Chẩn bệnh doanh nghiệp Nhà nước
Vốn được xem là “xương sống”, bệ đỡ của nền kinh tế, nhiều năm qua, khu vực Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển đất nước. Nhưng cũng do quản lý lỏng lẻo, lợi ích nhóm, khu vực này đã phát sinh tiêu cực, làm trầm trọng thêm tình trạng nợ xấu. Đặc biệt, nhiều “trái đấm thép” đã nhũn mềm, tan chảy gây thất thoát cả chục ngàn, trăm ngàn tỷ đồng ngân sách...
“Cơn địa chấn” đại án và 12 dự án thua lỗ
Năm 2017, theo công bố của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, 12 đại án được đem ra xét xử công khai trước Toà. Cũng những ngày qua, ngoài mấy “ông chủ” nhà băng và vô số người làm công ăn lương bị khởi tố, công luận đã chứng kiến cảnh không ít những người từng được gọi là cán bộ công chức tại cơ quan Nhà nước, thậm chí từng giữ vị trí chủ chốt tại một Tập đoàn phải ra trước vành móng ngựa.
Tại phiên toà xét xử đại án Ngân hàng Đại Dương (Oceabannk), một mức án cao nhất- tử hình- còn được tuyên kết án dành cho ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu Khí (PVN) sau này là Tổng giám đốc Oceabank. Căn cứ để Viện kiểm sát đề nghị và Toà tuyên án, chính là việc ông Sơn đã thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hàng ngàn tỷ đồng tiền vốn của Nhà nước. Đặc biệt nữa, đó là vi phạm tham ô tài sản của Nhà nước lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Năm 2017, một vấn đề ngoài những vụ đại án còn khiến Chính phủ phải đau đầu có liên quan đến DNNN chính là hoạt động kém hiệu quả của 12 nhà máy, dự án (DA) thua lỗ của ngành Công Thương có tổng mức đầu tư 63.610 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu là 14.350 tỷ đồng. Trong số khoảng 47.000 tỷ đồng đi vay có tới 6.600 tỷ đồng do Chính phủ bảo lãnh.
Theo đó, tính đến ngày “chốt sổ” 31/12/2016, trong tổng số chỉ có 6 nhà máy vận hành, ngoài Nhà máy đóng tàu Dung Quất và công ty Thép Việt - Trung thì 4 nhà máy đạm đang thua lỗ. Ba dự án, nhà máy dừng thi công là dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ, Nhà máy Bột giấy Phương Nam và Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Ba nhà máy dừng hoạt động là Nhiên liệu sinh học Bình Phước, Nhiên liệu sinh học Dung Quất và Xơ sợi Đình Vũ. Cũng tính đến thời điểm này, 10 nhà máy đang hoạt động hoặc dừng sản xuất có lỗ luỹ kế 16.126 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chỉ còn 3.956 tỷ đồng. Nhiều nhà máy âm vốn chủ sở hữu.
Hơn 3 tỷ USD “chôn vùi” trong các dự án nhà máy thua lỗ, cả triệu tỷ đồng ngân hàng “ngập” trong nợ xấu. Căn nguyên không nhỏ đến từ buông lỏng quản lý của khối này…Người ta tự hỏi: Điều gì đã khiến DNNN đang từ những “quả đấm thép” lâm vào tình trạng thê thảm như vậy?
63.000 tỷ đồng đang "chôn" trong các Dự án nhà máy thua lỗ khiến Chính phủ sốt ruột.
Đừng để "xương sống" bị "vôi hóa"
Là người được giao trọng trách Trưởng ban chỉ đạo xử lý 12 nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương, ngay từ khi nhận việc, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đích thân cùng đoàn công tác đặc biệt bỏ nhiều ngày đi thị sát một loạt các nhà máy, dự án để tìm ra căn nguyên, thực trạng.
Ngày 5/7/2017, chủ trì phiên họp triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về các dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã “chẩn bệnh” sát sườn. Theo ông, lỗi lớn để xảy ra thua lỗ nặng nề chính là khi lập dự án, phê duyệt dự án có tình trạng làm rất nhanh nhưng khi tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản rất trì trệ; vướng mắc pháp lý với các nhà thầu EPC; điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm 43% so với dự toán .
“Nhiều dự án kéo dài tới giờ chưa xong. Có nhà máy xong rồi nhưng không hoạt động được. Hoặc khi lập phương án đầu tư, sản xuất kinh doanh thì thông số đầu vào khả quan, chi phí sản xuất thấp và giá trị đầu ra cao nhưng khi vận hành thì thông số đầu vào cao còn giá trị đầu ra thấp”, Phó Thủ tướng nói.
Còn với “cơn địa chấn” ở PVN, trò chuyện những ngày này, lãnh đạo một thành viên thuộc Tập đoàn PVN không giấu được tâm trạng buồn. Ông bảo với ngành Dầu khí, đây là quãng thời gian “tệ” nhất từ trước đến giờ. Việc một số cán bộ PVN bị khởi tố và nhiều lãnh đạo các đơn vị thành viên có liên quan ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của người lao động”, ông nói.
DNNN hiểu nôm na chính là các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế lớn, đang nắm giữ những vị trí then chốt trong nền kinh tế như: ngân hàng, năng lượng, cơ khí, xây dựng, hóa chất… Các DNNN đang có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống, an sinh của nhân dân. Nếu ngưng trệ khối kinh tế này, điều gì sẽ xảy ra? “Chắc chắn với vai trò là 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế, nếu khu vực DNNN chững lại, sẽ ảnh hưởng tới cả tăng trưởng nền kinh tế, tác động vào “hầu bao” thu ngân sách quốc gia”, một chuyên gia thừa nhận. Ông đồng thời lưu ý: “Nhà nước cũng là một chủ thể trên thị trường. Các doanh nghiệp khác còn làm ăn được mà DNNN không làm ăn được thì vô lý, nhưng rõ ràng phải áp đặt kỷ luật thị trường với DNNN. Nếu làm ăn không được cũng đành phải chấp nhận ra đi”.
Nếu Doanh nghiệp Nhà nước chững lại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Nhật Minh.
Cốt lõi vẫn là nhân sự
Câu hỏi từng được cơ quan chức năng và công luận quan tâm đó là vì sao tại nhiều DNNN, người đứng đầu, cán bộ không thực giỏi, thậm chí còn yếu về cả tư duy lẫn trình độ quản lý vẫn “chui lọt” thăng tiến từ vị trí này lên vị trí khác.
Từng vài lần trò chuyện thân tình với một số người đứng đầu những DNNN khá lớn và tên tuổi; tâm trạng chung của họ, đó là làm một lãnh đạo giỏi của một Tập đoàn, hay Tổng công ty hoặc một Ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước lớn khó gấp bội lần so với làm ông chủ hay CEO của một doanh nghiệp, Tập đoàn tư nhân nào đó. Bởi, đúng là trên thực tế, họ thường bị “trói tay, trói chân” không được tự do, tự chủ trong hoạt động kinh doanh như các doanh nghiệp khác, thậm chí còn phải lo làm nhiệm vụ chính trị.
Nỗi niềm là thế nhưng phía sau là ma lực quyền uy lớn đến mức không ít cuộc đua “ngầm” để chạy vào ghế nóng. Một trong những ưu tiên số 1 đầu tiên cho vị trí đứng đầu một Tập đoàn, Tổng công ty hay Chủ tịch một NHTM Nhà nước đó vẫn phải là…năng lực và người có tài, có đức thực sự. Tiêu chuẩn, đòi hỏi là vậy nhưng, người ta đã nhìn thấy sự “biến tướng” trong công tác bổ nhiệm. Thế nên mới có chuyện ông bố bộ trưởng sẵn sàng “bắn” cậu quý tử còn “xanh” vào lãnh đạo một DNNN lớn (trường hợp cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm con trai Vũ Quang Hải làm Tổng giám đốc Sabeco), hay như một nữ Thứ trưởng có thể vừa “đá bóng” vừa thổi còi cho sân sau gồm toàn người nhà, anh chị em “nắm quyền” từ chính DNNN đã cổ phần hoá. (Trường hợp bà thứ trưởng bộ Công thương Nguyễn Thị Kim Thoa).
Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương (11/4/2017), nói về công tác cán bộ, sử dụng người tài trong DNNN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ ra: Cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, bất cập trong hoạt động của các DNNN, trong đó bài học đầu tiên cần rút ra là công tác cán bộ. Theo đó, Thủ tướng nhắn nhủ: “Phải chọn người tài trong quản lý điều hành, không chọn người nhà, thân quen trong bộ máy DNNN. Chúng tôi mong muốn các DNNN nói không với tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt chống tình trạng sân trước, sân sau”.
Ảnh minh họa.
Làm gì để thay đổi?
Tháng 4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020” . Mục tiêu của Đề án nhằm thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước để DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; quốc phòng, an ninh; lĩnh vực độc quyền tự nhiên.
Đề án cũng tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường; xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương và tiếp tục rà soát đối với các dự án, doanh nghiệp khác.
Theo đó, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2016 - 2020 của Đề án là hoàn thành cổ phần hóa 137 doanh nghiệp; phấn đấu đến hết năm 2020, Nhà nước chỉ giữ 100% vốn tại 103 doanh nghiệp theo Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, yêu cầu xây dựng lộ trình và tổ chức bán phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên..
Đề án cũng tiếp tục cơ cấu lại toàn diện DNNN. Cụ thể, sắp xếp lại doanh nghiệp; nâng cao năng lực tài chính; đổi mới công tác quản trị, công nghệ; đổi mới tổ chức, quản lý nguồn nhân lực; cơ cấu sản phẩm, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Phải làm gì để DNNN khắc phục yếu kém? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong thời gian tới DNNN cần tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trong đó, đặc biệt là đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao năng suất lao động, khắc phục cho được những bất cập của DNNN. “DNNN phải đi tiên phong trong hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra. Năng suất lao động nhìn chung còn thấp so với thế giới cũng như các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam. Cùng với đó là những bài học về xây dựng, phát triển thương hiệu, công tác quản trị doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhận xét về DNNN, PGS.TS Nguyễn Chí Hải, Trưởng khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, trong tương lai, DNNN vẫn có vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. “Kinh tế Nhà nước trong đó có DNNN tồn tại và phát triển trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là tất yếu khách quan và cần thiết. Điều này cũng là bình thường đối với các nền kinh tế đang phát triển”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, để làm được điều này, có hai vấn đề cần đặt ra. Thứ nhất, cần hiểu đầy đủ và chính xác về vai trò của DNNN trong nền kinh tế thị trường. Thứ hai, làm thế nào để DNNN giữ vai trò nền tảng, nòng cốt, chủ đạo trong nền kinh tế.
Phải chọn người tài trong quản lý điều hành, không chọn người nhà, thân quen trong bộ máy DNNN. Chúng tôi mong muốn DNNN nói không với tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt chống tình trạng sân trước, sân sau”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
“Nhà nước cũng là một chủ thể trên thị trường. Các doanh nghiệp khác còn làm ăn được mà DNNN không làm ăn được thì vô lý, nhưng rõ ràng phải áp đặt kỷ luật thị trường với DNNN. Nếu làm ăn không được cũng đành phải chấp nhận ra đi”.
Một chuyên gia kinh tế
- Hiện, khu vực kinh tế Nhà nước ( KTNN) vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP hằng năm dao động từ 26-32%.
- Nếu năm 1991, khi nước ta chính thức phát triển nền kinh tế thị trường, khu vực KTNN chiếm 31,1% GDP (khu vực kinh tế ngoài Nhà nước: 64,7%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: 4,2%), những năm tiếp theo tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực KTNN vẫn tiếp tục tăng, đạt mức cao nhất là năm 1997: 40,5%. Đến năm 2013, đóng góp GDP của khu vực này vẫn chiếm 32,5%
- Thu ngân sách Nhà nước từ khu vực DNNN cũng chiếm một khoản không hề nhỏ trong tổng thu ngân sách Quốc gia. Đơn cử trong 3 năm từ 2010 đến 2012 lần lượt là 19,06%, 17,5%. 19,3%-
Theo đánh giá, Khu vực KTNN đang nắm giữ một khối lượng tài sản lớn, hằng năm tiếp tục được sự đầu tư của Chính phủ và nguồn vay nợ từ nước ngoài.
Tiền phong