MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cha đẻ" cây ATM gạo: Người tới xin gạo còn sức lao động, tôi sẵn sàng nhận làm việc, có lương tháng, bao ăn

21-04-2020 - 21:58 PM | Sống

Ngày 6/4, cây ATM gạo đầu tiên ở Sài Gòn của CEO Hoàng Tuấn Anh chính thức vận hành. Có vạn người nghèo được giúp đỡ thì cũng có trăm mạnh thường quân tìm đến góp từng bao gạo, có người chở cả xe tải gạo đến.

Gạo là thứ rẻ nhất nhưng làm người ta no nhất, cũng chia được cho nhiều người nhất. Bởi vậy nên khi nghe đến có chỗ phát gạo miễn phí, người nghèo ắt hẳn vui mừng. Họ sẽ có một bữa ăn no sớm thôi và nhẹ đầu trong những quyết định tiếp theo của cuộc sống mùa dịch. 

Giữa muôn kiểu cứu trợ mùa dịch, phát minh ATM gạo của anh Hoàng Tuấn Anh (sinh năm 1985, Giám đốc Công ty Vũ Trụ Xanh - phân phối khóa điện tử PHGLock của Úc) trở thành mô hình cứu trợ nghĩa tình xuất hiện đúng lúc và thiết thực nhất, trong thời điểm người nghèo lao đao vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Cha đẻ cây ATM gạo: Người tới xin gạo còn sức lao động, tôi sẵn sàng nhận làm việc, có lương tháng, bao ăn - Ảnh 1.

Anh Hoàng Tuấn Anh, sinh năm 1985, Giám đốc Công ty Vũ Trụ Xanh - phân phối khóa điện tử PHGLock của Úc và là "cha đẻ" của máy ATM gạo. Ảnh: FBNV

Nói là phát minh cho văn vẻ như cách tạo ra cũng như vận hành một ATM gạo khá cơ bản. Mỗi "máy" có một hệ thống ống nối chuyển gạo từ kho phía sau ra bên ngoài. Người điều khiển app thông qua camera để nhận diện người đến lấy gạo, nhằm phân phát được cho đúng người và nhiều người nhất có thể. 

Với ATM thường, để rút được tiền chúng ta cần có thẻ. Đối tượng phục vụ của ATM gạo là người nghèo, họ mang đến niềm tin để nhận về thứ thiết yếu nhất cho mình.

“Tôi không muốn thấy hình ảnh một đứa bé bị đói lấy cắp vài ổ bánh mì để rồi có một tiểu sử không tốt. Khi là con người, không mặc đẹp cũng chả sao không vui chơi cũng chả sao, nhưng ăn uống là nhu cầu cơ bản không thể thiếu. Tốt nhất nên làm gì cho người ta no bụng, hạn chế tối đa những người lầm đường lạc lối.

Tôi đặt ra mục tiêu cho mình là sẽ xong 100 cây ATM gạo, giúp được khoảng trên 1 triệu người càng nhanh càng tốt”, anh Tuấn Anh nói khi len lỏi giữa tường gạo cao gần 4 mét.

Cha đẻ cây ATM gạo: Người tới xin gạo còn sức lao động, tôi sẵn sàng nhận làm việc, có lương tháng, bao ăn - Ảnh 2.

Tôi không muốn thấy hình ảnh một đứa bé bị đói lấy cắp vài ổ bánh mì để rồi có một tiểu sử không tốt.

Cha đẻ cây ATM gạo: Người tới xin gạo còn sức lao động, tôi sẵn sàng nhận làm việc, có lương tháng, bao ăn - Ảnh 3.

ATM thường cần có thẻ ngân hàng để rút tiền, ATM gạo cần có niềm tin để nhận gạo.

Ngoài đường, từng tốp người già có hoàn cảnh khó khăn đang xếp hàng cách nhau 2m chờ gạo chảy ra từ ống ATM. Với túi tình nghĩa đó, họ sẽ có một tối no bụng. Thỉnh thoảng có một vài thanh niên đến xếp hàng. Họ được tặng một túi gạo và xin mời ghi danh vào làm việc. Ở đây anh Hoàng Tuấn Anh còn nhận cả người còn sức lao động tới làm việc, trả lương tháng, bao ăn.

Tiếp nối điều tử tế đó, hàng loạt máy "ATM gạo" đã được lắp đặt ở nhiều nơi trên địa bàn TP.HCM để hỗ trợ người dân nghèo, thậm chí ý tưởng tuyệt vời này còn lan ra nhiều tỉnh thành khắp cả nước. Mỗi ngày mỗi giờ, bên những cây "ATM gạo" đó, luôn có những câu chuyện tử tế về lòng hào hiệp, về cái tình của người cho và người nhận.... để người ta kể cho nhau nghe giữa mùa dịch Covid-19.

Thất bại đầu đời khi 25 tuổi: "Suýt nữa tôi tự tử"

Anh có tin vào số mệnh không?

Không biết có là trùng hợp không nhưng ba đổi đời lớn nhất đời tôi đều gắn liền với con số 5.

Ba tôi là bác sĩ. Đời ông trải qua nhiều cuộc chiến, vài lần thất bại rồi vực dậy. Ba tôi thấy được rằng: Có những người rất giàu, nhưng khi họ mất của họ không đứng lên nổi. Ông suy niệm ra: Khi con người có kiến thức, dù có trắng tay người ta vẫn làm lại được. Vậy nên tôi được ba rèn luyện về ý thức lao động rất sớm. Mỗi cuối tuần ba cho tôi xuống nông trại, chỗ mình đang ngồi đây, để tắm heo, tắm bò, hốt phân, cắt cỏ.

15 tuổi ông cho tôi đi du học. Thất bại đầu đời khi tôi 25 tuổi, phi vụ lắp đặt tấm cách nhiệt giữa tôi và chính phủ Úc có lợi nhuận hàng triệu đô sụp đổ. 5 giờ đồng hồ sau tôi trắng tay. Suýt tí nữa tôi tự tử. Sau khi tỉnh lại, tôi dành 10 năm theo đuổi lĩnh vực khoá thông minh. 35 tuổi, tôi bất ngờ được biết đến với dự án ATM gạo. Trong khi cuối năm ngoái, tôi dự kiến năm 2020 công ty mình sẽ có lợi nhuận nhưng bị cú sốc dịch bệnh nên đến giờ vẫn chưa đâu vào đâu.

Người ta nói năm nay tuổi của tôi rất tốt. Đầu năm vô gặp dịch, tôi thầm nghĩ: Số tốt đến mấy cũng không cãi được số trời. Nhưng giờ tôi chiêm nghiệm lại, có thể mình không giàu vì tiền mà giàu vì tình cảm. Chẳng biết có phải sự may mắn đang mỉm cười với tôi theo một cách khác không?

Đức tin trong việc anh đang theo đuổi, hẳn phải lớn lắm?

Có lẽ tôi liều và dai. Tôi tin rồi thời gian sẽ trôi mang đi cả những khó khăn, quan trọng là tôi có giữ được mình và vươn lên trong dòng chảy ấy hay không.

Người như anh, chắc hiếm khi cảm nhận được cảm giác đói ăn?

Tôi chưa kịp biết cảm giác đó. Khi phá sản ở Úc, tôi bán xe hơi lấy tiền để sống tiếp. Đi làm phục vụ bàn để trang trải. Có mẹ tôi giúp đỡ. Về Việt Nam, tiền cho thuê bất động sản mỗi tháng trên 10.000 mét vuông thu về vài trăm triệu đồng. Tôi có thể ngồi nhà chơi cũng có đủ tiền để đi du lịch và ăn uống hàng ngày. Nhưng tôi vẫn kiên trì theo ngành khoá trong 10 năm qua và chấp nhận chưa có lời. Khi sung túc, đó hẳn là một quyết định rất khó khăn.

MC Quyền Linh giúp đỡ người khó khi biết người ta lừa mình vẫn nhắm mắt coi như không thấy, còn anh làm thiện lại muốn đề cao tính công bằng?

Tôi biết anh Quyền Linh nhưng chắc anh ấy không biết tôi. Nếu tôi là anh ấy, khi không có công nghệ, tôi cũng sẽ làm thế. Biết một đứa trẻ bị kẻ xấu chăn dắt, tôi vẫn sẽ cho 10.000 đồng ít nhất là để nó được ăn cơm và tránh đòn roi. Cuộc sống không có gì là hoàn hảo, người ta chỉ chọn quyết định tốt nhất. Chẳng ai sai cả.

Cha đẻ cây ATM gạo: Người tới xin gạo còn sức lao động, tôi sẵn sàng nhận làm việc, có lương tháng, bao ăn - Ảnh 4.

Nếu tôi là anh Quyền Linh tôi cũng sẽ mắt nhắm mắt mở cho người đến lấy gạo, song, tôi có công nghệ, tôi phải làm khác đi.

Vì khi tôi có lựa chọn khác tốt hơn mà tôi không làm thì tệ quá. Tôi là dân công nghệ. Xã hội đang gặp vấn đề, tại sao mình không sử dụng công nghệ để giải quyết bài toán của xã hội.

Tôi biết ngoài kia còn nhiều người nghèo, nhưng lúc kinh tế sung túc không nói, bây giờ ai cũng cạn kiệt. Mạnh thường quân bản thân họ cũng cạn kiệt, họ đang cho những cái cuối cùng mình có. Giả sử tình hình này kéo dài hơn một chút nữa, biết đâu mạnh thường quân chính là những người gặp khó khăn bởi họ đã cho đi quá nhiều. Nếu chúng ta cứ tiếp tục phân phát không đúng thì chẳng khác nào làm người tốt thì ngày càng nghèo đi, người xấu càng giàu lên.

Cha đẻ cây ATM gạo: Người tới xin gạo còn sức lao động, tôi sẵn sàng nhận làm việc, có lương tháng, bao ăn - Ảnh 5.

Trải nghiệm về chữ thiện trong đời anh Hoàng Tuấn Anh là những gì?

Thiện trong tôi trước hết là mình giúp gia đình, bà con xung quanh mình trước. Tôi đã từng thấy nhiều trường hợp ra ngoài làm thiện rất nhiều nhưng quay về gia đình mình lại không giúp. Khi tôi khó khăn nhất, gia đình là người giúp tôi đầu tiên. Một giọt máu đào hơn ao nước lã, khi có cơ hội mình sẽ giúp người ngoài.

Tạo việc làm cho người nghèo, thất nghiệp trả lương 6-7 triệu/tháng và bao ăn

Buổi tối trong lúc chúng tôi trò chuyện, có một chàng trai trẻ đi vào máy nhận gạo. Anh Hoàng Tuấn Anh cầm micro đề nghị người ấy rời khỏi hàng và hỏi thăm vì sao phải đến đây. Cậu thanh niên thành thật nói "vì nhà hết gạo". Anh Tuấn Anh gợi ý cho cậu đến đây nhận việc làm nhưng cậu từ chối. Dẫu vậy, anh vẫn tặng cậu ta một túi gạo.

Cha đẻ cây ATM gạo: Người tới xin gạo còn sức lao động, tôi sẵn sàng nhận làm việc, có lương tháng, bao ăn - Ảnh 6.

Anh Hoàng Tuấn Anh tặng túi gạo cho một chàng trai.

Thật khó để cây ATM có thể nhận diện được ai xứng đáng nhận gạo. Bởi chiếc xe, cái áo... cũng không nói lên được câu chuyện phía sau của từng người. Cuộc sống này không có gì là tuyệt đối công bằng, anh có nghĩ thế không?

Đúng là sự công bằng chỉ đạt được 80-90% thôi. Nếu là tiền của tôi thì tôi rất dễ dãi, cho không đúng người chút xíu cũng không sao, nhưng giờ mình là cầu nối giữa mạnh thường quân và người nghèo.

Tôi đang mang trách nhiệm, nếu không làm tốt thì cảm thấy rất có lỗi.

Tôi muốn cây ATM gạo này có tình người hơn. Xưa giờ tôi không chủ trương cho gạo nhưng trong thời điểm này tôi không có nhiều “cần câu” nên đành đưa ra “con cá". Với những người đến nhận gạo đang còn trong tuổi lao động, tôi tìm cách chiêu mộ họ vào làm việc. Bàn đăng ký đến làm việc được đặt ngay tại điểm đặt máy ATM.

Cha đẻ cây ATM gạo: Người tới xin gạo còn sức lao động, tôi sẵn sàng nhận làm việc, có lương tháng, bao ăn - Ảnh 7.

Cụ thể thì những người đó sẽ được làm công việc gì?

Nam có sức khoẻ thì cho khiêng gạo, nữ có thể làm điều khiển máy. Tôi bao ăn, mỗi tháng trả 6-7 triệu đồng/người. Đó cũng là một phép thử.

Ngày xưa chưa thất bại, tôi mặc đồ đẹp chạy xe đẹp, khi trắng tay thì kêu tôi giao báo làm nhà hàng tôi cũng phải làm. Giống như thời kỳ khó khăn này, những thanh niên thất nghiệp khi có cơ hội thì phải biết nắm lấy cơ hội ấy để vượt qua.

Nếu yêu lao động, sẽ luôn sống được dù bất kỳ khó khăn nào. Còn nếu không, có trời cũng không cứu được.

Có câu chuyện tình người nào khiến anh Tuấn Anh nhớ mãi, từ lúc anh khai sinh chiếc máy ATM gạo này?

Tôi đã gặp nhiều người nghèo khó nhưng vẫn có trái tim ấm áp. Có một anh bán rau, xe bán rau của anh rất cũ nhưng ảnh chở tới đây cả trăm kg gạo.

Tôi nhìn mà tôi không hiểu sao anh nghèo như vậy mà còn cho gạo nữa. Anh ấy trả lời tôi rằng mình vẫn còn lao động được và yêu lao động, xin gửi gạo này lại cho những người nghèo khó hơn.

Cha đẻ cây ATM gạo: Người tới xin gạo còn sức lao động, tôi sẵn sàng nhận làm việc, có lương tháng, bao ăn - Ảnh 8.

Xin cảm ơn anh.

Cha đẻ cây ATM gạo: Người tới xin gạo còn sức lao động, tôi sẵn sàng nhận làm việc, có lương tháng, bao ăn - Ảnh 9.

Theo Lê Ái

Tổ Quốc

Trở lên trên