CEO VIETGO: Chưa bao giờ cơ hội xuất khẩu hàng của Việt Nam lớn đến thế!
Ông Nguyễn Tuấn Việt cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội xuất khẩu lớn và nguồn ngoại tệ thu về cho quốc gia tăng lên đáng kể nếu có định hướng thiết thực hơn.
Vì sao ông khẳng định, Việt Nam là một trong những nước có cơ hội xuất khẩu lớn nhất thế giới?
3 quốc gia sản xuất và cung cấp đến 1/2 hàng hóa của thế giới là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản có các cảng biển lớn, là điểm bắt đầu của tuyến hàng hải quốc tế, gần với Việt Nam, đất nước có đường biển dài, nhiều lợi thế về chi phí vận chuyển do đi từ nội địa ra cảng biển rất gần.
Trong trường hợp Thái Lan xây kênh đào Kra (được xem như kênh đào lớn thứ 3 thế giới) thì Việt Nam lại như một cửa hàng nằm ngay bên cạnh tuyến đường cao tốc mới.
Ngoài ra, Việt Nam nằm trong khu vực của 3 quốc gia lớn nhất thế giới là Trung Quốc - Ấn Độ - Nga. Điều đó giống như một gia đình mở cửa hàng ngay cổng một khu đô thị, khu công nghiệp, hàng ngày từ sáng đến tối người dân, lao động đổ ra mua đồ ăn, thức uống.
Ông Nguyễn Tuấn Việt tư vấn đơn hàng cho khách tại văn phòng công ty.
Vậy theo ông, doanh nghiệp Việt nên xuất khẩu hàng hóa đến các nước Châu Âu hay Châu Á, điển hình là Trung Quốc, quốc gia có sức tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng rất lớn?
Xuất khẩu gạo và dầu thô là hai mặt hàng mà nhà nước đang định hướng và kiểm soát nhưng giá trị xuất khẩu chỉ đạt kim ngạch khoảng 3 tỷ USD mỗi ngành và phải mất khá nhiều năm mới đạt được con số trên.
Trong khi đó, xuất khẩu gỗ hiện nay đạt giá trị 30 tỷ USD, dệt may 30 tỷ. Đặc biệt, sản phẩm nông nghiệp rau củ quả chỉ mất 4 năm đạt 4 tỷ USD mỗi năm.
Thị trường Trung Quốc hiện chiếm đến 76% kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của chúng ta vì sức tiêu thụ nước này rất lớn và yêu cầu về tiêu chuẩn không quá khắt khe. Do đó, tôi cho rằng, định hướng sản xuất rau củ quả sạch, đạt tiêu chuẩn cao để xuất đi châu Âu chưa hẳn là hiệu quả.
Chúng ta xuất vải thiều đi châu Âu với đủ các loại tiêu chuẩn nhưng chỉ được mấy tấn, trong khi Ấn Độ, Trung Quốc đông dân, sức tiêu thụ mạnh, lại gần và dễ hơn về tiêu chuẩn. Vì vậy, đừng cố nấu phở ngon khi ta không đủ nguyên liệu, mà hãy làm bánh mì số lượng lớn khi ta có cả kho bột mì thì sẽ thu về lợi nhuận không hề nhỏ.
Hiện nhiều doanh nghiệp có tâm lý thích xuất khẩu sang các nước phát triển, các nước lớn ở châu Âu. Thực tế, quả thanh long của chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc thuận lợi cả về khoảng cách địa lý và các yêu cầu về tiêu chuẩn. Nếu là người trong cuộc và biết tính toán hiệu quả kinh tế thì phải nhìn vào thống kê, vào số liệu.
Chẳng hạn, GDP của Trung Quốc hiện nay khoảng 13.000 tỷ USD, GDP toàn châu Âu là 13.200 tỷ. GDP của Việt Nam 220 tỷ USD. Nghĩa là Việt Nam cộng với Trung Quốc bằng cả châu Âu. Nhìn vào số liệu này có thể thấy chúng ta xuất khẩu sang đâu có lợi hơn.
Chỉ có điều, với nhiều mặt hàng nông sản, doanh nghiệp Việt Nam chưa biết cách để xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc mà chủ yếu vẫn là tiểu ngạch nên dễ bị rủi ro.
Cầu thủ Nguyễn Anh Đức được VIETGO tư vấn xuất khẩu hồ tiêu.
Nếu có quyền định hướng, ông sẽ chia thành mấy nhóm định hướng xuất khẩu?
Tôi sẽ chia thành 3 nhóm:
Nhóm thứ nhất là hoa – rau - củ quả sẽ hướng đến thị trường Trung Quốc.
Nhóm thứ hai là gia vị như quế, hồi, thảo quả, hành,… sẽ bán cho Ấn Độ.
Nhóm thứ ba là nông sản truyền thống như gạo, tiêu, điều, cà phê… đi khắp thế giới.
Tôi nêu câu chuyện này để thấy định hướng xuất khẩu của chúng ta có thể phải cân nhắc lại. Đó là gạo của Việt Nam nhiều năm qua được cho là giá trị thấp hơn Thái Lan. Bởi chúng ta chọn phân khúc xuất khẩu gạo có chất lượng không cao, thể hiện ở việc đóng gói bằng bao tải hàng chục kg rồi xếp thẳng xuống boong tàu. Mỗi năm chúng ta có khoảng 7 triệu tấn gạo xuất khẩu thì có đến 4 triệu tấn xuất sang châu Phi.
Trong khi Thái Lan xuất khẩu gạo, họ chọn phân khúc cao cấp, chất lượng tốt, đóng gói nhỏ, giống như gạo chúng ta vẫn mua ăn trong siêu thị hiện nay.
Khách nước ngoài thường xuyên quay lại nhờ VIETGO hỗ trợ và cảm ơn vì đã kết nối với các doanh nghiệp Việt uy tín.
Báo chí hiện vẫn nêu câu chuyện doanh nghiệp Việt có sản phẩm tốt nhưng không tìm được đầu ra, liệu có phải là do xúc tiến xuất khẩu kém?
Đúng thế. Chỉ tiếc là tại Việt Nam, VIETGO hiện là doanh nghiệp duy nhất xúc tiến xuất khẩu hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ với hàng trăm hợp đồng, dù trên thị trường có một số công ty môi giới thương mại hoạt động nhỏ lẻ.
Sau gần 20 năm hoạt động, VIETGO đã hỗ trợ, tư vấn cho hơn 1.000 doanh nghiệp trong nước tìm kiếm đối tác để xuất khẩu. VIETGO hiện có hơn 21.600 khách hàng nước ngoài, rất nhiều trong số đó là khách hàng thường xuyên và họ cảm ơn chúng tôi vì đã kết nối với những doanh nghiệp Việt để mua được các sản phẩm tốt, giá hợp lý.
Tôi nghĩ, những doanh nghiêp như chúng tôi nếu được hỗ trợ tốt hơn từ nhà nước thì ngành xuất khẩu sẽ phát triển hơn.