MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chấm dứt chuỗi tuần giảm điểm kỷ lục, chứng khoán Mỹ đã thoát cơn bĩ cực?

28-05-2022 - 19:11 PM | Tài chính quốc tế

Chấm dứt chuỗi tuần giảm điểm kỷ lục, chứng khoán Mỹ đã thoát cơn bĩ cực?

Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều có mức tăng hơn 6% trong tuần qua, chấm dứt chuỗi tuần giảm điểm kéo dài.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, chứng khoán Mỹ đều xác lập mức tăng mạnh. Cụ thể, cả 3 chỉ số chính đều xác lập mức tăng hơn 6% trong tuần qua. Kết quả là S&P 500 và Nasdaq đều có thể chấm dứt chuỗi 7 tuần giảm điểm liên tiếp trong khi Dow Jones là 8 tuần. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1923, Dow Jones giảm 8 tuần liên tiếp.

Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư tại CFRA Research, cho biết: "Tôi nghĩ đây là sự khởi đầu của đợt phục hồi đã được chờ đợi từ lâu". Cũng có rất nhiều số liệu quan trọng sẽ được công bố trong tuần tới, giúp thị trường thực sự có cơ hội phục hồi hơn nữa.

Báo cáo việc làm tháng 5, dự kiến được công bố vào thứ 6 tuần sau, sẽ là dữ liệu quan trọng nhất. Bên cạnh đó, nhiều con số khác cũng sẽ được công bố vào các ngày trong tuần sau. Alex Chaloff, đồng trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Bernstein Private Wealth Management, cho rằng số việc làm mới phi nông nghiệp trong tháng 5 vào khoảng 325.000.

"Các chuyên gia kinh tế đồng thuận rằng tốc độ việc làm sẽ chậm lại từ mức 428.000 của tháng 4. Bạn không thể duy trì tốc độ gia tăng việc làm mới đó, đặc biệt là khi Covid-19 tăng đột biến. Do đó, con số 325.000 có vẻ hợp lý", Chaloff nói.

Sự phục hồi sau biên bản cuộc họp của FED

Tuần quan, chứng khoán Mỹ ghi nhận biến động nhưng kết quả là tăng mạnh, đặc biệt là sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố toàn bộ biên bản cuộc họp. Chỉ số S&P 500 đã tăng 6,5% lên 4.158 điểm, đánh dấu tuần tốt nhất kể từ tháng 11/2020. Dow Jones thì tăng 6,2% trong khi Nasdaq tăng mạnh tới 6,8%.

"Thị trường đang chờ đợi một chất xúc tác nào đó và tôi nghĩ nó tới từ FED. Cơ quan này không chỉ diều hâu hơn mà còn cho biết sẽ tìm cách xúc tiến việc thắt chặt lãi suất. Chính vì thế, nhiều nhà đầu tư sẽ cho rằng họ đã phản ứng trước với chu kỳ tăng lãi suất và có thể thị trường sẽ không còn phản ứng mạnh mẽ trong quý tới", Sam Stovall nhận định.

Theo vị chuyên gia này, thị trường chứng khoán Mỹ vừa bị bán tháo quá mức trên diện rộng, bao gồm cả sự suy giảm nặng nề về tâm lý nhưng cũng vừa là lúc chín muồi để đón nhận các tin tốt và FED đã mang lại những tin đó.

Thị trường đang kỳ vọng rằng FED sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, tương đương nửa điểm phần trăm, tại mỗi cuộc họp trong ít nhất 2 cuộc họp tiếp theo. Điều này có nghĩa là các giao dịch không ổn định trong suốt giai đoạn đó nhưng khi FED trở lại với việc tăng 0,25% mỗi lần, thị trường sẽ ổn định hơn.

"Tôi nghĩ đây là giai đoạn đầu của cú hồi nhưng chúng ta vẫn còn một cuộc họp của FED trong tháng 6 và một cuộc họp khác trong tháng 7. Nó sẽ có tác động đến thị trường. Nó sẽ tạo ra cảm giác bồn chồn khi FED thừa nhận những việc họ phải làm. Chúng tôi không nói đây là đáy nhưng sẽ rất tuyệt khi thị trường phản ứng thích hợp với các dữ liệu vĩ mô chắc chắn", Chaloff nói.

Với cú tăng của tuần vừa qua, Chaloff tin rằng thị trường đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất nhưng đó vẫn chưa phải tất cả. Mọi người có thể lạc quan nhưng cần thẳng thắn thừa nhận rằng họ vẫn chưa thể tới được giai đoạn bùng nổ hoặc một cú hồi ngoạn mục sau chuỗi ngày giảm giá.

Tìm kiếm chất xúc tác

Chaloff cho biết ông sẽ theo dõi xem liệu các quỹ đầu cơ, vốn đang bán mạnh cổ phiếu đang nắm giữ, có bắt đầu mùa vào tuần tới hay không, nó có thể trở thành chất xúc tác tích cực cho thị trường hay không.

"Những tuần thế này giúp vững tin. Dù không phải là một tuần đột phá nhưng đây là một tuần quan trọng", Chaloff nói. Những diễn biến trong tuần cũng quan trọng nhưng những gì xảy ra vào cuối tuần cũng có tác động không nhỏ tới các nhà đầu tư.

Lợi suất trái phiếu kho bạc trong tuần qua thấp và ổn định hơn. Lợi suất kỳ hạn 10 năm vào khoảng 2,74% vào thứ 6 (27/5). Theo Chaloff, điều này có thể có lợi cho cổ phiếu và cả trái phiếu.

Jim Cramer: Đừng vội vui mừng khi vấn đề căn cơ chưa được giải quyết

Tuy nhiên, Jim Cramer của CNBC đã cảnh báo rằng một đợt phục hồi của thị trường sẽ không thể duy trì được cho tới khi các nguyên nhân của tình trạng hỗn loạn được giải quyết.

"Nếu chúng ta muốn một thị trường có thể phục hồi bền vững, chúng ta cần Trung Quốc mở cửa trở lại, xung đột Nga – Ukraine chấm dứt và FED kiềm chế lạm phát bằng việc tăng lãi suất 1%. Thật không may, chỉ 1 trong 3 điều đó nằm trong tầm kiểm soát của người Mỹ", người dẫn chương trình Mad Money của CNBC, nhận định.

Quan điểm của Cramer được đưa ra sau một tuần giao dịch đầy biến động, khi nhiều doanh nghiệp không thể đạt được thu nhập dự kiến. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng lo ngại về lạm phát và căng thẳng địa chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, cuối cùng, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cũng chấm dứt được chuỗi tuần giảm điểm tồi tệ.

Tham khảo: CNBC

https://cafef.vn/cham-dut-chuoi-tuan-giam-diem-ky-luc-chung-khoan-my-da-thoat-con-bi-cuc-2022052819045893.chn

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên