MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội hợp tác đầu tư của Việt Nam vào Campuchia’

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)

Đầu tư vào Campuchia từ năm 2006, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) khẳng định, chuyến thăm chính thức Campuchia (8-9/11) và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 – 41 và các hội nghị liên quan từ 10-13/11 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư hơn nữa của Việt Nam vào Campuchia.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Tào Đức Thắng cho biết, chuyến thăm của Thủ tướng và đoàn công tác lần này diễn ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới, trong đó có Campuchia đang đối diện với nhiều thách thức sau hơn 2 năm chịu tác động của đại dịch COVID-19.

"Tôi tin rằng đây vừa là thách thức vừa là những động lực để Campuchia thu hút, kêu gọi đầu tư nhằm đưa nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ 4.0 để thúc đẩy chuyển đổi số. Chắc chắn chuyến đi này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư hơn nữa của Việt Nam vào Campuchia", lãnh đạo Tập đoàn đã có 16 năm đầu tư tại Campuchia chia sẻ.

Viettel đang là doanh nghiệp viễn thông lớn nhất Campuchia. Hoạt động đầu tư của Viettel tại Campuchia không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn là cầu nối cho tình hữu nghị giữa Việt Nam - Campuchia.

Metfone – thương hiệu của Tập đoàn Viettel - đang là một trong những doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho Chính phủ và xã hội Campuchia. 13 năm ở đất nước chùa Tháp, Metfone trở thành thương hiệu số 1 trong lĩnh vực viễn thông với hơn 9 triệu khách hàng, chiếm 41,7% thị phần viễn thông.

‘Chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội hợp tác đầu tư của Việt Nam vào Campuchia’ - Ảnh 1.

Tập đoàn Viettel ký kết văn bản ghi nhớ với Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục.

Trong tầm nhìn chiến lược giai đoạn 2021 – 2025, Metfone cam kết luôn tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ và đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp và người dân Campuchia ứng dụng các công nghệ số, giải pháp số phục vụ mọi hoạt động xã hội. Tầm nhìn của Metfone trong việc triển khai chuyển đổi số ở Campuchia tập trung vào 4 lĩnh vực là xây dựng hạ tầng số, nền tảng số, tài chính số và dịch vụ số.

Metfone đã ký kết hợp tác với gần như tất cả các bộ trong Chính phủ Campuchia về chuyển đổi, trong đó có các dự án đặc biệt quan trọng với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia... Hệ sinh thái giáo dục của Metfone đã phủ đến hơn 300 trường học trên toàn quốc với hơn 450.000 học sinh được hưởng lợi từ môi trường học tập số.

Trong cộng đồng doanh nghiệp, Metfone là đơn vị đầu tiên kiến tạo được một mạng lưới ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ doanh nghiệp kết nối và cung cấp các công cụ hỗ trợ kinh doanh, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19. Trong đó, giải pháp công nghệ thông tin B2B, Digital và tài chính số chiếm hơn 10% tổng doanh thu.

Với khách hàng cá nhân, Metfone đã đưa tỷ lệ khách hàng data đạt mốc 91%, trong đó 95% là khách hàng 4G, cao nhất tại các thị trường mà Viettel đầu tư. Siêu ứng dụng CamID của Metfone ra mắt tháng 4/2021 có tổng 5 triệu người cài đặt, trong đó có 1 triệu khách hàng sử dụng thường xuyên. Siêu ứng dụng này hướng tới việc mỗi người dân Campuchia sẽ có một ID, không chỉ thuê bao Metfone mới dùng super-app CamID mà thuê bao mạng khác cũng có thể đăng ký. Nhờ đó, người dân có thể làm các thủ tục hành chính công như giấy khai sinh, giấy phép lái xe… đều dựa trên CamID.

Metfone cũng đã xây dựng nền tảng tài chính số, đây là huyết mạch của một xã hội số. eMoney của Metfone đang là ví điện tử lớn nhất của Campuchia với hơn 800.000 khách hàng sử dụng thường xuyên.

"Chúng tôi luôn mang đến những gì tốt nhất, chân thành nhất tới người dân và đất nước Campuchia", ông Tào Đức Thắng nhấn mạnh.

Hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư giữa hai nước Việt Nam – Campuchia đang phát triển nhanh chóng và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt 9,54 tỷ USD, tăng 79,1% so với năm 2020; 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,45 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021 (Việt Nam xuất siêu sang Campuchia với giá trị 487,7 triệu USD).

Đến nay, Việt Nam có 198 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,92 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong top 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia, đồng thời đứng thứ hai trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư.

Các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia đã và đang đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội và sự phát triển thịnh vượng của Vương quốc Campuchia.

Các lĩnh vực hợp tác khác về giáo dục - đào tạo, giao thông - vận tải, văn hóa, y tế, viễn thông... giữa 2 nước cũng được quan tâm, đẩy mạnh. Hằng năm, Việt Nam cấp hàng trăm suất học bổng dài hạn cho sinh viên Campuchia sang học tại Việt Nam và số lượng sinh viên Việt Nam sang học tập tại Campuchia ngày càng nhiều. Hai nước cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, nhất là ở các địa phương giáp biên giới. Việt Nam thường xuyên tổ chức các đoàn bác sỹ tình nguyện sang khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân Campuchia; các bệnh nhân Campuchia khi sang khám và điều trị bệnh tại Việt Nam được hưởng mức lệ phí khám chữa bệnh như người Việt Nam. Đặc biệt, hai nước luôn quan tâm, giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau trong ứng phó với đại dịch COVID-19.

Hai nước cũng phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, cơ chế CLV, CLMV, ACMECS… góp phần nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới.

Theo Hiền Minh

VGP

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên