MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việc bị mất Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột: Khởi kiện là con đường duy nhất

21-09-2011 - 10:50 AM |

Bài học của Cà phê buôn Ma Thuột là bài học “đắt giá” cho VN trong việc bảo vệ thương hiệu tại nước ngoài và bảo vệ chỉ dẫn địa lý trước nguy cơ mất thị trường tại nhiều nước trên thế giới.

Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột của VN bị một DN Trung Quốc đăng ký bảo hộ độc quyền. Chia sẻ với DĐDN ông Trần Hữu Nam - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN khẳng định, đây là một bài học “đắt giá” nữa cho VN trong việc bảo vệ thương hiệu tại nước ngoài nói chung và việc bảo vệ chỉ dẫn địa lý nói riêng. Bởi nếu không bảo vệ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài đồng nghĩa với nguy cơ mất thị trường tại nhiều nước trên thế giới.

 


Ông Nam cho biết, đây không phải là lần đầu tiên chỉ dẫn địa lý quốc gia của VN bị DN nước ngoài đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu. Trước đây, kẹo dừa Bến Tre, bánh đậu xanh Hải Dương... cũng gặp tình trạng tương tự. Chúng ta đã khởi kiện và dành được phần thắng ngay tại Trung Quốc.

- Ông có thể lý giải nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã được cấp chứng nhận bảo hộ quốc gia nhưng vì sao vẫn bị DN Trung Quốc đăng ký sở hữu ?

Từ năm 1995, UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép xây dựng hồ sơ bảo hộ tên gọi xuất xứ cà phê Buôn Ma Thuột (chỉ dẫn địa lý) và được Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định 806/QĐ-SHTT ngày 14/10/2005 cấp chứng nhận đăng bạ số 0004, công nhận bảo hộ quốc gia chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đối với sản phẩm cà phê nhân robusta. Sau đó, nhà nước đã xây dựng chương trình hỗ trợ kinh phí về phát triển chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột giai đoạn 2005-2010.

Về phía Cục Sở hữu trí tuệ, với chức năng của mình đã tổ chức nhiều khóa tập huấn hướng dẫn cho các DN ở Đắk Lắk đăng ký, bảo vệ thương hiệu ở nước ngoài. Tuy nhiên, vì nhiều lý do cho đến nay cà phê Buôn Ma Thuột vẫn chưa được đăng kí nhãn hiệu hàng hóa tại các nước xuất khẩu và tiêu thụ cà phê trên thế giới. Chính điểm yếu này để các DN nước ngoài lợi dụng. Thực tế đã có không ít các thương hiệu như: thuốc lá Vinataba, cà phê Trung Nguyên hay các chỉ dẫn địa lý như nước mắm Phú Quốc, gạo Nàng Hương... đã bị tranh chấp ở nước ngoài mà nguyên nhân là do các DN chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu kịp thời tại các nước đó.

- Đây không phải là lần đầu tiên chỉ dẫn địa lý quốc gia bị DN nước ngoài đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu. Vậy, căn nguyên của thực trạng này do đâu, thưa ông?

Tôi cho rằng, kinh phí chỉ một phần bởi chi phí để đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài không phải là lớn. Ví dụ, DN muốn đăng ký nhãn hiệu tại Hoa Kỳ chỉ cần nộp khoản phí chưa đến 500 USD và có thể gửi đơn đăng ký dưới 2 hình thức: đăng ký bằng điện tử và đăng ký bằng giấy tờ. Thời gian từ lúc nộp đơn đến lúc chấp nhận khoảng 14 tháng. Mọi quy trình, thủ tục, đơn xin đăng ký, đơn phản hồi đều được công khai minh bạch tại website của tổ chức USPTO. Đồng thời, DN có thể tra cứu, xác định xem nhãn hiệu của mình đã bị đăng ký hay chưa để nộp đơn đăng ky hoặc có phản đối kịp thời.

Tuy nhiên, theo con số thống kê tại Cục Sở hữu trí tuệ thì số đơn đăng ký nhãn hiệu của các DN VN ra nước ngoài theo thỏa ước Madrid mới vượt qua ngưỡng 50 nhãn hiệu, và số nhãn hiệu có nguồn gốc VN xin đăng ký bảo hộ tại Hoa Kỳ gần 200 nhãn hiệu. Con số này thật khiêm tốn khi các DN Hoa Kỳ đã đăng ký bảo hộ gần 10.000 nhãn hiệu của họ tại VN. Và càng quá nhỏ so với hàng triệu nhãn hiệu được đăng ký tại Mỹ.

Bên cạnh đó, theo hệ thống nhãn hiệu quốc tế (WIPO) của Nghị định thư Madrid thì nếu DN muốn đăng ký ở châu Âu thì không cần đăng ký từng nước mà cứ tham gia vào hệ thống WIPO sẽ được chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở 70 quốc gia.

Vì vậy, cần phải đánh giá đúng tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ và có chiến lược bảo vệ những tài sản trí tuệ của mình. Tìm cách bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ nên được coi là bước đầu tiên trong quá trình kinh doanh, xuất khẩu, thâm nhập thị trường nước ngoài. Việc đăng ký ra nước ngoài sẽ tốn kém, nhưng đặt việc này trong cái nhìn về lợi ích tổng thể lâu dài thì sẽ thấy đấy là những chi phí hợp lý.

- Cũng có không ít ý kiến của các chuyên gia, các nhà làm luật VN cho rằng, việc đòi lại thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột hiện nay không phải là việc làm dễ dàng vì năng lực của chúng ta còn nhiều hạn chế. Quan điểm của ông?

DN VN chưa đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài, dẫn đến mất thương hiệu là điều khó tránh khỏi. Việc đòi lại thương hiệu sẽ gặp không ít khó khăn do xảy ra ở nước ngoài, nên phải tiến hành theo luật của nước sở tại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể hủy bỏ thành công thương hiệu này dựa trên chính quy định của họ. Vì, thứ nhất, Buôn Ma Thuột là chỉ dẫn địa lý quốc gia đã được bảo hộ từ năm 2005, và nổi tiếng không chỉ ở VN mà trên thế giới. Chúng ta là nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới, nổi tiếng trong đó Buôn Ma Thuột được coi là thủ phủ cà phê của VN. Thị trường xuất khẩu cà phê đã đến hơn 50-60 nước trên thế giới. Đây cũng là căn cứ để công chúng Trung Quốc biết đến Buôn Ma Thuột.

Thứ hai, dựa trên căn cứ để chứng minh rõ ràng ý định của người đăng ký là công ty ở Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc dùng công cụ pháp lý đăng ký nhãn hiệu ứng xử như hành động cạnh tranh không lành mạnh. Rõ ràng họ dùng nhãn hiệu Buôn Ma Thuột trên hàng hoá để gây nhầm lẫn về nguồn gốc.

- Vậy để tránh lặp lại những sự việc đáng buồn như hiện nay, dưới góc độ nhà quản lý, ông có lời khuyên gì tới các DN VN ?

Hiện vẫn có một số DN VN đăng ký nhãn hiệu trong nước nhưng lại nhầm tưởng rằng cứ được bảo hộ ở VN là được bảo hộ trên toàn cầu. Thiết nghĩ, cho dù các DN có thiếu hiểu biết hay thờ ơ thì đã đến lúc nếu họ cần phải quan tâm, nếu không chính họ sẽ là người thiệt thòi khi nhãn hiệu hàng hoá của mình bị xâm phạm mà không được bảo hộ. Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan và các tổ chức cũng cần tạo điều kiện giúp đỡ cung cấp thông tin kịp thời để tăng cường sự hiểu biết pháp luật nhất là Luật Sở hữu trí tuệ cho các DN VN khi muốn làm việc với nước ngoài.

Hiện nay, chưa có DN cà phê của Buôn Ma Thuột báo cáo là bị ảnh hưởng bởi nhãn hiệu bị đăng ký độc quyền ở Trung Quốc, nhưng về lâu dài có thể sẽ xảy ra trường hợp kẹo dừa Bến Tre.

Vì vậy, đối với trường hợp cà phê Buôn Ma Thuột, không còn con đường nào khác là chúng ta phải khởi kiện ra tòa án vì theo luật pháp Trung Quốc không giải quyết các vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ bằng con đường hành chính. Trong đó, UBND tỉnh Đắc Lắk với tư cách là cơ quan quản lý cao nhất của chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, chắc chắn là phải tiến hành khiếu kiện đối với Cty đăng ký nhãn hiệu đó tại Trung Quốc. Khiếu kiện đó phải thông qua một đơn yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu của Trung Quốc để đòi lại nhãn hiệu. Và vụ khiếu kiện này sẽ phải tuân theo luật pháp của Trung Quốc.

- Cái khó hiện nay là chi phí cho những vụ kiện này không phải là ít. Trong khi đó, năng lực của các DN VN có hạn, thưa ông?

Đúng vậy, vấn đề ở đây là chúng ta phải mất một khoản chi phí không nhỏ cho vụ kiện này. Đơn cử như trường hợp thương hiệu Vinataba khi tiến hành khởi kiện ra tòa án ở một số nước như Thái Lan, Trung Quốc đã phải mất hàng trăm ngàn USD để thuê luật sư.

Tuy vậy, trong trường hợp khởi kiện, nếu các DN ở vùng sản xuất cà phê Buôn Ma Thuột biết cùng nhau chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm thì dù thắng hay thua kiện cũng tác động tích cực đến ý thức cộng đồng quốc tế về cà phê VN.

Tôi cho rằng, sau “bài học” chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột bị xâm hại, chúng ta cần thấy rằng việc đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, làm được điều này hay không cần phải có bàn tay “nhạc trưởng” là nhà nước chứ nhà nông khó có thể tự làm. Nếu để cảnh “trâu chậm uống nước đục” xảy ra đối với những thương hiệu nông sản nổi tiếng của VN sẽ là điều hết sức đáng tiếc”.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Mai Thanh
Diễn đàn doanh nghiệp

kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên