MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu chuyện tự bảo vệ bản thân của cô gái 18 tuổi, một mình du lịch 3 nước chỉ với 10 triệu

26-03-2023 - 00:40 AM | Lifestyle

Đi du lịch một mình đối với một cô gái 18 tuổi là một trải nghiệm thú vị, tuy nhiên khi gặp nguy hiểm bạn cần bảo vệ bản thân như thế nào.

Trước khi được gọi là một đứa trẻ rong ruổi khắp nơi thì Trần Quỳnh Giang (18 tuổi) đúng là "con nhà người ta". Giang là học sinh của một trường chuyên cấp 3 ở Đà Nẵng, có bằng IELTS 8.0, có phim về tâm lý được trình chiếu tại Liên Hợp Quốc,... Nhưng sau tất cả, cô gái bé nhỏ vẫn chấp nhận vứt bỏ hết những cái "danh" ở lại và lên đường đi chơi.

Quỳnh Giang tự mình đi du lịch bụi qua 3 đất nước Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia với vỏn vẹn trong tay 10 triệu đồng. Ở đó, không ít lần Giang đối mặt với nguy hiểm.

Những nguy hiểm trên đường rong ruổi

Giang chia sẻ, trên đường đi du lịch, có lần cô phải đối mặt với nạn quấy rối tình dục. Khi đang ngồi trong xe lam cùng với người địa phương, cô cảm nhận thấy "bàn tay hư hỏng" ai đó chạm vào cơ thể mình.

Giang kể, lúc đó sợ thì có sợ nhưng cô nghĩ quan trọng nhất vẫn phải bình tĩnh xử lý tình huống. Giang nhẹ nhàng gạt bàn tay của người kia và tỏ rõ thái độ phản đối. Vì chỉ có một mình nơi đất khách, cô không dám làm căng quá, sợ gặp nguy hiểm hơn.

Kể từ hôm ấy, Giang rút ra được một bài học để tự bảo vệ bản thân mình: Không nên quá nổi bật nơi đông người, rất dễ bị chú ý. Ngoài ra, người du lịch cũng cân nhắc mang những vật dụng phòng thân được chấp nhận tại địa phương. (Ví dụ như ở Thái Lan, việc mang bình xịt hơi cay được xem là bất hợp pháp.)

Cô hòa nhập vào đám đông, cố gắng không gây sự chú ý và tránh đi đến những nơi vắng người. Giang cảm thấy biết ơn bộ tóc tém cá tính của mình và tin rằng, nhờ tóc tém mà cô tránh được những rắc rối không đáng có.

Trên đường đi chơi, có lúc cô bị ngộ độc thực phẩm và Quỳnh Giang lựa chọn việc chấp nhận nó, bình tĩnh và xử lý vấn đề.

Chỉ với 10 triệu trong tay - số tiền kiếm được từ công việc dạy thêm và tiết kiệm trong một thời gian dài, vừa đi Giang vừa học vừa làm những nghề nghiệp tự do trên các trang web dành cho freelancer để có tiền trang trải cho chuyến hành trình.

Cô đi Thái Lan rồi Malaysia, cuối cùng là Ấn Độ, không theo kiểu du lịch mà trải nghiệm cuộc sống địa phương, nên phần lớn thời gian, cô rong ruổi ở những nơi "khỉ ho cò gáy".

Giang kể, lần đầu đi qua Thái Lan cô đã bị lạc đường, tiếng Thái thì không biết, 4G không hoạt động, ở đó nơi mà Giang miêu tả là "hai bên đường mái nhà lợp bằng tôn, đường rải sỏi", người ta không dùng tiếng Anh. Khi ấy Giang mới hiểu rằng tấm bằng IELTS của bản thân không thể giúp ích trong những trường hợp oái oăm như thế này.

Học cách giao tiếp với người địa phương

Học được cách giao tiếp, đó là điều quý giá nhất mà Quỳnh Giang học được trong suốt hơn 2 tháng rong ruổi của mình. Chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng, vừa làm vừa đi chơi nên tiền bạc đối với Giang là một vấn đề rất lớn. Cô chia sẻ, bản thân phải học cách làm sao để bày tỏ sự chân thành hết mức có thể với người bản xứ. Có như vậy thì người ta mới cho mình ăn nhờ, ở nhờ.

"Mình phải móc tim, móc ruột mình ra để người ta hiểu mình. Đó là học cách để thể hiện sự chân thành." - Quỳnh Giang kể.

Ngoài ra, vấn đề bất đồng ngôn ngữ cũng là một vấn đề đau đầu. Mặc dù tiếng Anh của Giang rất tốt, mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến thứ hai ở Ấn Độ nhưng rào cản về cách phát âm vẫn luôn ở đó. Cô phải nắn giọng phát âm sao cho "chuẩn Ấn", kéo dài chữ, học cách đung đưa đầu khi nói chuyện... để giao tiếp tốt ở Ấn Độ.

"Mục đích của ngôn ngữ không phải bằng cấp. Mục đích của ngôn ngữ là giao tiếp. Khi không thể giao tiếp với mọi người bằng tiếng Anh thì chuyện em được 8.0 IELTS hay đi dạy thêm Anh văn từ những năm cấp 3 đều là vô nghĩa. Em nghĩ mình không thể giữ khư khư thói quen của mình là phát âm chuẩn mà phải phát âm sao cho người ta hiểu." - đó là điều cô gái nhỏ đúc kết được sau hơn 2 tuần sống chung cùng một gia đình ở Ấn Độ.

Điều tuyệt vời nhất của cuộc dạo chơi một mình, theo Giang, đó là cô có thể thoải mái kết bạn, với bất kỳ ai, bằng một trái tim chân thành. Giang đã kết thân được với những nhóm bạn ở những đất nước khác nhau và họ sẵn sàng mời Giang đến nơi họ sống để trải nghiệm. Đó cũng là lý do Giang dự định đến Nepal trong thời gian tới, khi những người bạn Nepal ngỏ ý mời.

"Chấm lửng" là cái tên mà Quỳnh Giang đặt cho fanpage của mình với ngụ ý là vẫn còn nữa, vẫn chưa dừng lại, như chính cô, vẫn sẽ đi tiếp, là Nepal, là Ấn Độ, hay một quốc gia nào đó chưa biết trước, miễn là giá máy bay đến đó rẻ!

Ảnh: NVCC

Trở thành nước hạnh phúc nhất thế giới, Phần Lan tổ chức khóa học ‘hạnh phúc’ kết hợp du lịch: Hoàn toàn miễn phí, được ở resort cao cấp trong 4 ngày

Theo Diễm Hạnh

Thể thao văn hóa

Trở lên trên