MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ sữa Danlait: Mạnh Cầm có cố tình nhập nhèm trong đăng ký tên sản phẩm?

26-02-2013 - 23:15 PM |

(CafeBiz) Nếu theo những bằng chứng ở hiện tại, Danlait có thể coi là sữa. Thế nhưng có dấu hiệu cho thấy Mạnh Cầm nhập nhằng trong việc đăng ký tên nhãn sản phẩm với cơ quan chức năng.

Theo thông tin mới nhất từ ông Jean Luc Angot, trưởng cơ quan điều phối y tế Pháp, sữa dê dùng để sản xuất sữa trẻ em Danlait được thu hoạch và chế biến tại tỉnh Vende bởi nhà máy thuộc Liên hiệp sữa vùng Venise Verte.

Về phần công ty FIT của thành phố Rennes (website: http://www.fitsagroup.com/page/fr/111/g/1/laits-infantiles.html), công ty này được đăng ký trong danh sách các công ty trong tư cách công ty bán buôn, kinh doanh liên doanh nghiệp các sản phẩm sữa, trứng, dầu ăn và các thực phẩm có chất béo. Như vậy hoạt động kinh doanh sữa của công ty FIT không ảnh hưởng gì đến chất lượng sữa.

Còn theo chia sẻ mới nhất của ông Kiều Đình Cảnh, đội phó đội quản lý thị trường số 12, Mạnh Cầm có một số dấu hiệu nhập nhằng trong nhãn sữa cũng như hoạt động đăng ký với các cơ quan chức năng.

Theo bản dịch nhãn sữa và giấy tờ của Danlait bằng tiếng Pháp, Danlait chính là sữa trẻ em và trên nhãn sữa của hộp sữa Pháp có dòng chữ: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Loại sản phẩm này chỉ được sử dụng dưới sự chỉ định của bác sỹ. Trên thực tế, nhãn phụ tiếng Việt của Mạnh Cầm lại không hề có dòng chữ: Loại sản phẩm này chỉ được sử dụng dưới sự chỉ định của bác sỹ. Kết luận, Danlait chính là sữa nhưng nhãn phụ của hãng lại không nêu rõ thông tin sản phẩm phải được sử dụng dưới sự chỉ định của bác sỹ.

Cũng theo ông Kiều Đình Cảnh, Mạnh Cầm đăng ký với Cục vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm Danlait là: Thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait. Và ông Cảnh cũng rất hoài nghi về việc lý do tại sao Mạnh Cầm lại đăng ký với Cục bằng cái tên thực phẩm bổ sung chứ không phải sữa? Liệu có phải Mạnh Cầm làm vậy để né các quy định khi cần tăng giá sản phẩm bởi đối với sản phẩm sữa, mỗi khi tăng giá cần phải đăng ký và thông báo?

Hàm lượng đạm là 34% có thực sự hợp lý?

Đối với thông số về hàm lượng đạm trong sữa gây xôn xao dư luận thời gian gần đây, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, bà Nguyễn thị Lâm, khẳng định rằng người tiêu dùng không nên nhầm lẫn về hàm lượng đạm của sữa. Nhiều báo chí khẳng định rằng hàm lượng đạm cần thiết của sữa phải đạt 34%, song theo bà này, theo quy chuẩn dinh dưỡng quốc tế, hàm lượng đạm cần thiết cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ không cần thiết phải cao đến như vậy.

Hàm lượng đạm theo tiêu chuẩn quốc tế chỉ cần từ 11 đến 18% còn với hàm lượng đạm lên đến 34% thì trẻ nhỏ cũng không thể tiêu hóa được. Vì vậy, khi sử dụng sữa, người tiêu dùng không nên nhầm lẫn rằng hàm lượng đạm tối thiểu phải là 34%.

Đồng thời, bà Lâm cũng khẳng định rằng người tiêu dùng không nên phân biệt quá rạch ròi giữa sữa và thực phẩm bổ sung. Bởi sữa cũng là một loại thực phẩm để bổ sung cho trẻ em ngoài các thực phẩm khác, vậy nên hai khái niệm này không nên tách rời.

Cảnh báo về tình trạng sữa có độ đạm chỉ 5% tại một số tỉnh thành tại Việt Nam

Theo một thanh tra viên thuộc Bộ Y Tế, trong đợt kiểm tra các tỉnh miển Trung năm 2009, nhìn chung các loại sữa bán trong siêu thị cửa hàng tại thành phố, thị xã lớn đều đạt chuẩn độ đạm khoảng 20%. Thế nhưng khi đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu sữa tại một số cửa hàng ở tỉnh lẻ thuộc tỉnh Quảng Ngãi, có nhiều loại sữa độ đạm chỉ đạt 5%, tức là chưa bằng ¼ so với mức chuẩn cần thiết của sản phẩm sữa.

Vì vậy, thanh tra viên này khuyến nghị người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm sữa có uy tín, có thể là sữa ngoại hay sữa nội tùy lựa chọn của người tiêu dùng. Thế nhưng bà khẳng định kết quả kiểm nghiệm với các loại sữa nội hiện nay như sữa của Vinamilk cũng rất đảm bảo tiêu chuẩn. Vì vậy người tiêu dùng không nên quá sính hàng ngoại, mua hàng xách tay không rõ nguồn gốc để tự rước họa cho mình và trẻ em.

Trần Nguyễn

kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên