CEO Finhay: Xu hướng tài chính số bùng nổ trên thế giới được xem là đòn bẩy cho thị trường Việt Nam phát triển
“Công nghệ và việc ứng dụng công nghệ vào trong đời sống hàng ngày sẽ thay đổi cách người dùng cuối tiếp cận với sản phẩm dịch vụ tài chính nhanh đến không tưởng” là ý kiến của ông Nghiêm Xuân Huy - CEO Finhay khi nhận định về thị trường tài chính số hiện nay.
Tài chính số và sự thay đổi của thế giới
"Xu hướng tài chính số toàn cầu chỉ có thể miêu tả trong 4 từ, đó là "chuyển đổi rất mạnh" - Ông Nghiêm Xuân Huy, CEO của công ty Finhay, một Startup về ứng dụng đầu tư, tích luỹ vừa và nhỏ tại Việt Nam đánh giá.
Sự chuyển đổi này bắt nguồn từ quá trình phát triển của công nghệ. Khi công nghệ ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, tài chính số cũng trở thành xu hướng tất yếu bởi những tiện ích vượt trội, đem lại hiệu quả kinh tế cho người sử dụng. Quan trọng hơn, các giải pháp số có thể tạo ra nền tảng để kết nối, mở rộng thành hệ sinh thái lớn trên mọi thị trường, từ đó tiếp tục tạo ra những giá trị lớn hơn cho người dùng.
Trước khi thành lập ra Finhay, ông Nghiêm Xuân Huy tốt nghiệp đại học Sydney và là một trong 100 người Việt tại nước ngoài được chính phủ kêu gọi về đóng góp cho đất nước qua Innovation Network Program. Ngoài ra, CEO & Founder của Finhay còn được Forbes bình chọn vào danh sách Forbes 30 Under 30 ASIA năm 2020.
Với kinh nghiệm như vậy, theo chia sẻ của ông Huy, năm 2013 thị trường Australia đã chứng kiến sự chuyển giao mạnh mẽ của các tổ chức tài chính truyền thống sang tài chính số. Khởi đầu là việc ngân hàng đa quốc gia Commonwealth tiến hành tinh giảm bộ phận giao dịch viên tại các chi nhánh và thay vào đó là các máy nạp tiền tự động (CDM - cash deposit machine) tích hợp máy rút tiền ATM.
Đến năm 2020, việc thanh toán bằng tiền mặt ở Australia đã giảm mạnh. Khi đi ra ngoài, người dân chỉ cần mang theo đồng hồ thông minh hay điện thoại tích hợp thẻ thanh toán chạm (Tap&Go) thông qua công nghệ NFC là đã thực hiện được các giao dịch một cách thuận lợi.
Trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán, hầu hết các nhà đầu tư đều tiến hành giao dịch bằng điện thoại thông minh. Tương tự như vậy, trong lĩnh vực bảo hiểm hay hưu trí, các quy trình đều được số hóa, hạn chế tối đa sự tiếp xúc với con người. Điều đáng nói là mặc dù dân số Australia đang già hóa nhưng sự chuyển đổi này vẫn được chào đón và ứng dụng rộng rãi đã cho thấy sự tiện lợi của các phương thức thanh toán mới.
Tại một số quốc gia phát triển khác như Thụy Điển, các công ty Fintech là đơn vị cung cấp phần lớn các khoản vay tiêu dùng. Tại Mỹ, những công ty công nghệ lớn như Apple và Alphabet (công ty mẹ của Google) cũng đang cho thấy chiến lược lấn sân mạnh mẽ sang lĩnh vực tài chính số.
Tại các quốc gia đang phát triển mà điển hình là Trung Quốc, hoạt động thanh toán điện tử bùng nổ với các ứng dụng Alipay, WeChatPay… đã làm thay đổi hoàn toàn thói quen dùng tiền mặt. Không có gì ngạc nhiên nếu bạn bắt gặp một người nội trợ Trung Quốc chỉ mang điện thoại thông minh thay cho chiếc ví truyền thống khi đi chợ để quét mã QR.
Tờ Economist thống kê, nếu như năm 2010 các ngân hàng truyền thống chiếm 96% vốn hóa trên thị trường chứng khoán của ngành ngân hàng và thanh toán trên toàn cầu thì hiện nay, con số này chỉ còn 72%. Bước sang năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia càng tạo điều kiện thúc đẩy cho các hoạt động tài chính số phát triển nhanh chóng.
Fintech Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế
Tại Việt Nam trong vòng 3 năm trở lại đây tài chính số đã được một số cơ quan quản lý và tổ chức tài chính nhận diện và đầu tư mạnh mẽ.
Đầu năm 2020, trong quyết định số 149 ban hành ngày 22/1/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Trong đó cho phép áp dụng quy trình nhận biết khách hàng đơn giản và gián tiếp từ xa bằng phương thức điện tử trực tuyến (eKYC - Electronic Know Your Customer) đối với việc mở tài khoản tại các tổ chức được cấp phép để phục vụ cho nhu cầu thanh toán giá trị nhỏ của cá nhân và doanh nghiệp.
Từ đầu tháng 7/2020 Ngân hàng Nhà nước đã chính thức cho phép một số ngân hàng triển khai thí điểm ứng dụng định danh khách hàng điện tử (eKYC). Việc cho phép eKYC sẽ tạo điều kiện giúp các ngân hàng mở rộng tập khách hàng cũng như đẩy mạnh bán các sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số.
Từ quá trình thúc đẩy phát triển thị trường tài chính số của các cơ quan quản lý đã thu hút phần lớn công ty Fintech sử dụng eKYC và cung cấp dịch vụ đó cho các định chế tài chính. CEO của Finhay cho biết, trước đây thị trường Fintech Việt Nam thu hút phần lớn các công ty đang vận hành trong lĩnh vực ví điện tử, trung gian thanh toán. Những năm gần đây, xu hướng chấm điểm tín dụng (credit scoring/eKYC) và mô hình trả góp (Pay Later model) bắt đầu được triển khai rõ nét hơn.
Thực tế ghi nhận nhiều Fintech Việt đã có sự dịch chuyển từ lĩnh vực thanh toán sang tín dụng tiêu dùng, đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động tài chính khác như đầu tư (Investing), bảo hiểm (insurance), lập kế hoạch tài chính (budgeting), hưu trí (pension).
"Trong bối cảnh thị trường có dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng internet và smartphone cao, Việt Nam sẽ vẫn còn dư địa để phát triển các mảnh ghép Fintech này", ông Nghiêm Xuân Huy khẳng định.