MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Standard Chartered : Việt Nam là thị trường quan trọng để đầu tư dài hạn

Bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam. Ảnh: Standard Chartered Việt Nam

Bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam. Ảnh: Standard Chartered Việt Nam

Ngân hàng quốc tế Standard Chartered xác định Việt Nam là một thị trường quan trọng để đầu tư dài hạn phù hợp với các cam kết và chiến lược kinh doanh của ngân hàng.

Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, về tầm quan trọng của thị trường Việt Nam và những thế mạnh của Standard Chartered tại thị trường này.

Thị trường Việt Nam có tầm quan trọng như thế nào trong chiến lược kinh doanh trong ASEAN của Standard Chartered?

Bà Michele Wee: Standard Chartered xem Việt Nam là thị trường ưu tiên để tăng trưởng. Năm ngoái, Tổng Giám đốc toàn cầu là Bill Winters có chuyến làm việc chính thức lần thứ ba tới Việt Nam, điều này nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Standard Chartered đối với Việt Nam. Giám đốc điều hành khu vực châu Á của chúng tôi, Benjamin Hung, cũng đến Việt Nam trong tháng 3 năm nay. Tập đoàn chúng tôi nhận thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của Việt Nam, và khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư vào Standard Chartered Việt Nam.

Là ngôi sao đang lên trong ASEAN, triển vọng trung và dài hạn của Việt Nam rất sáng. Các ưu điểm của Việt Nam gồm lợi thế về cấu trúc dân số, lực lượng lao động trẻ, các yếu tố cơ bản trong nước đã tốt hơn, và Việt Nam cam kết mạnh mẽ trong hội nhập với các thị trường và chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam có vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu, và được xem là một cứ điểm sản xuất mới.

Chính phủ Việt Nam luôn cam kết nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để tiếp tục thu hút FDI. Là ngân hàng quốc tế và là ngân hàng duy nhất có mặt ở tất cả 10 thị trường ASEAN, chúng tôi có lợi thế tốt nhất để cung cấp cho khách hàng các sản phẩm và dịch vụ toàn cầu, giúp khách hàng mở rộng kinh doanh trong thị trường sôi động này.

Đối với mảng ngân hàng tiêu dùng của chúng tôi, những khách hàng có thu nhập ngày càng tăng đang đến với chúng tôi nhiều hơn, số lượng tăng lên từng ngày. Chúng tôi rất vui mừng vì điều này, và sẵn sàng phát triển cùng với khách hàng của mình. Cam kết của chúng tôi đối với Việt Nam là hợp tác với chính phủ Việt Nam, khách hàng, và đối tác của chúng tôi để đẩy nhanh chương trình phát thải carbon ròng bằng không (net-zero), tham gia sâu hơn vào phát triển cộng đồng và hỗ trợ quá trình toàn cầu hóa doanh nghiệp. Đó là lý do tại sao chúng tôi xem Việt Nam là thị trường ưu tiên để tăng trưởng.

Việt Nam đang nỗ lực cho mục tiêu net-zero vào năm 2050, và lời hứa thương hiệu của Standard Chartered là "Here for good" (ở đây vì những điều tốt đẹp). Vậy Standard Chartered có những kế hoạch gì để hỗ trợ mục tiêu net-zero của Việt Nam?

Bà Michele Wee: Mong muốn trở thành chất xúc tác cho phát triển kinh tế xã hội là trọng tâm trong chiến lược kinh doanh của chúng tôi, được thể hiện qua lời hứa thương hiệu "Here for good".

Tính đến ngày 30/6/2022, tổng cho vay của Standard Chartered Việt Nam vào các dự án năng lượng tái tạo nhằm hỗ trợ phát triễn bền vững đạt hơn 52 triệu USD, nhờ đó giúp giảm hơn 40 tấn CO2 thải ra môi trường trong năm 2022, cộng với 51 triệu USD hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Standard Chartered Việt Nam và mạng lưới toàn cầu của Standard Chartered cũng hợp tác với các ngân hàng Việt Nam để tài trợ cho thiết bị của các dự án năng lượng tái tạo, và chúng tôi tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho chương trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Standard Chartered toàn cầu đã cam kết huy động 300 tỷ USD đến năm 2030 cho tài chính xanh và chuyển đổi năng lượng, cũng đã thành lập ban chuyên hỗ trợ chuyển đổi năng lượng sạch cho các lĩnh vực thải nhiều carbon.

Năm 2020, chúng tôi vinh dự tháp tùng Chính phủ Việt Nam tại hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu COP26, nơi Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết về net-zero; sau đó một lần nữa tại COP27 với các ngân hàng quốc tế trong Liên minh tài chính Glasgow vì Mục tiêu Net-zero (viết tắt là GFANZ) cùng các nhà lãnh đạo Việt Nam tiếp tục cam kết quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng (thường được gọi là JETP).

Chúng tôi tin rằng đẩy mạnh truyền thông là một yếu tố rất quan trọng của quá trình chuyển đổi net-zero. Chúng tôi đã hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp Anh để thực hiện một loạt phim có chủ đề phát triển bền vững cho các công ty Anh và công ty Việt Nam. Tháng 3/2022, chúng tôi hợp tác với công ty Dear Our Community của Việt Nam để tuyên truyền về những việc nên làm để hỗ trợ phát triển bền vững và nghề nghiệp tương lai; hợp tác này nhắm đến giới trẻ ở Việt Nam con đường sự nghiệp. Từ nhiều năm nay, chúng tôi tích cực ủng hộ các khách hàng muốn chuyển đổi xanh trong hoạt động kinh doanh và trong chuỗi cung ứng.

Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình phát triển xanh và net-zero của Chính phủ Việt Nam, vốn bắt đầu từ COP26. Đây là một hành trình thú vị cho tất cả chúng ta vì đòi hỏi hợp tác công-tư hiệu quả trong chương trình JETP với mục tiêu phát triển bền vững cho toàn xã hội, trong đó có chúng ta.

CEO Standard Chartered : Việt Nam là thị trường quan trọng để đầu tư dài hạn - Ảnh 1.

Một trang trại gió ở Quảng Bình. Ảnh: Báo Quảng Bình.

Việt Nam là nền kinh tế hướng về xuất khẩu, và các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước rất cần nguồn vốn để hoạt động. Standard Chartered có thể hỗ trợ họ như thế nào trong các khoản vay tài trợ thương mại và trong tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu?

Bà Michele Wee: Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và nền kinh tế trung hòa carbon vào năm 2050. Tài chính là yếu tố quyết định để đạt được các mục tiêu lớn này, vì vậy các tổ chức tài chính đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy, các tổ chức tài chính quốc tế như Standard Chartered có thể hỗ trợ bằng cách đưa ra các hướng dẫn rõ ràng nhằm tạo điều kiện cho dòng tài chính bền vững chảy vào Việt Nam.

Về tài trợ thương mại, nền tảng chuỗi cung ứng kỹ thuật số Olea (là liên doanh giữa Standard Chartered và công ty chuyên về công nghệ chuỗi cung ứng Linklogis) vừa mới gia nhập thị trường Việt Nam để cung cấp các giải pháp tài trợ thương mại. Nhờ sức mạnh của kỹ thuật số, chúng tôi có thể giúp khách hàng hoàn thành những kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ.

Thế giới ngày càng đòi hỏi nhiều hơn về yếu tố xanh trong các sản phẩm và dịch vụ. Theo bà, doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì để thích ứng tốt hơn với yêu cầu này?

Bà Michele Wee: Các doanh nghiệp ở Việt Nam nên tập trung đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và nâng cao chuỗi giá trị để đóng góp vào tăng trưởng bền vững của Việt Nam.

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi trong nhiều lĩnh vực, cần có hỗ trợ từ Chính phủ cùng hệ thống luật, quy định và hướng dẫn rõ ràng. Chúng tôi cũng khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam không nên coi quá trình chuyển đổi xanh là tùy ý họ, mà phải thật sự chú ý. Hãy biết cân bằng giữa thành công ngắn hạn với các mục tiêu trung và dài hạn trong xu hướng thế giới đòi hỏi các sản phẩm và dịch vụ xanh.

Bằng cách đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ bền vững và áp dụng các công nghệ mới, doanh nghiệp Việt Nam có thể cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm thiểu lãng phí. Việt Nam cần có một khuôn khổ để xác định rõ ràng những gì được xác định là xanh, từ đó chúng tôi có thể cung cấp giải pháp tài chính phù hợp. Standard Chartered sẽ làm việc với khách hàng để có thể cấu trúc doanh nghiệp và chuỗi cung ứng hoặc các sản phẩm trong tương lai của họ trở nên thân thiện với môi trường.

Đây là một phần trong cam kết mạnh mẽ của chúng tôi nhằm đáp ứng nguyện vọng phát triển bền vững ngày càng cao của khách hàng bằng các giải pháp tài chính bền vững sáng tạo. Chúng tôi cam kết đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam và tiếp tục hợp tác chặt chẽ với khách hàng và các bên liên quan để cung cấp tài chính cho những lĩnh vực quan trọng nhất.

Bà có thể cập nhật các con số về đầu tư của Standard Chartered tại Việt Nam hiện nay không?

Bà Michele Wee: Việt Nam là thị trường tăng trưởng trọng điểm của Standard Chartered và chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam để thúc đẩy thương mại và phát triển. Standard Chartered đã tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong vài năm qua. Tháng 8/2021, chúng tôi thực hiện đợt tăng vốn thứ ba trong vòng ba năm bằng cách bơm thêm 120 triệu USD vốn vào Standard Chartered Việt Nam.

Chúng tôi đã đầu tư hơn 5 triệu USD vào các dự án cộng đồng, từ "câu lạc bộ nữ sinh" ở các trường trung học đến các dự án khởi nghiệp trong cộng đồng, và sẽ tiếp tục làm như vậy. Như tôi đã đề cập trước đó, tuyên truyền giáo dục rất quan trọng đối với tăng trưởng bền vững.

Công nghệ và số hóa cũng là một lĩnh vực trọng tâm của chúng tôi. Chúng tôi coi dự án "SMART 4.0 Việt Nam" là chương trình để Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam tiếp tục đầu tư.

Chúng tôi cam kết linh hoạt và thích ứng với sự phát triển của Việt Nam, đồng thời sẽ hỗ trợ một cách thích hợp các kế hoạch phát triển của đất nước dựa trên các cam kết và chiến lược kinh doanh của chúng tôi.

Xin trân trọng cảm ơn bà!


Theo Tường Thụy

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên