MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO DesignBold: Làm tốt trong nước rồi mới ra nước ngoài là suy nghĩ lạc hậu

29-12-2016 - 15:08 PM | Doanh nghiệp

Theo ông Hùng Đinh, CEO DesignBold, các doanh nghiệp Việt hãy nghĩ cách khai thác thị trường quốc tế ngay từ khi thành lập bởi vì suy nghĩ củng cố, làm tốt thị trường trong nước rồi mới lấn sân ra nước ngoài là cách nghĩ lạc hậu.

Khẳng định trên của ông Hùng được đưa ra tại buổi tọa đàm “Doanh nghiệp ICT Việt vươn ra thế giới” ngày 28/12. Cụ thể, ông Hùng cho rằng, năng lực CNTT của kỹ sư Việt rất tốt, chỉ có điều chủ doanh nghiệp không biết khai thác hiệu quả, dẫn chứng là các doanh nghiệp Mỹ, Nhật vẫn qua Việt Nam “mua chất xám” thông qua việc gia công phần mềm.

Ông Hùng khẳng định, hiện nay với Internet chúng ta đã không còn rào cản về biên giới, khi bản thân Faceboo, Google vẫn sang Việt Nam để kinh doanh quảng cáo. “ DesignBold đã suy nghĩ như vậy từ những ngày đầu thành lập và ngay tuần đầu tiên đã thu về gần 3 tỷ đồng, dù con số chưa thấm vào đâu so với nhiều doanh nghiệp lớn nhưng đã là sự động viên rất lớn đối với chúng tôi”, ông Hùng nói.

Trên cơ sở đó, ông Hùng cho rằng, các doanh nghiệp Việt hãy nghĩ cách khai thác thị trường quốc tế ngay từ khi thành lập bởi vì suy nghĩ củng cố, làm tốt thị trường trong nước rồi mới lấn sân ra nước ngoài đã là cách nghĩ lạc hậu. Sự sáng tạo về công nghệ của các doanh nghiệp Việt không thua kém bất cứ ai, chỉ có những công nghệ nhiều tính sáng tạo như y tế thì thua kém hơn so với các nước lớn. Vì thế, nếu các đơn vị biết cách marketing tốt vẫn có thể tạo ra được một thị phần nhất định. “Chủ yếu là các doanh nghiệp chọn sản phẩm phù hợp với năng lực của đơn vị mình vì mèo nhỏ thì bắt chuột nhỏ”, ông Hùng dẫn chứng.

Trước đó, ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc VNG cũng tin rằng “người Việt có thể làm được những sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế”. Sự khác biệt giữa các công ty ở Việt Nam so với các công ty trong khu vực như Grab Taxi hay Garena là ngay từ khi xuất phát điểm, họ có suy nghĩ sẽ phục vụ thị trường thế giới thay vì một thị trường, vì thế hệ thống hay quan điểm sản phẩm của họ là phục vụ hàng trăm triệu người dùng. Trong khi đó, trước giờ, đa số các công ty Việt Nam ít khi suy nghĩ sẽ phát triển sản phẩm ra thế giới nên thường không có nhiều cơ hội chiến đấu và cọ xát cho đến khi Nguyễn Hà Đông - “cha đẻ” của trò chơi nổi tiếng Flappy Bird chứng minh điều ngược lại là các sản phẩm của Việt Nam cũng có thể chiến đấu “sòng phẳng” với các ứng dụng trên thế giới. “Chính vì mong muốn đem sản phẩm ra nước ngoài đã tạo động lực giúp Zalo vượt qua những khó khăn ban đầu ở Myanmar”, ông Khải nhấn mạnh.

Để dẫn chứng cho việc các sản phẩm hướng ra nước ngoài ngay từ khi thành lập, ông Nguyễn Đình Anh, đại diện MOG cho biết, các sản phẩm sau này của MOG đã có suy nghĩ ngay từ đầu là phải “Englist first”, từ giao diện cho đến cấu trúc sản phẩm.

Theo Nguyễn Khiêm

ICTnews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên