CEO Grab Việt Nam: "Đà Nẵng sợ Grab làm kẹt xe là lý do không thuyết phục"
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, CEO Grab Việt Nam, lý do Đà Nẵng đề nghị chặn Grab vì sợ Grab làm kẹt xe là không thật sự thuyết phục vì có thể điều tiết bằng quy hoạch, ngoài ra hiệu suất sử dụng xe của Grab cao hơn taxi nên không gây kẹt xe như taxi.
- 18-02-2017Chống kẹt xe, TP.HCM thành "đại công trường": Người dân nói gì khi phải sống chung với lô cốt?
- 10-02-2017Tránh kẹt xe Tân Sơn Nhất, hạn chế 'mượn' đường Trường Sơn
- 15-01-2017Kẹt xe - Nỗi ám ảnh ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất
Như ICTnews đã đưa , giữa tháng 2/2017, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn đã ký văn bản đề nghị Bộ GTVT chưa thí điểm triển khai ứng dụng GrabCar tại Đà Nẵng.
Nguyên nhân Đà Nẵng đề nghị chưa thí điểm Grab trên địa bàn thành phố là do loại hình kinh doanh vận tải này hoạt động tương tự như kinh doanh vận tải bằng xe taxi, khi đưa vào hoạt động sẽ cạnh tranh trực tiếp với loại hình xe taxi đang được cấp phép hoạt động theo quy hoạch của thành phố là 1.700 xe.
Ngoài ra, việc thí điểm triển khai mô hình GrabCar tại Đà Nẵng sẽ làm gia tăng số lượng ô tô dưới 9 chỗ ngồi (cùng loại với phương tiện đang hoạt động taxi), làm vỡ quy hoạch phát triển mạng lưới taxi đã được UBND thành phố phê duyệt gây nên kẹt, ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Trong khi đó tình hình nhu cầu vận tải hành khách đang hoạt động ổn định.
Sau động thái này, Đà Nẵng liên tiếp triển khai nhiều biện pháp mạnh tay như xử phạt các xe Grab đang hoạt động. Nhiều trường hợp taxi GrabCar chở khách “chui” bị thanh tra Sở GTVT Đà Nẵng xử phạt với mức 1,5 triệu đồng.
Mới đây nhất, hôm 3/3/2017, Ban An toàn giao thông thành phố Đà Nẵng đã có công văn gửi Sở TT&TT, Công an, Sở Giao thông vận tải về việc đề nghị ngăn chặn hoạt động của Grab, Uber trên địa bàn thành phố.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của ICTnews, mặc dù Đà Nẵng liên tiếp đưa ra các biện pháp “mạnh tay” nhằm ngăn chặn hoạt động của Grab trên địa bàn nhưng đến ngày 6/3/2017, Công ty TNHH GrabTaxi vẫn công khai quảng bá dịch vụ tại thành phố này trên website với mức giá 11.000 đồng/1km cho xe 5 chỗ và 13.000 đồng/1km đối với xe 7 chỗ.
Bảng giá dịch vụ tại Đà Nẵng của Grab. Ảnh chụp màn hình.
Trao đổi với ICTnews về vấn đề liên quan, ông Nguyễn Tuấn Anh, CEO Grab Việt Nam cho hay Đà Nẵng đang có công văn gửi đến Bộ GTVT yêu cầu không thí điểm và Grab vẫn đang chờ các quyết định của Bộ về đề án thí điểm. Do đó trong thời gian này, Grab vẫn hoạt động theo đề án thí điểm được cấp phép.
Cũng theo CEO Grab Việt Nam, lý do Đà Nẵng sợ Grab làm kẹt xe không thật sự thuyết phục vì có thể điều tiết bằng quy hoạch, ngoài ra vì hiệu suất sử dụng xe của Grab cao hơn taxi nên sẽ không gây kẹt xe như taxi.
“Chúng tôi tin rằng việc không thí điểm là thiệt thòi cho người dân Đà Nẵng vì Grab cung cấp dịch vụ đặt xe thuận tiện, giá rẻ hơn taxi và tăng hiệu suất sử dụng xe, dẫn đến xe không phải chạy tìm khách gây ảnh hưởng giao thông”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Phía Grab Việt Nam cho hay vẫn đang liên lạc với Đà Nẵng để hai bên có thể cùng bàn ra giải pháp có lợi cho thành phố bằng cách ứng dụng công nghệ vào vận tải chứ không nên cấm hẳn, sẽ không tốt cho cạnh tranh và tinh thần tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm.
ICTnews