MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu chuyện về con cua và chiếc máy đo địa chấn dưới đáy đại dương

08-07-2022 - 09:43 AM | Tài chính quốc tế

Câu chuyện về con cua và chiếc máy đo địa chấn dưới đáy đại dương

Một con cua nhện đã quyết định rằng chiếc máy đo địa chấn do các nhà khoa học thả xuống sẽ là nơi ở của mình, và đó là khi cuộc chiến bắt đầu.

Thompson là tên một con tàu nghiên cứu khoa học đang lênh đênh ở giữa đại dương. Nhưng ở trên con tàu này, bạn sẽ rất hiếm khi nghe thấy những âm thanh của biển. Bởi hầu như mọi lúc, bao quanh bạn sẽ là tiếng ồn của động cơ, của máy thổi khí thải và hệ thống kiểm soát khí hậu, hay tiếng của dây tời...

Và trên con tàu cách đất liền hàng trăm km này, các hoạt động nghĩa cứu khoa học không có giây phút nào dừng lại. Suốt 24 giờ mỗi ngày, tất cả mọi người sẽ liên tục luôn tay cho việc chuẩn bị, triển khai và khôi phục các cảm biến địa chất dưới đáy đại dương. Họ đang cố gắng tìm hiểu những câu hỏi phức tạp về điều gì khiến ngọn núi lửa hoạt động - cụ thể là Seamount Axial, cách Cannon Beach, bang Oregon - khoảng 400 km về phía tây.

Nhưng cũng chính trên hành trình có vẻ nhàm chán này, các nhà nghiên cứu trên tàu Thompson đã có cơ hội tận mắt chứng kiến một màn kịch dưới làn sóng biển. Đó là câu chuyện về việc con người chống lại thiên nhiên, trong một trận chiến tiêu hao, trên đỉnh ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất Tây Bắc Thái Bình Dương.

Đó là một câu chuyện mà bạn có thể gọi là "Cuộc chiến giữa cua nhện và máy đo địa chấn."

 Câu chuyện về con cua và chiếc máy đo địa chấn dưới đáy đại dương  - Ảnh 1.

Con cua nhện muốn làm tổ trong chiếc máy đo địa chấn.

Vào một ngày cuối tháng 6, các nhà nghiên cứu đang vận hành ROV - một phương tiện vận hành từ xa - được gọi là Jason di chuyển dọc theo đáy đại dương. Cỗ máy này có những cánh tay bằng titan với những "ngón tay" giúp nó có thể nhặt mọi thứ ở dưới đáy biển, di chuyển các cảm biến, thậm chí là chơi violin nếu nó có cơ hội. Hình dung một cách đơn giản thì đó là một cánh tay máy khá ấn tượng và linh hoạt.

“Nhìn thì có vẻ dễ nhưng thực ra rất khó. Bạn phải di chuyển phương tiện một cách vừa phải. Tiếp đó sử dụng cánh tay để thực hiện các nhiệm vụ thực sự tinh vi", nhà nghiên cứu núi lửa Bill Chadwick của Đại học bang Oregon, nhà khoa học trưởng trên con tàu, cho biết.

ROV Jason và các cánh tay của nó được điều khiển bởi một kỹ thuật viên, người sẽ ngồi trong một phòng điều khiển được đặt bên trong một container ở trên boong. Mọi người hay gọi đùa không gian này là “chiếc xe tải”. Một chiếc xe tối tăm và lạnh lẽo. Các nguồn cấp dữ liệu video từ camera của Jason phủ kín một bức tường trong căn phòng. Chúng hiển thị các phần của đáy đại dương khi Jason lướt qua chúng - dòng dung nham, cột trụ, vách đá, miệng phun thủy nhiệt - một số điều chưa từng có con người nào được nhìn thấy trước đây.

Hôm đó, nhóm nghiên cứu vừa thả xuống một máy đo địa chấn chuyên dụng, thứ được thiết kế để tìm hiểu những thứ giống như hình dạng của buồng magma dưới miệng núi lửa. Kỹ sư Ted Koczynski nói rằng máy đo địa chấn rất nhạy cảm với rung động, và họ cần một mái vòm nhựa có kích thước to bằng một chiếc xe hơi ở phía trên để bảo vệ nó.

Koczynski không ở trên con tàu mà làm việc tại Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty ở New York. Ông cho biết: “Toàn bộ ý tưởng về nhiệm vụ của tấm khiên đó là ngăn chặn bất kỳ dòng chảy nào đi vào và ảnh hưởng tới máy đo địa chấn."

Nhiệm vụ của Jason là nhấc mái vòm khỏi đáy biển bằng những móng vuốt titan của nó và thả nó xuống bên trên máy đo địa chấn. Một nhóm các nhà nghiên cứu đã ngồi trong chiếc xe tải, phía sau kỹ thuật viên điều khiển để xem Jason làm việc.

Khi chiếc ROV vừa định đặt mái vòm lên trên thiết bị, mọi người đã nhìn thấy nó.

 Câu chuyện về con cua và chiếc máy đo địa chấn dưới đáy đại dương  - Ảnh 2.

Trưởng đoàn thám hiểm Akel Kevis-Stirling chuẩn bị triển khai phương tiện điều khiển từ xa Jason để khám phá Axial Seamount, một ngọn núi lửa dưới biển cách bờ biển Oregon khoảng 400 km.

Trong khi Jason quay lưng lại, một con cua nhện lớn màu cam - với kích thước cơ thể dài khoảng hai mét - đã chui vào thiết bị và chiếm vị trí trên đỉnh của máy đo địa chấn.

“Tôi đã không đưa con cua vào kế hoạch của mình,” Bill Chadwick bối rối, bởi vì ông biết đây sẽ là một vấn đề rắc rối.

Một máy đo địa chấn được thiết kế đủ nhạy để có phản ứng với một dòng điện nhẹ, nên nó chắc chắn sẽ đủ nhạy để cảm nhận được những tiếng vỗ nhẹ từ những bàn chân nhỏ bé của con cua.

Sau một số cuộc thảo luận chiến lược, một chiến dịch tấn công và xử lý con cua bắt đầu.

Vì con cua nằm quá xa bên trong vỏ cảm biến, nên mọi người lo lắng rằng móng vuốt của Jason có thể làm hỏng các thiết bị. Vì vậy, họ quyết định dùng thử ống hút chân không của Jason, thứ có tên là "Slurp".

Kỹ thuật viên điều khiển Jason, Tito Collasius, đã rất hứng khởi với nhiệm vụ đầy tính thách thức và chưa từng làm trước đây này. Anh điều khiển móng vuốt của cỗ máy để lấy vòi hút chân không ra. “Đây là thứ dành cho bạn", anh nói khi di chuyển nó về phía con cua.

“Chúng tôi đang tới. Đây là lời cảnh báo cuối cùng”, Chadwick nói thêm vào, khi đang đứng bên cạnh Collasius.

Nhưng con cua đã nhìn thấy, hoặc bằng cách nào đó cảm nhận được sự diệt vong sắp xảy ra. Và nó bắt đầu bỏ đi.

Sau đó, dường như muốn chứng tỏ độ gan góc của mình, con cua nhện đã dừng lại.

“Tên của nó sẽ là Moriarty,” Collasius nói, gọi con cua theo tên của nhân vật phản diện trong series Sherlock Holmes.

Chính tại thời điểm này, cuộc chiến giữa các móng vuốt bắt đầu. Và trong một trận chiến giữa "càng cua" bằng titan và đôi càng của con cua nhện, Jason đã có được lợi thế. Một tiếng hoan hô nổ ra bên trong chiếc xe tải khi móng vuốt titan bắt chặt và từ từ kéo con cua ra ngoài.

”Cuối cùng họ đã tóm lấy nó bằng chân và mang nó bay ra xa. Thật là buồn cười”, Kelly Chadwick, người ghi dữ liệu đang làm nhiệm vụ lúc đó, nhớ lại.

Kỹ thuật viên điều khiển Jason mang con cua di chuyển xa máy đo khoảng 20 mét rồi thả xuống. Con cua lập tức lao đi và mất hút.

 Câu chuyện về con cua và chiếc máy đo địa chấn dưới đáy đại dương  - Ảnh 3.

ROV Jason kéo con cua nhện từ nơi ẩn nấp của nó trên đỉnh của máy đo địa chấn.

Câu chuyện về con cua nhện và chiếc máy đo địa chấn đã lan khắp con tàu và khiến tất cả mọi người đều thích thú. Rõ ràng, khi bạn đang bị mắc kẹt trên một con thuyền giữa đại dương, đây là trò giải trí thú vị nhất.

Đó tưởng chừng như là cái kết viên mãn cho câu chuyện. Nhưng thời gian trôi qua, những điều đáng ngờ bắt đầu xảy ra bên dưới những con sóng.

Đầu tiên, một trong những động cơ đẩy của Jason bị bung ra, khiến nó chỉ có thể di chuyển theo chiều ngang ở dưới đáy đại dương. Điều này khiến Chadwick suy đoán và lo lắng.

“Chúng tôi đã buộc phải gỡ con cua ra khỏi một trong các dụng cụ của mình. Và giờ, một trong những động cơ đẩy của Jason trục trặc, vì vậy giờ nó đang phải di chuyển xung quanh như một con cua. Tôi nghĩ lũ cua đã có thêm 1 điểm, 1-1, tỷ số đang đều nhau", ông nói.

Nhưng điểm số cân bằng không giữ được lâu. Khi các nhà khoa học đang kéo máy đo địa chấn và tấm chắn lên để kiểm tra dữ liệu thu thập được, họ phát hiện phần tấm chắn đã biến mất một cách bí ẩn. Họ thấy nó đã rời khỏi đáy biển khi Jason buộc một chiếc phao vào, nhưng khi Pete Liljegren, một kỹ sư khác trên tàu vớt chiếc phao lên trên bề mặt, chiếc khiên đã biến mất.

Tất nhiên, trên một con thuyền đầy các nhà khoa học và kỹ sư, không phải ai cũng dễ bị các suy đoán siêu thực thuyết phục. Nhưng một giả thuyết đã tồn tại, cho rằng việc mất tấm khiên có liên quan đến con cua hôm trước, thậm chí đó có thể là một nỗ lực được dàn dựng bởi một đàn cua.

Nhưng tấm khiên khá lớn, và những con cua không thể đủ sức để ăn cắp chúng. Các nhà khoa học chuyển mối nghi ngờ sang hải cẩu, một loài vật thông minh. Riêng đối với Chadwick, ông bắt đầu lo lắng cho các thiết bị đang nằm rải rác dưới đáy biển, bên trên ngọn núi lửa của mình.

“Ở một điểm nào đó, có một con cua đang đợi ở đó… để chế nhạo chúng tôi”, ông nói.

Tham khảo OPB

Theo Bảo Nam

Trí Thức trẻ

Trở lên trên