CEO Go-Viet Lê Diệp Kiều Trang: Nếu không làm ở tập đoàn lớn, tôi đã 'ngây thơ' hơn nhiều khi khởi nghiệp
Lê Diệp Kiều Trang khẳng định những kinh nghiệm có được khi “làm lính” giúp ích cho bà rất nhiều trong quá trình cùng chồng xây dựng và phát triển Misfit – startup chuyên về các thiết bị thông minh đeo trên người tại Thung lũng Silicon.
- 13-05-2019Bà Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ lý do bán Misfit với giá 260 triệu USD khi công ty đang thành công
- 22-04-2019Chân dung TGĐ Go-Viet Lê Diệp Kiều Trang: Cựu nữ sinh chuyên Lê Hồng Phong giành học bổng Oxford, bỏ việc ở McKinsey để cùng chồng gây dựng startup trị giá 260 triệu USD
- 22-04-2019Go-Viet chính thức bổ nhiệm cựu CEO Facebook Việt Nam, bà Lê Diệp Kiều Trang đảm nhận vị trí Tổng giám đốc
Trước khi đảm nhận vai trò lãnh đạo tại những công ty công nghệ như Misfit, Facebook Việt Nam và hiện nay là Go-Viet, Lê Diệp Kiều Trang từng làm việc tại Ngân hàng HSBC TP HCM và Tập đoàn tư vấn tài chính McKinsey tại Mỹ. Trong một sự kiện do Startup Grind Vietnam tổ chức gần đây, bà Trang đã chia sẻ câu chuyện đằng sau việc rời bỏ một tập đoàn lớn sang làm startup.
Chuyển từ tài chính sang công nghệ là bước tiến lớn
Lê Diệp Kiều Trang kể, bà từng có dự định khởi nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp thủ khoa MBA tại Trường Quản trị Sloan của MIT (Mỹ) vào năm 2011. Tuy nhiên, cùng thời điểm, bà Trang nhận được lời mời làm việc từ McKinsey.
Trước đó, khi còn là thực tập sinh của công ty này, bà Trang rất ngưỡng mộ McKinsey trong việc xây dựng nền tảng kiến thức cho các nhân viên mới, đưa họ trở thành những chuyên gia giúp các doanh nghiệp giải quyết nhiều vấn đề. Đánh giá đây là cơ hội học hỏi tốt, Lê Diệp Kiều Trang quyết định lùi lại giấc mơ startup.
Dù vậy, trong thời gian làm việc tại đây, bà Trang vẫn giúp chồng là ông Sonny Vũ tìm kiếm các kỹ sư phần mềm giỏi tại Việt Nam về làm việc cho Misfit.
“Đến thời điểm đội ngũ được khoảng 20 người, tôi đã rất gắn bó với họ. Lúc đó tôi cũng có một thời gian làm việc tại McKinsey và tích lũy được một số kinh nghiệm. Tôi hiểu rằng đã đến lúc phải đưa ra quyết định về con đường sẽ đi, và tôi chọn Misfit”, bà Trang nhớ lại.
Lê Diệp Kiều Trang. Ảnh: FBNV.
Nữ doanh nhân sinh năm 1980 chia sẻ, chuyển từ tài chính sang công nghệ là một bước tiến trong sự nghiệp của bà. Làm về tài chính, Lê Diệp Kiều Trang rất hứng thú khi được thấy một lượng tiền lớn và cảm nhận mình là một phần của việc tăng giảm “máu” của thị trường. Còn khi chuyển qua công nghệ, bà bị thu hút bởi những giá trị mà ngành này đem lại cho xã hội, thúc đẩy thị trường nhờ sự sáng tạo và đưa nhân loại đi lên.
Lê Diệp Kiều Trang khẳng định những kinh nghiệm có được khi làm việc cho một doanh nghiệp lớn như McKinsey đã giúp bà rất nhiều khi startup, đặc biệt trong giai đoạn mở rộng quy mô. Nếu không tăng trưởng nhanh công ty sẽ đánh mất cơ hội nhưng ngược lại tăng trưởng quá “nóng” cũng có thể khiến startup thất bại.
“Nếu hồi trước tôi không làm ở McKinsey thì tôi đã ngây thơ hơn rất nhiều, sẽ chuẩn bị không kịp và không thể xoay sở ở Misfit”, bà Trang nói.
Rộng lượng giúp nữ lãnh đạo thu hút nhân tâm
Là một trong những nữ doanh nhân thành công trong ngành công nghệ nhưng Lê Diệp Kiều Trang thừa nhận trong lĩnh vực này, số lãnh đạo nữ vẫn còn khá hiếm hoi.
Theo bà Trang, giai đoạn đầu của startup thường bắt đầu với một đội ngũ làm công nghệ. Đa phần những người sáng lập này là nam giới bởi ngay khi còn đi học, số sinh viên nữ theo ngành công nghệ rất ít. Tuy nhiên, khi sản phẩm ra đời và công ty cần thêm những bộ phận khác như marketing, gọi vốn… cơ hội sẽ chia đều cho cả nam và nữ.
CEO Go-Viet nhận định điểm yếu của lãnh đạo nữ là tính tập hợp nhân lực, trong khi nam giới lại tốt hơn trong việc thu hút nhân tài. Dù có chuyên môn giỏi nhưng do không thu hút được các nhóm xung quanh nên nữ giới thường có xu hướng đứng đầu một bộ phận hơn là người đầu tàu của công ty.
Từ quá trình quan sát của bản thân, bà Trang nhận thấy điều trở ngại với những nhà lãnh đạo nữ là quá chi tiết và không đủ rộng lượng nên khó thu hút nhân tâm. Điều này không có nghĩa phụ nữ nhỏ mọn nhưng tính họ thường chi tiết hơn nam giới, vô tình tạo ra “vòng xiết” khiến nhân viên áp lực.
“Tính rộng rãi rất quan trọng vì startup thường không có điều gì để thu hút mọi người. Tiền không có, cơ hội không dự đoán được, họ đi theo chỉ vì niềm tin”, bà Trang nói.
Nữ CEO cho rằng, “rộng lượng là phải chấp nhận người khác mắc sai lầm, phải nhìn bức tranh lớn hơn để những người thất bại có cơ hội làm lại. Đừng đưa ra kết luận quá sớm, hãy cho họ thời gian để chứng minh”.
Startup cần trung thực với nhà đầu tư
Theo bà Trang, việc thiếu minh bạch của startup chính là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư ngần ngại rót vốn. Vì vậy, để thành công, các công ty cần trung thực với chính mình và nhà đầu tư, dù ý tưởng và sản phẩm còn hạn chế.
CEO Go-Viet đánh giá, các startup công nghệ thường có 2 năng lực: thứ nhất là công nghệ và thứ 2 là con người. Về công nghệ, một số công ty khởi nghiệp chọn những mô hình đã thành công trên thế giới rồi về áp dụng tại Việt Nam.
“Chuyện đó không sai và không có gì đáng xấu hổ. Trong trường hợp này, các bạn phải đầu tư vào yếu tố con người. Thay vì cố chứng minh ý tưởng của mình khác biệt so với thế giới, hãy chứng minh bạn có thể làm tốt hơn những người khác có cùng ý tưởng”, bà Trang đưa ra lời khuyên.
Với trường hợp thứ 2, nữ doanh nhân cho rằng startup nên tập trung vào các sản phẩm có hàm lượng chất xám lớn để chứng minh với thị trường. “Nhà đầu tư không bao giờ kỳ thị vì bạn đến từ Việt Nam bởi công nghệ không có biên giới”, bà Trang nói.
CEO Go-Viet cũng nhấn mạnh điều quan trọng với tất cả các startup là sự khiêm tốn để học hỏi vì chính điều này sẽ tạo ra sự khác biệt giữa các công ty.
Dưới góc nhìn về các công ty phát triển dựa trên Internet như Go-Viet hay Tiki, bà Trang nhận định mảng kinh doanh này tại Đông Nam Á sẽ thu hút nhiều vốn đầu tư nhờ dân số 700-800 triệu dân, trong đó đa phần là dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng smartphone cao, giá data rẻ.
Bà Trang cho biết, ba năm gần đây, đặc biệt năm 2018, tiền đổ vào Indonesia rất nhiều. Với khoản tiền “khủng” được đầu tư, quốc gia này đã tạo ra được nhiều kỳ lân (startup có giá trị từ 1 tỷ USD) như Go-Jek, Traveloka, Tokopedia.
“Khả năng hút vốn của Indonesia đặt ra câu hỏi không chỉ cho doanh nghiệp mà cho những nhà làm chính sách”, bà Trang nói.
Tân tổng giám đốc của Go-Viet cũng cho rằng sau Indonesia, Việt Nam - với gần 100 triệu dân cùng nhiều kỹ sư giỏi - có cơ hội hơn so với các nước khác trong khu vực như Phillipines, Thái Lan… để phát triển các công ty trong lĩnh vực Internet.
Người đồng hành