MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cha mẹ không còn, tôi từ chối các em đến nhà sum họp Tết: Ít ai biết nỗi khổ khó nói của con trai cả

05-02-2024 - 14:03 PM | Sống

Cha mẹ không còn, tôi từ chối các em đến nhà sum họp Tết: Ít ai biết nỗi khổ khó nói của con trai cả

Sau khi cha mẹ qua đời, người đàn ông Trung Quốc này năm nào cũng mời các em đến nhà ăn Tết nhưng lại nhận về cái kết không ngờ.

Bài viết của tác giả Lưu Đông, 58 tuổi trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc)

Những cái Tết đầm ấm của gia đình đông con

Tôi là con trai cả trong gia đình có 5 anh chị em ở nông thôn. Vì điều kiện gia đình tương đối nghèo nên tôi phải nghỉ học từ sớm để cùng bố mẹ làm việc nuôi các em ăn học. Sau đó tôi lấy vợ là người làng bên, yên phận cuộc sống làm nông trong khi các em đều có cơ hội lên thành phố làm việc, sở hữu nhà cao cửa rộng.

Chỉ còn tôi với trách nhiệm người con trai cả, ở quê chăm sóc bố mẹ cao tuổi. Khi bố mẹ vẫn còn, tôi chưa bao giờ nghĩ có sự đối xử bất công nào trong gia đình, mối quan hệ giữa 5 anh em rất tốt. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, anh chị em đều về nhà đoàn tụ, không khí gia đình vô cùng đầm ấm, hòa thuận.

Cha mẹ không còn, tôi từ chối các em đến nhà sum họp Tết: Ít ai biết nỗi khổ khó nói của con trai cả- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thời điểm đó anh chị em đều ở lại nhà của bố mẹ, tuy chật chội và bất tiện nhưng chúng tôi có cơ hội ngồi lại trò chuyện vui vẻ, cùng nhau đi mua sắm đồ Tết, tận hưởng thời gian hiếm hoi rảnh rỗi trong năm. Các anh em trai chịu trách nhiệm làm những công việc nặng hơn trong nhà như chặt củi, bắt thêm cá dưới ao, sửa sang lại nhà cho bố mẹ còn chị em gái bận rộn dưới bếp.

Bố mẹ không còn, trách nhiệm đè nặng lên vai anh cả

Mọi chuyện thay đổi từ khi bố tôi mất, dịp Tết dù tụ họp thì các anh chị em cũng không còn vui vẻ như trước. Trước đây mọi người đều thấy Tết quá ngắn để sum họp thì nay không khí gia đình có phần nặng nề. Hai người em trai của tôi được nghỉ làm cũng không còn về quê ngay mà đợi đến bữa tối 30 Tết mới thấy mặt. Các em gái chỉ ở lại nhiều nhất 2 đêm rồi về nhà chồng, có năm còn không ghé qua.

Chứng kiến gia đình như vậy, mẹ tôi rất buồn, sau khi các em vội vã rời đi đều đứng rất lâu ở cổng nhìn theo. Cách đây 8 năm, mẹ tôi qua đời vì bệnh. Trước khi bà nhắm mắt xuôi tay không quên dặn tôi quán xuyến tốt việc nhà để gia đình không tan vỡ.

Mấy năm đầu sau khi mẹ ra đi, tôi cảm thấy mình đã thực hiện được di nguyện của bà, Tết năm nào cũng mời các em đến nhà ăn Tết. Tôi xây được một căn nhà mới ở cuối làng, đủ phòng cho các em nếu đến nhà ở lại cũng không phải chen chúc như xưa. Nhờ vậy nên tôi nghĩ không khí gia đình sẽ sớm vui vẻ và hòa thuận như ngày vẫn còn bố mẹ.

Cha mẹ không còn, tôi từ chối các em đến nhà sum họp Tết: Ít ai biết nỗi khổ khó nói của con trai cả- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Thế nhưng chỉ kiên trì vài năm, tôi phát hiện ra trách nhiệm của người con cả ngày càng nặng nề. Các em năm nào cũng đến nhà tôi họp mặt nên từ một tháng trước Tết, gia đình tôi đã phải tất bật chuẩn bị, từ mua thực phẩm, dọn dẹp nhà cửa đến nấu cỗ. Đêm giao thừa gia đình chú ba và chú tư sẽ về trước nhưng gần như chẳng hỗ trợ việc gì chỉ thích ngồi tán gẫu, xem tivi còn vợ chồng tôi và các con cặm cụi tất bật.

Ngày mùng 2, mùng 3 Tết các em gái sẽ đến chơi, cô hai cũng xắn tay phụ giúp một chút nhưng chỉ ở lại một đêm rồi về. Mỗi dịp Tết đến, vợ tôi là người vất vả nhất, lo chu toàn mọi việc nên chẳng có thời gian cho bản thân nghỉ ngơi. Các em biếu gia đình tôi ít quà Tết nhưng rời đi không khách sáo gì, lấy gần hết đồ ăn Tết và gà vịt vợ chồng tôi nuôi ở sân sau. Nếu các cháu nhỏ làm hỏng đồ đạc trong nhà, tôi cũng phải đứng ra chi trả tiền sửa chữa.

Cho tới Tết năm ngoái, vợ chồng tôi quyết định không mời các em đến nhà chơi nữa. Tôi nói với họ sức khỏe vợ tôi không tốt, không thể năm nào cũng một tay làm nhiều việc như vậy. Nếu các em vẫn muốn về quê thì 5 anh em tụ họp ở nhà bố mẹ, nấu một mâm cơm rồi ai về nhà nấy. Họ có trách tôi làm anh cả không tốt, tôi cũng bỏ ngoài tai.

Cha mẹ không còn, tôi từ chối các em đến nhà sum họp Tết: Ít ai biết nỗi khổ khó nói của con trai cả- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Muốn gia đình hạnh phúc thì các thành viên đều cần phải nỗ lực vun đắp, không phải ỷ lại và đổ dồn trách nhiệm về một mình tôi mãi như vậy được. Dẫu biết khi bố mẹ qua đời, người con cả gánh phần trách nhiệm nặng nề hơn để chăm lo cho các em nhưng đã đến lúc tôi nghĩ cho bản thân và gia đình nhỏ của mình, thay vì mãi hy sinh cho các em mà chẳng nhận lại sự công nhận nào.

Bài đăng của tác giả Lưu Đông nhận được sự đồng cảm của nhiều cư dân mạng, họ cho rằng trách nhiệm quán xuyến gia đình của một người con cả như Lưu Đông cần được san sẻ. Nhiều người gợi ý gia đình họ nên nói chuyện thẳng thắn với nhau để gỡ bỏ khúc mắc, nếu quá bận rộn có thể bàn nhau mỗi năm ăn Tết tại một nhà khác nhau hoặc chỉ cần sum họp tại nhà bố mẹ một bữa, không tốn quá nhiều thời gian tất bật chuẩn bị mà vẫn tận hưởng khoảng thời gian nghỉ ngơi ngày Tết.

Kim Linh

Phụ nữ số

Trở lên trên