MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Gỗ An Cường: Cần hạn chế người nhà can thiệp vào bộ máy quản trị của công ty, nên dùng người ngoài nhiều hơn thì mới phát triển được

29-08-2018 - 11:21 AM | Doanh nghiệp

“Khi dùng người ngoài vào bộ máy quản trị thì chúng ta mới bám vào một quy trình sẵn có được, còn nếu làm theo kiểu gia đình trị thì doanh nghiệp rất rất khó phát triển”, ông Lê Đức Nghĩa – Tổng giám đốc Công ty CP Gỗ An Cường thắng thắn chia sẻ.

"Cứ để cho người ngoài làm, nên hạn chế người nhà"

"Đại đa phần các doanh nghiệp hiện nay là tự chúng ta quản lý hết, chồng là Tổng giám đốc, vợ là Phó tổng hoặc ngược lại. Tôi nghĩ nên rằng để cho gia đình can thiệp ít vào công việc thôi, dùng người ngoài nhiều hơn người nhà", ông Nghĩa chia sẻ.

Theo vị CEO này, khi chúng ta dùng người ngoài vào bộ máy quản trị thì bắt buộc là phải quản lý công ty theo một quy trình sẵn có mà chúng ta xây dựng nên. Còn nếu dùng người nhà, rất khó để cho họ vào guồng, bản thân họ ít ý thức được vấn đề làm việc theo một quy trình, phần mềm hệ thống mà người trong nhà sắp sẵn. Làm việc kiểu gia đình trị thì doanh nghiệp rất khó phát triển.

"Tôi nghĩ, hãy để cho người nhà làm những việc phù hợp với họ, không nhất thiết thành lập công ty là phải tuyển người nhà vào làm. Chúng ta cứ để cho người ngoài làm không sao hết, muốn phát triển công ty bền vững thì nên hạn chế làm với người nhà", CEO An Cường nhấn mạnh.

CEO Gỗ An Cường: Cần hạn chế người nhà can thiệp vào bộ máy quản trị của công ty, nên dùng người ngoài nhiều hơn thì mới phát triển được - Ảnh 1.

Ông Lê Đức Nghĩa – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Gỗ An Cường

Theo ông Nghĩa, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân hiện nay thường là 2 vợ chồng cùng làm tại công ty. Mà khi 2 vợ chồng làm giỏi quá rồi thì ắt sẽ không tin người ngoài. Họ hầu như không tin ai cả và tự làm tất cả mọi chuyện. Nếu có tuyển người thì cũng chỉ tuyển anh em trong họ hàng. Do đó, dù người ngoài có vào thì họ cũng sẽ đi. "Tính chất gia đình trị khiến việc tiếp cận người có năng lực sẽ hạn chế và khó điều hành công ty theo một quy trình mang tính chất mở cửa được", ông Cường cho hay.

Cốt lõi trong quản trị doanh nghiệp là hệ thống (System) chứ không phải con người

"Chúng ta đừng nghĩ rằng, người nhà làm việc hiệu quả và yên tâm hơn người ngoài bởi thực chất quản trị doanh nghiệp tốt là phải quản trị trên hệ thống và theo một quy trình sẵn có, người nào làm việc đó chứ không phải phụ thuộc vào con người. Trong khi, theo kinh nghiệm của tôi, người trong nhà khó làm theo hệ thống được", CEO này luôn khẳng định trong suốt câu chuyện của mình.

Ông Nghĩa cho rằng, doanh nghiệp hiện nay thường có suy nghĩ, sang nước ngoài kéo máy tiên tiến mấy trăm ngàn đô về, mua thêm vài ha để mở rộng nhà máy, tuyển một ông cực giỏi về công ty là công ty phát triển được. Thực chất đó là sai lầm. "Với nhân sự, chúng ta hoàn toàn làm được, nếu công ty khác trả 50 triệu đồng/tháng, ta trả 100 triệu đồng/tháng là kéo được người giỏi. Nhưng cái cốt yếu không phải là người giỏi vì nếu chúng ta phụ thuộc vào một ông giỏi thì khi ông ấy "hắt hơi sổ mũi" là chúng ta cũng "đứt" theo. Cái quan trọng nhất vẫn là có một quy trình, hệ thống phần mềm sẵn có và tuyển người vào là để làm trên hệ thống đã được chúng ta xây dựng", ông Nghĩa giãi bày.

Khi có phần mềm hệ thống thì nhân sự không thành vấn đề trong sự phát triển của một doanh nghiệp. "Không có ông A sẽ có ông B, ông C, ông D… thậm chí những người không chuyên về ngành nghề đó cũng có thể làm việc được trên hệ thống. Chính khi chúng ta không phụ thuộc quá nhiều vào con người thì công ty mới phát triển bền vững được. Từ đó, nếu có sự biến động nhân sự cũng sẽ ít ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty", CEO An Cường chia sẻ.

Ông Nghĩa cho rằng, khi có phần mềm thì chúng ta làm việc rất khỏe. Thậm chí, một sinh viên mới ra trường training trên phần mềm 1 tháng có thể làm được việc.

"Nhân sự lôi chỗ này, thay chỗ kia là chuyện hết sức bình thường. Sự thành công của doanh nghiệp, cụ thể là An Cường ngày hôm nay đó là hệ thống chứ không phải con người", ông Nghĩa thắng thắn.

Tuy nhiên, theo vị CEO đang quản lý hơn 3.000 nhân sự cùng 10 showroom trên toàn quốc và các đại lý nước ngoài này thì trước khi tìm được phần mềm phù hợp với doanh nghiệp mình thì doanh nghiệp phái tái cấu trúc trước.

"Tôi nghĩ doanh nghiệp bài bản là doanh nghiệp có đầu vào đầu ra chuẩn, con người hệ thống tốt. Ngay cả phần mềm có khoảng 100 triệu VNĐ thôi nhưng miễn phù hợp với doanh nghiệp mình, bám vào phần mềm chuẩn đó để làm, đừng có sửa tè le thì có thể phát triển doanh nghiệp bền vững".

Ông Nghĩa cho hay, hiện An Cường đang sử dụng hệ thống quản lý ERP đã giúp các hoạt động của công ty đi vào nề nếp, doanh thu ổn định. SAP ERP hỗ trợ các cấp quản lý tại An Cường có cái nhìn chính xác và đầy đủ hơn về những dữ liệu quan trọng của công ty như: Thông tin hợp đồng, sản phẩm, công nợ, số liệu kế toán…

"Những máy móc hiện đại ở nước ngoài, chúng ta hoàn toàn mua được, vốn thì ngân hàng cho vay. Tuy nhiên, thực sự chúng ta đang thua hẳn họ về quản trị. Ở Việt Nam một dự án 100 tỉ đồng làm quá vất vả, trong khi ở nước khác họ làm rất nhẹ nhàng bởi vì họ hơn chúng ta về quản trị hệ thống. Nếu nhân sự của họ có nghỉ thì họ thay người khác không khó", CEO An Cường kết luận.

Theo Phương Nga

Trí thức trẻ

Trở lên trên