CEO PEGA thách người dùng tìm được ắc quy của xe điện bị thải tự nhiên ra môi trường
Trong buổi giao lưu trực tuyến Xe điện - Xe xăng: Bảo vệ môi trường hay sự tiện lợi cho người dùng sáng nay, 30/11, ông Đoàn Linh, CEO PEGA đã thách bạn đọc tìm được một mẩu chì trong ắc quy là rác thải bị rơi ra đất. Lý do là ắc quy có thể bán được với giá từ 500.000 đến, 1,3 triệu đồng nên không ai vứt đi.
- 23-11-2018Tiến sĩ Tạ Hải Tùng: "Xe điện muốn trở thành xu hướng tiêu dùng phải có hệ sinh thái, VinFast đang đi theo hướng này"
- 23-11-2018Trung Quốc đang "cổ vũ" cho xe điện thay thế xe xăng như thế nào?
- 11-11-2018Xu hướng trỗi dậy của xe điện trong lòng cường quốc xe gắn máy?
Sử dụng xe điện đang trở thành xu hướng của tương lai khi các quốc gia đối diện với các vấn đề môi trường ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, bản thân của chiếc xe này sạch đến đâu vẫn là một vấn đề gây tranh cãi.
Trả lời tại buổi giao lưu sáng nay, GS. TS. Hoàng Xuân Cơ cho biết có 3 nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng xe điện.
Thứ nhất là năng lượng điện dùng cho xe có thể lấy từ nguồn gây ô nhiễm, ví dụ như nhiệt điện, khiến cho chiếc xe gián tiếp phát thải chất ô nhiễm ra môi trường.
Thứ hai là ắc quy dùng cho xe điện là nguồn gây tác động khá lớn cả khi sử dụng và khi thải bỏ. Cụ thể hơn là lượng chì trong ắc quy, nếu rò rỉ ra môi trường, sẽ là tác nhân nguy hiểm đến nguồn đất, nguồn nước. Thực tiễn cũng chỉ ra rằng ắc quy xe có tuổi thọ từ 2 – 3 năm. Do vậy, lượng thải loại là không hề nhỏ.
Thứ ba là việc xử lý xe thải bỏ cũng là khâu có thể ảnh hưởng đến môi trường.
Đối với vấn đề ắc quy xe điện, ông Đoàn Linh, CEO PEGA thừa nhận ắc quy khi sạch nhiều lần sẽ bị chai, tương tự như pin điện thoại. Việc thay thế sau 2 – 3 năm là bình thường, ông cho biết. Nhưng việc đổi ắc quy cũng không quá tốn kém.
Mặt khác, ông Linh khẳng định ắc quy xe điện không hề độc hại như nhiều người lầm tưởng. "Thực tế là hoàn toàn không", ông nói.
Theo ông, vấn đề nằm ở đây không phải là yếu tố kỹ thuật mà là yếu tố thương mại. Chì trong ăc quy được các công ty sản xuất ắc quy thu mua giá rất cao. Do vậy ông cho biết không có một miếng chì nào rơi ra đất để gây độc.
"Nói vui, tôi đố bạn ra đường nhặt được 1 miếng sắt vụn vì nó cũng bị thu gom hệt như chì trong ắc quy. Nên đây chính là một điểm cốt lõi mà nhiều người ngoài ngành không hiểu", ông Linh hài hước nói.
Tại Pega, công ty có chính sách thu mua tại đại lý ắc quy cũ giá cao. Do vậy, CEO PEGA lưu ý khách hàng không nên dễ dàng để lại cho các đại lý ắc quy cũ.
Cụ thể, ông Đoàn Linh cho biết một bình ắc quy cho xe đạp điện bán lại được từ 500 – 600 nghìn đồng, của xe máy điện là từ 1 triệu đến 1,3 triệu đồng.
"Nếu chì trong ắc quy ra môi trường thì mới độc, còn theo vòng tuần hoàn này thì chúng không có cơ hội đâu", ông Linh nói.