thời gian triển khai ban đầu dự kiến từ tháng 8/2008 đến tháng 11/2013. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh mức đầu tư từ 552 triệu USD lên tới 891 triệu USD và thời điểm hoàn thành dự kiến vào tháng 12/2015, chậm 2 năm so với kế hoạch ban đầu.


Theo Phan Minh Ngọc

kyanh

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên