MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu chuyện về cậu bé người sói với 1 chiếc răng: Bí mật về nghệ thuật bán hàng, thuyết trình ai cũng muốn biết

26-06-2019 - 17:12 PM | Sống

Câu chuyện chính là một phần quan trọng trong chiến lược thuyết phục. Để khiến câu chuyện trở nên thuyết phục, bạn cần phải biết cách kể nó.

Kể chuyện giúp bạn tự tin

Bạn có nhận ra trong tất cả các cuốn sách bán chạy nhất đều sử dụng rất nhiều ví dụ thực tế để mô tả phương pháp của mình? Các ví dụ, trường hợp cụ thể- câu chuyện chính là một phần quan trọng trong chiến lược thuyết phục. Để khiến câu chuyện trở nên thuyết phục, bạn cần phải biết cách kể nó. Mọi người thường nghĩ một nhà diễn thuyết giỏi là một người tự tin bởi họ có thể thuyết trình trên sân khấu và trước ống kính. Nhưng trên thực tế khá nhiều người trong số họ là một người sống khá nội tâm và tự ti. Khi tới dự các buổi học của cả cha mẹ, con cái và rất nhiều bậc phụ huynh khác ở đấy, họ chỉ muốn trốn vào một góc.

Chính khả năng kể chuyện đã giúp họ tự tin trên sân khấu. Và không chỉ vậy, kể chuyện cũng giúp tăng cường sự thu hút và khả năng thuyết phục người khác. Nếu bạn có thể kể một câu chuyện hàm chứa một thông điệp cụ thể nhằm hướng tới nội dung cốt lõi bạn muốn truyền tải, ý tưởng qua câu chuyện của bạn sẽ trở nên thuyết phục hơn. Trở thành một người kể chuyện tốt có thể sẽ khiến cho sếp bạn thấy bạn có khả năng vượt bậc ra sao, hay khiến cho nhân viên hiểu rõ hơn về bạn. Những câu chuyện có muôn mặt ảnh hưởng khác nhau trên khắp thế giới.

Dean Graziosi- tác giả của cuốn sách 10 Thói quen triệu phú đã có mặt trên truyền hình trong 15 năm liên tiếp. Và trong mọi chương trình ông đều kể chuyện với những thông điệp lớn lao trong đó. Các câu chuyện đã biến ông từ một cậu bé hay xấu hổ trong lớp, sẵn sàng nghỉ học khi biết mình sắp phải thuyết trình trước cả lớp, trở thành người có thể thuyết trình trước một hội trường 15.000 người. Vậy câu chuyện nào đem lại tầm ảnh hưởng tương tự với bạn?

Trước hết hãy liệt kê một danh sách các câu chuyện hay nhất. Bạn có thể nghĩ về thời điểm bạn thành công vượt qua một khó khăn, cống hiến cho công việc hay sự chân thành trong các mối quan hệ. Bạn có thể dùng gợi ý sau “Tôi nhớ lại câu chuyện tuyệt vời khi tôi từng…?” (bạn điền vào chỗ trống). Nếu bạn muốn người khác nhớ về câu chuyện này, hãy để cho họ cảm nhận được sự căng thẳng hồi hộp vào cuối câu chuyện để họ có thể học hỏi từ bạn. Trong khi làm bài tập này, hãy nhớ rằng sự chân thành vẫn là số một.

Câu chuyện về cậu bé người sói với 1 chiếc răng: Bí mật về nghệ thuật bán hàng, thuyết trình ai cũng muốn biết - Ảnh 1.

Câu chuyện về Toof

Kĩ năng kể chuyện của Dean từng được thử thách khi gia đình ông đi nghỉ tại California. Cả nhà ngồi quây quần quanh hố lửa và Dean có thể nhìn thấy ánh mắt buồn bã từ cậu con trai mới năm tuổi. Brody có ngoại hình còi cọc nhất trong lớp học và vì vậy thằng bé thường xuyên bị bạn bè trêu chọc. Brody buồn vì sắp phải đi học trở lại và gặp bạn bè, thậm chí thằng bé còn không chắc mình có muốn đi học hay không nữa.

Brody không nhắc gì tới những đứa trẻ đã bắt nạt thằng bé mà thay vào đó, nó viết những cái tên lên tường. Lúc đó Dean có nói với con trai mình, “Brody, bố cũng từng là một cậu bé còi cọc. Bố hiểu cảm giác của con, nhưng điều đó làm bố mạnh mẽ hơn, rắn rỏi hơn và giúp bố gặt hái được rất nhiều thành công. Vậy nên con sẽ ổn thôi.” Khi nói ra những lời đó, Dean muốn con hiểu mình, hiểu cho cảm xúc và những gì ông từng trải qua. Thế nhưng cách tiếp cận vấn đề này không tạo ra một mối liên kết và cũng chẳng giúp thằng bé cảm thấy được thấu hiểu.

Vậy nên Dean ngay lập tức phải tìm ra cách làm cho bài học của mình có tác động mạnh mẽ hơn và khiến cho Brody hiểu nó cần mạnh mẽ dù có hay không có câu chuyện về mình và đồng thời làm cho nó cảm thấy được thấu hiểu.

“Brody, con đã từng nghe đến Toof chưa? Không phải răng (tooth) đâu con mà là Toof, T-O-O-F.” Thằng bé trả lời chưa và con gái Breana của tôi cũng lại gần và hỏi “Toof là ai vậy bố?”. Dean kể: “Toof là một cậu bé người sói chỉ có một chiếc răng. Nhưng đó chỉ là một nửa con người cậu thôi, phần sói bên trong cậu trỗi dậy mỗi khi đến ngày trăng tròn, và mỗi khi như vậy cậu trở nên rất xấu xí. Khắp người cậu là bộ lông rậm dài, cậu rú lên đầy kì dị và nói chung là, cậu trông rất buồn cười.”

Hai con của Dean rất hào hứng với câu chuyện, “Thật vậy hả bố? Vậy chuyện gì đã xảy ra với Toof?”. Và ông kể tiếp, “Toof vẫn đến trường và mọi người vẫn nghĩ cậu là một học sinh bình thường cho tới khi ngày trăng tròn tới! Đột nhiên, Toof chạy ra khỏi phòng vệ sinh với lông rậm đầy đầu, một chiếc răng nhọn mọc dài ra trông rất đáng sợ. Vậy các con có biết chuyện gì đã xảy ra không?

Cũng giống như mọi nơi khác, mọi ngôi trường và trong suốt cuộc đời mình, cậu bị một kẻ bắt nạt trêu chọc. Tên đó cười nhạo vẻ bề ngoài của cậu và gọi cậu bằng những cái tên xấu xí. Việc đó khiến cậu buồn, khóc và cảm thấy đơn độc.”

Hai con của Dean nhìn ông với ánh mắt tò mò, “Rồi sao hả bố? Chuyện gì xảy ra với Toof đáng thương? Cậu ấy bao nhiêu tuổi? Cậu ấy có thật không?”. Và Dean tiếp tục câu chuyện, “Một ngày nọ, Toof đang trên đường đến trường thì nhìn thấy tên vẫn luôn bắt nạt cậu. Thằng bé đó đang bị bố đẩy ngã. Cậu nhận ra bố cậu ta cũng rất khắc nghiệt, đẩy cậu xuống xe ô tô và Toof hiểu ra.

Toof nói, “Tôi không quan tâm cậu đối xử với tôi thế nào. Giờ tôi biết lí do tại sao rồi.” Cậu chạy đến chỗ tên bắt nạt và nói với cậu ta, ‘Nghe này, cậu có thể tỏ ra xấu tính với tôi, nhưng tôi đã hiểu tại sao cậu lại như vậy. Và tôi cũng rất tiếc vì bố cậu đã đối xử với cậu theo cách đó.’

“Toof ôm lấy cậu ta nhưng tên bắt nạt lại đẩy cậu ra. Nhưng rồi, đến tầm giờ ăn trưa, tên bắt nạt lại ngồi với Toof. Hai người cùng nói chuyện với nhau và trở thành bạn bè. Câu chuyện ngày hôm đó không thực sự về tên bắt nạt. Điều Toof nhận ra là cậu sẽ không cho phép bất kì ai quyền làm cậu buồn.

Cậu làm chủ tâm trạng và cảm xúc của mình. Cậu quyết định mình sẽ hạnh phúc mặc cho những gì người khác nói và làm. Cậu nhận ra ngoại hình của mình thế nào, tóc của cậu ra sao, hay cậu có là người sói hay không không quan trọng. Điều quan trọng là cậu cảm nhận con người bên trong mình ra sao và những lời nói bên ngoài không thể ảnh hưởng đến cậu.”

“Toof trở nên mạnh mẽ hơn và tất cả mọi người trong trường bắt đầu yêu mến cậu ấy. Cậu ngày một tự tin hơn và trở thành hội trưởng hội học sinh. Sau đó, Toof vào một trường đại học tốt, kết hôn và sống hạnh phúc vì cậu biết giá trị của mình không nằm ở ý nghĩ của những người khác mà nằm ở chính bên trong con người cậu.”

Sau khi kết thúc câu chuyện, hai con của Dean phấn khích đến tột độ. Hai đứa yêu mến Toof vô cùng. Chúng cứ nhao nhao, “Toof tuyệt quá bố ơi, con muốn gặp cậu ấy. Kể cho bọn con những câu chuyện khác đi!”.  Câu chuyện về Toof chứa đựng rất nhiều thông điệp tuyệt vời. Nếu Dean chỉ đơn thuần nói ra những thông điệp này mà không lồng nó vào câu chuyện, chúng sẽ không bao giờ hiện ra. Không cần phải nói, con trai Dean đã quên tất cả những chuyện không hay ở trường cũng như chiều cao hạn chế của nó. Những đứa trẻ xấu tính cũng không còn là mối bận tâm của nó nữa.


Theo Thảo Nguyên

Trí thức trẻ

Trở lên trên