MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung 4 ông lớn nắm đủ các yếu tố cần thiết để thâu tóm chuỗi cung ứng, ung dung kiếm bộn tiền trong thời bão giá hàng hóa toàn cầu

28-07-2021 - 19:08 PM | Tài chính quốc tế

Chân dung 4 ông lớn nắm đủ các yếu tố cần thiết để thâu tóm chuỗi cung ứng, ung dung kiếm bộn tiền trong thời bão giá hàng hóa toàn cầu

Những công ty này sở hữu mạng lưới nhà kho, đường sắt và tàu chở hàng hùng hậu cũng như đầy đủ hệ thống dữ liệu và các mối quan hệ - những thứ cần thiết để "vẽ lại" các tuyến cung ứng.

Rắc rối đang dần nảy sinh trong lòng kinh tế Mỹ. Cơn khát hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và những container vẫn thường vận chuyển chúng khiến các nhà nhập khẩu cà phê khó có thể lấy được hàng từ Brazil, trong khi trung bình mỗi người Mỹ sẽ nhấm nháp 2 cốc cà phê mỗi ngày.

"Họ đang sử dụng bất cứ thứ gì có thể", Janine Mansour, lãnh đạo của cảng New Orleans, cửa ngõ nhập khẩu cà phê lớn nhất ở Mỹ cho hay. Các biện pháp đối phó bao gồm tăng kích cỡ các thùng hàng lên hết mức có thể. Theo ông Mansour, nhập khẩu những container vẫn còn rỗng sẽ khiến chi phí tăng thêm và phần tăng thêm đó cuối cùng sẽ do người tiêu dùng gánh chịu.

Giá thực phẩm tăng vọt

Ở Mỹ không chỉ giá cà phê đang tăng lên. Tình trạng tắc nghẽn trên mạng lưới vận chuyển và sản lượng thấp tại các vùng trồng trọt kết hợp với nhu cầu tăng vọt khiến giá thực phẩm tăng lên trên diện rộng. Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) dự đoán tổng kim ngạch nhập khẩu thực phẩm của thế giới sẽ đạt gần 1.900 tỷ USD trong năm nay, tăng mạnh so với mức 1.600 tỷ USD của năm 2019.

Trong tháng 5, chỉ số giá hàng hóa mềm (soft commodities – những loại hàng hóa được trồng thay vì khai thác như cà phê, ca cao, đường, ngô, lúa mì, đậu tương, trái cây và chăn nuôi) do FAO thống kê đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2011 sau khi tăng 12 tháng liên tiếp. Một chỉ số tương tự do S&P Global xây dựng cũng tăng 40% kể từ tháng 7/2020.

Hôm 22/7, lãnh đạo của Unilever, công ty sản xuất mọi thứ hàng tiêu dùng từ những que kem Ben & Jerry đến sốt mayonnaise Hellmann, cho biết giá nguyên liệu đầu vào tăng cao đang khiến chi phí của công ty tăng mạnh nhất trong 1 thập kỷ trở lại đây.

Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo làn sóng tăng giá sẽ gây ra lạm phát trên diện rộng hơn trong khi nhiều nước trên thế giới hiện đang đứng trước nguy cơ lạm phát. Đây là tin xấu đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên thiệt hại của họ lại đem đến lợi ích cho các tập đoàn lớn chuyên thu mua, tích trữ và vận chuyển hàng hóa với tư cách đại diện cho các chính phủ hoặc các tập đoàn đa quốc gia.

Thời của những tay buôn

Đây là những công ty sở hữu mạng lưới nhà kho, đường sắt và tàu chở hàng hùng hậu cũng như đầy đủ hệ thống dữ liệu và các mối quan hệ - những thứ cần thiết để "vẽ lại" các tuyến cung ứng. Do đó họ lại sống khỏe và thậm chí ăn nên làm ra trong thời kỳ giá cả biến động mạnh. 4 công ty lớn nhất – ADM, Bunge, Cargill và Louis Dreyfus (còn được gọi là nhóm ABCDs) – gần đây đã tuyển dụng thêm 240.000 lao động và thu được hàng tỷ USD từ những mảng kinh doanh mới ít phụ thuộc hơn vào chu kỳ.

Nhóm ABCDs đã kết nối người mua và người bán trong suốt hơn 100 năm qua. Công ty non trẻ nhất là ADM được thành lập năm 1902, trong khi công ty lâu đời nhất là Bunge "già" hơn 84 tuổi. Trong suốt mấy chục năm cho đến trước đầu những năm 2010, họ phát triển bùng nổ nhờ dân số thế giới tăng nhanh, tiến trình toàn cầu hóa mạnh mẽ và sự thịnh vượng của kinh tế thế giới.

Nhưng sau đó thì tình hình trở nên khó khăn hơn. Nhiều năm liên tiếp mùa màng bội thu khiến giá hàng hóa mềm ổn định ở mức thấp và làm giảm lợi nhuận thặng dư. Điện thoại thông minh và các công nghệ khác giúp người nông dân có thể dễ dàng tiếp cận các dữ liệu theo thời gian thực về thị trường, do đó quyền lực của bên trung gian cũng suy giảm đáng kể.

Ngoài ra còn là sự nổi lên ở những công ty còn non trẻ nhưng cũng trở thành "kẻ thách thức" như Viterra (cánh tay nông nghiệp của tập đoàn hàng hóa Glencore) và COFCO International (CIL, công ty giao dịch hàng hóa của 1 ông lớn quốc doanh Trung Quốc). Trong giai đoạn 2013 - 2016, tổng doanh thu của nhóm ABCDs giảm mạnh từ 351 tỷ USD xuống còn 250 tỷ USD và đi ngang kể từ đó đến nay.

Tuy nhiên, năm ngoái tổng lợi nhuận ròng của họ lại tăng gấp đôi, lên 4,5 tỷ USD. Giới phân tích dự báo ADM và Bunge (đều là những công ty niêm yết và sẽ công bố kết quả kinh doanh quý II trong tuần này) sẽ làm tốt hơn trong năm 2021. Cả 4 công ty đều được hưởng lợi từ những thay đổi đột ngột trên cả khía cạnh cung và cầu.

Chân dung 4 ông lớn nắm đủ các yếu tố cần thiết để thâu tóm chuỗi cung ứng, ung dung kiếm bộn tiền trong thời bão giá hàng hóa toàn cầu - Ảnh 1.

Cú sốc từ cả cung và cầu

Hãy bắt đầu từ phía cầu. Đại dịch đã khiến chế độ ăn uống của nhiều người thay đổi. Khi Covid-19 bắt đầu lây lan đầu năm 2020, các lệnh phong tỏa và thu nhập bị cắt giảm khiến mọi người ngừng đi ăn hàng và bắt đầu nấu ăn tại nhà nhiều hơn. Thịt, cá và bơ sữa nhường chỗ cho rau củ và những đồ ăn đóng gói rẻ tiền hơn. Giờ đây khi các nhà hàng, canteen và quán café mở cửa trở lại đồng thời tiền lương tăng vì kinh tế hồi phục, điều ngược lại đang diễn ra.

"1 năm trước, chúng tôi đã cố gắng từ bỏ sữa nhưng giờ thì đang nuôi thêm nhiều bò nhất có thể", 1 nông dân ở Ontario nói. Trung Quốc cũng đã xây dựng lại đàn lợn khổng lồ sau khi quy mô giảm một nửa vì dịch cúm lợn năm 2018.

Điều này lại gây ra nhiều tác động lên nhu cầu lương thực và ngũ cốc, nguồn thức ăn chăn nuôi chính. CIL dự báo Trung Quốc sẽ mua 30 triệu tấn ngô trong năm nay, con số cao kỷ lục để phục vụ chăn nuôi lợn. Năm 2020 lượng ngô Trung Quốc thu mua cũng đã đạt kỷ lục 11 triệu tấn.

1 động lực khác từ phía cầu là giá dầu tăng – điều khiến những loại cây trồng được dùng để sản xuất năng lượng bằng cách đốt cháy trở thành 1 lựa chọn thay thế hấp dẫn. Tuy nhiên xu hướng này càng phát triển thì sản lượng được dùng để làm thức ăn càng giảm. Ví dụ, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo lượng dầu đậu nành được sử dụng để sản xuất năng lượng sẽ tăng 39% trong giai đoạn 2020-2022. Lượng ethanol được sản xuất từ ngô của Brazil cũng tăng hơn một nửa trong năm ngoái và được dự báo tăng 25% trong năm nay.

Về phía cung, một loạt yếu tố đang đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu. Hạn hán ở Bắc và Nam Mỹ làm giảm sản lượng. Sản lượng lúa mì vụ đông của Brazil bị giảm 20%, mà 20% đó chính là phần được dành ra để xuất khẩu. Ngoài tình trạng khan hiếm container ảnh hưởng đến các mặt hàng đặc biệt như cà phê, chuỗi cung ứng trái cây và rau củ tươi bị ảnh hưởng nặng nề bởi các chuyến bay thương mại bị đóng cửa. Giá cước vận chuyển thì đã tăng khoảng 150% kể từ đầu năm đến nay. Bên cạnh đó, giá dầu tăng làm tăng giá các loại phân bón, hóa chất và cả chi phí vận hành các máy móc nông nghiệp.

Tất cả khiến giá bán buôn tăng mạnh trên toàn cầu. Đậu tương và ngô đã tăng giá lần lượt 56% và 68% s với 1 năm trước. Giá 1 chiếc bánh kẹp phomai nướng tăng khoảng 11 cent so với năm 2019, theo USDA. Không chỉ tăng giá, những diễn biến khó lường tạo ra sự bất ổn.

Tuy nhiên mức giá cao hơn đem đến nhiều lợi thế cho nhóm ABCDs. Khối lượng giao dịch lớn hơn (vì người nông dân cố gắng bán nhiều hơn để tận dụng mức giá cao) giúp họ nhanh chóng thu hồi chi phí cố định. Và biến động giá cả mang đến cơ hội ăn chênh lệch giá cả về không gian và thời gian. 

Mặc dù đã giảm mạnh trong thời gian gần đây, cổ phiếu ADM và Bunge vẫn đang tăng 30% so với thời điểm 2019. Tin đồn Bunge bị đối thủ thâu tóm sau khi trải qua 1 đợt tái cơ cấu đầy đau thương năm 2018 đã dần lụi tắt. Trong khi tình hình Dreyfus, công ty gặp nhiều rắc rối nhất trong nhóm, đang ngày càng cải thiện và vừa được quỹ đầu tư nhà nước của Abu Dhabi rót vốn. Cargill không công bố lợi nhuận năm 2020 nhưng 3 quý đầu năm ngoái đã ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục.

Trong ngắn hạn, bức tranh vẫn khá tươi sáng. Nhu cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên. Theo 2 chuyên gia Josef Schmidhuber và Bing Qiao của FAO, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng nông sản của toàn thế giới sẽ tăng trưởng 4-5% mỗi năm trong 2 quý tới. Mặc dù đà tăng giá đã dịu xuống trong 2 tháng gần đây, hiện giá vẫn đang ở mức cao hơn đáng kể so với trước dịch.

Bối cảnh hiện nay được dự báo sẽ duy trì ít nhất là trong năm 2022. Ngoài những yếu tố đã nhắc đến ở trên, các nhà khí tượng nhận định khả năng cao từ nay đến cuối năm thế giới sẽ phải đón nhận thêm 1 đợt La Nina với những hình thái thời tiết cực đoan như hạn hán.

Chân dung 4 ông lớn nắm đủ các yếu tố cần thiết để thâu tóm chuỗi cung ứng, ung dung kiếm bộn tiền trong thời bão giá hàng hóa toàn cầu - Ảnh 2.

Đa dạng để tồn tại

Để đối mặt với những thách thức trong dài hạn, nhóm ABCDs đang đa dạng hóa. Tất cả các khoản đầu tư gần đây của ADM đều đổ vào những mảng ít mang tính chu kỳ hơn và có lợi nhuận thặng dư nhiều hơn như sản xuất nguyên liệu cho ngành fastfood, nước ngọt có ga hay vitamin bổ sung. Trong quý I/2021, mảng thành phần dinh dưỡng tạo ra 154 triệu USD lợi nhuận trên doanh thu 1,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 8% tổng lợi nhuận nhưng con số đang tăng lên rất nhanh.

Bunge đã bán đi nhiều tài sản cố định để đầu tư vào các nhà máy sản xuất thịt thực vật và dầu ăn. Hiện lợi nhuận của Cargill chủ yếu đến từ thức ăn chăn nuôi và đạm động vật. Các cơ sở sản xuất của hãng bao gồm 1 trang trại cá ở na Uy, trang trại gia cầm ở Philippines và một số nhà máy thịt "chay" ở Mỹ và Israel. Cargill đã trở thành một trong những công ty chế biến thịt lớn nhất ở Mỹ, đồng thời là nhà đầu tư lớn trong các quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào việc áp dụng khoa học vào thực phẩm. Dreyfus mới đầu tư vào Leong Hup International, một trong những nhà sản xuất trứng, gia cầm và gia súc lớn nhất ở Đông Nam Á.

Khi các công ty buôn bán trở thành những nhà sản xuất lớn, khả năng ổn định giá cả của họ sẽ tăng lên, nhưng có lẽ không nhiều. Họ vẫn không ngừng giao dịch. Theo Jos Boeren, cựu CEO của Bunge và hiện đang làm việc tại quỹ đầu tư Stafford Capital, vì dân số châu Á và châu Phi ngày càng tăng lên và giàu lên, những thương nhân sẽ được "triệu tập" để cung cấp thực phẩm từ những nước dư thừa. Chính sách tích trữ của Nga, Ấn Độ và Nga ngày càng trở nên khó đoán và thiếu minh bạch. Biến đổi khí hậu sẽ khiến cung và cầu bất cân xứng. Với bề dạy kinh nghiệm, nhóm ABCDs chắc chắn sẽ thích nghi tốt với chu kỳ mới của thị trường hàng hóa.

Tham khảo The Economist

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên