MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương vụ Cặp đôi hoàn hảo

03-12-2011 - 11:30 AM |

Dưới bề mặt hào nhoáng và vui vẻ của một cuộc thi đấu gồm những người nổi tiếng, chương trình đã khuấy động cuộc đua khác dành cho đám đông, nơi lợi nhuận thực sự được tạo ra.

Dưới bề mặt hào nhoáng và vui vẻ của một cuộc thi đấu gồm những người nổi tiếng, chương trình đã khuấy động cuộc đua khác dành cho đám đông, nơi lợi nhuận thực sự được tạo ra. Giám khảo nói hớ “làm lộ kịch bản soạn sẵn”, thí sinh doạ bỏ thi vì bức xúc giám khảo, giám khảo miệng chê nhưng tay cho điểm mười, giám khảo lên báo “chê” thí sinh…

Bê bối, như một công cụ

Khó có thể liệt kê đầy đủ những lùm xùm quanh chương trình Cặp đôi hoàn hảo, tưởng như quá sức chịu đựng đối với bất kỳ ban tổ chức nào. Nếu diễn ra ở một cuộc thi thuộc trung tâm văn hoá cấp xã, huyện, có lẽ nó đã bị dừng lại để được điều tra, kiểm điểm cá nhân nào đó nhằm dẹp yên dư luận.

Nhưng guồng máy được vận hành bằng tiền (tính theo triệu đô) và công nghệ game show nhập khẩu, luôn chứng tỏ được sự vững vàng và lạnh lùng của nó để tiến từng bước một tới đêm chung kết vào tối ngày 4/12 tới.

Nhìn lại nguồn gốc, Cặp đôi hoàn hảo có định dạng (format) mua lại từ chương trình Just the Two of Us (năm 2006) của ông bầu Simon Cowell tại Anh. Nó được xem là sự nâng cấp của chương trình Strictly Come Dancing (tại Việt Nam là Bước nhảy hoàn vũ), vốn kết hợp một vũ công chuyên nghiệp và một người nổi tiếng để cùng trổ tài khiêu vũ.

Cùng trên mô thức khích động và truyền cảm hứng cho khán giả bằng cách mời người nổi tiếng “làm chuyện lạ”, Just the Two of Us hấp dẫn hơn nhờ kết hợp một người nổi tiếng và một ca sĩ chuyên nghiệp để hát song ca.

Họ phải bắt cặp bằng cách bốc thăm công khai, yếu tố gây bất ngờ thú vị cho người chơi lẫn người xem. Nhưng nguyên tắc này không diễn ra ở phiên bản Việt, khiến nhiều người nghi ngờ chuyện dàn xếp lợi ích giữa người tham gia và ban tổ chức.

Tuy nhiên, những lùm xùm có lẽ đã thành…thuộc tính của chương trình truyền hình thực tế như Strictly Come Dancing hay Just the Two of Us. Chúng xảy ra trong nhiều phiên bản khác nhau ở các quốc gia nhập khẩu chứ không riêng gì Việt Nam, từ chuyện thí sinh tố giám khảo gạ tình, cho đến thí sinh lộ ảnh nóng…

Bất chấp tất cả, những hợp đồng bảo mật dày cộp và chi tiết theo từng nấc thang cuộc đấu dành cho người tham gia, có sức mạnh phong toả bất kỳ nỗ lực “đột nhập hay đào thoát” nào nhằm chứng minh vụ việc xảy ra là do vô tình hay cố ý.

Mặt khác, chuyện bê bối cộng thêm những trò vui trong màn trình diễn không chỉ giúp chương trình được chú ý hơn, mà còn gây ra những tình cảm yêu, ghét, giận dữ, bực dọc, phấn khích, vui vẻ… nơi khán giả, thúc đẩy họ tham gia bày tỏ quan điểm bằng cách nhắn tin bình chọn.

Để được chứng kiến những gì mình yêu thích lên ngôi, nhiều khán giả không ngần ngại mỗi tuần gửi đi nhiều tin nhắn bình chọn (5.000 đồng/tin, không giới hạn số lượng gửi đi từ một số máy điện thoại và được trừ âm thầm trong tài khoản).

Ở khía cạnh này, chương trình bị chỉ trích như một trò vui có thưởng, bỏ qua chức năng định hướng thẩm mỹ âm nhạc, nghệ thuật của một kênh truyền hình quốc gia.

Cuộc vui chưa sòng phẳng

Không nghi ngờ gì là các cuộc thi truyền hình thực tế có sức hấp dẫn, thu được lượng người xem cao, kéo theo lượng quảng cáo lớn, nhờ trao (một phần) quyền lực chọn người thắng cuộc cho khán giả.

Nếu ở chương trình gốc, kết quả tin nhắn bình chọn được thực hiện bởi đơn vị kiểm toán hoàn toàn độc lập với ban tổ chức và công khai con số cụ thể đến người xem, thì ở phiên bản Việt, ban tổ chức không làm điều này.

Chị Kim Loan ở số 15 Võ Thị Sáu, Biên Hoà, Đồng Nai bức xúc: “Tôi cho rằng nhà đài đang lập lờ khi chỉ thông báo người trúng giải được 15 triệu đồng, còn tin nhắn bị trừ đi bao nhiêu thì không nói đến.

Ban tổ chức cũng cố tình không công bố các số liệu bình chọn. Có lẽ họ muốn giấu doanh thu kiếm được từ cách “dụ” người xem đánh bạc với nhà đài và công ty tổ chức, khoác cho nó chiếc áo của một chương trình thuần nghệ thuật”.

Không bị thuyết phục bởi quyền lực chuyên môn của dàn giám khảo “nói linh tinh và cho điểm không giống ai”, lại không cảm thấy mình bị thua cuộc bởi một số đông lớn hơn, khán giả đang tỏ ra giận dữ vì bị đối xử thiếu tôn trọng, công bằng và sòng phẳng.

Bất chấp những tranh cãi, thậm chí kêu gọi tẩy chay cuộc thi đang diễn ra trên mạng, cho đến nay ban tổ chức không làm gì để minh bạch kết quả bằng con số, mà chỉ đưa ra lời giải thích chung chung người thắng cuộc là do “fan” ủng hộ.

Trả lời trên có thể giải thích được cho sự có mặt trong đêm chung kết của cặp đôi Đàm Vĩnh Hưng – Kim Thư, dù họ có nhiều màn trình diễn bị khán giả chê dở. Và giải thích luôn cho sự ra đi của các cặp đôi được yêu thích như Đinh Tiến Dũng – Phương Linh, Phạm Văn Mách – Văn Mai Hương.

Có ý kiến còn cho rằng cái tên Đàm Vĩnh Hưng đảm bảo cho chương trình “đạt chỉ tiêu doanh thu tin nhắn”, thể hiện qua những lời khen và điểm số “thiên vị” của ban giám khảo. Thế nên, đến giờ phút này, người ta có quyền nói về sân chơi giải trí này là nơi “thí sinh hát dở hạ gục thí sinh hát hay bằng tin nhắn”.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

ngocdiep

Trở lên trên