MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung CEO đứng sau công ty 'giải cứu' loạt thương hiệu phá sản từ Forever 21 đến Brooks Brothers

05-10-2020 - 16:39 PM | Doanh nghiệp

Đại dịch Covid-19 đã khiến hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ chật vật, nhưng trong số đó không có cái tên Authentic Brands Group (ABG).

Kết quả đó có được nhờ tầm nhìn xa của CEO Jamie Salter, người đã tận dụng khoảng thời gian này để mang về các thương hiệu lớn như Brooks Brothers và Lucky Brand vào danh mục vốn đã sở hữu những cái tên như Forever 21 và Barneys New York.

Dưới đây là những điều nhiều người chưa biết về vị CEO của ABG.

Doanh nhân tài ba

Theo tạp chí Forbes, công việc đầu tiên của vị CEO người gốc Canada này là bán buôn thiết bị lướt ván cho các cửa hàng thể thao vào những năm 1980.

Tuy nhiên rất nhanh sau đó, Salter đã định vị sự nghiệp của mình theo con đường mua bán doanh nghiệp “chết”. Ông đã từng mua một cơ sở kinh doanh ván trượt tuyết với giá 35.000 USD, định hình lại hướng phát triển doanh nghiệp. 4 năm sau, ông bán lại lại cơ sở này với mức giá tới 5 triệu USD.

Salter cũng là một nhà sáng lập. Theo The Seattle Times, năm 1992, Salter đã thành lập hãng sản xuất ván trượt tuyết của riêng mình, Ride Snowboards. Ông đảm nhiệm cương vị CEO của Tide Snowboards trong 4 năm, giúp công ty thực hiện thành công đợt IPO trên sàn Nasdaq, trước khi từ chức vào năm 1996.

Trong cuộc phỏng vấn với báo The Times, Peter Jacobs, một nhà phân tích của Ragen MacKenzie đã sử dụng hình ảnh một chiếc xe thể thao để giải thích về việc Salter ra đi.

“Những người sáng lập là Pogue và Salter đã tạo ra một chiếc xe thể thao tuyệt vời, nhưng cả hai đều không biết cách lái nó,” Jacobs nhận xét. “Những tay lái chuyên nghiệp được đưa vào buồng lái nhưng thật đáng tiếc ghế trước không còn chỗ trống".

ABG không phải bước đi đầu tiên của Salter

Trước ABG, Salter đã từng mua và nắm giữ một loạt thương hiệu khác nhau qua công ty Lifestyle Brands. Airwalk là một trong những vụ mua lại lớn nhất của công ty này. Salter sau đó đã bán Airwalk cho nhà bán lẻ Payless Shoesource (hiện đã phá sản) với giá 85 triệu USD.

Salter sau đó đã thành lập một công ty chuyên về mảng cấp phép khác vào năm 2006. Lần này là một công ty cổ phần tư nhân với đối tác kinh doanh Jeff Hecktman. Công ty có tên Hilco Consumer Capital này đã mua lại Polaroid, Sharper Image và Linens 'N Things. Tuy nhiên, Salter - người được The Wall Street Journal mô tả là "sức mạnh phía sau Hilco" – đã  rời công ty vào năm 2010. Nguyên nhân chính xác của việc Salter rời Hilco vẫn chưa được biết tới, nhưng có nhiều lời đồn đại cho rằng lý do có thể liên quan tới một cuộc tranh chấp về khoản bồi thường của Salter.

Salter thành lập ABG năm 2010

Theo Forbes, Salter đã đầu tư 20 triệu USD tiền túi để thành lập ABG.

Theo The New York Times, mô hình kinh doanh chính của công ty là mua các mua các biểu tượng bán lẻ lâm vào tình trạng phá sản và thực hiện các giao dịch môi giới để cấp phép tài sản trí tuệ của họ cho các công ty khác. ABG thu phí bản quyền từ 4% đến 6% cho các giao dịch như vậy.

Chiến lược này đã được chứng minh là mang lại lợi nhuận khá cao. Theo báo cáo của Forbes, doanh thu của ABG trong năm 2018 là 400 triệu USD - và đó là trước khi mua lại Lucky Brand và Brooks Brothers.

Công ty của Salter hiện đang nắm trong tay rất nhiều cái tên lớn trong lĩnh vực bán lẻ. Những cái tên như Aéropostale, Forever 21, Nautica, Juicy Couture, Brooks Brothers Inc., Lucky Brand Dungarees LLC và Barneys New York hiện đều thuộc sở hữu của ABG.

Chân dung CEO đứng sau công ty giải cứu loạt thương hiệu phá sản từ Forever 21 đến Brooks Brothers - Ảnh 1.

Một cửa hàng Forever 21 tại New York. Ảnh: BI


Trong một lần trả lời phỏng vấn của tờ The New York Times, Salter cho biết, khi tìm kiếm các thương hiệu mới để thêm vào danh mục đầu tư của mình, lịch sử thương hiệu lâu đời và khả năng cắt giảm chi phí là 2 trong số những cân nhắc hàng đầu ông lưu ý. “Nó có những thứ gì tốt đáng để chúng ta giữ lại không, bởi thế giới luôn lặp lại chính nó,” Salter cho hay. “Càng là những công ty có lịch sử lâu đời càng tốt."

Ngoài ra, Authentic Brands còn chia sẻ quyền kiểm soát một số tài sản của mình với nhà điều hành trung tâm thương mại Simon Property Group, cho phép người thuê địa điểm bán lẻ trả tiền thuê dựa trên doanh số bán hàng hiện tại của mình.

ABG nắm quyền cấp phép cho việc kinh doanh hình ảnh, thương hiệu một số ngôi sao quá cố

ABG cũng nắm quyền sở hữu độc quyền với hình ảnh, thương hiệu gắn với các ngôi sao quá cố là Marilyn Monroe, Elvis Presley, Muhammad Ali và Michael Jackson. Theo Forbes, di sản của họ đã mang về cho ABG tới 509 triệu USD trong năm 2017. ABG đã ký các hợp đồng trị giá hàng triệu USD với Chanel No. 5 và Coca-Cola cho riêng Marilyn Monroe.

“Không có nhiều cách để khai thác những di sản này của những người nổi tiếng như vậy,” Salter chia sẻ với Forbes hồi năm 2018. “Họ thành danh từ âm nhạc hoặc sống dựa vào một phần tài sản có sẵn. Họ không tự xây dựng cho mình một thương hiệu mang tính lâu dài. Tôi nghĩ không phải họ không muốn, mà chỉ là do không biết phải làm như thế nào".

Bên cạnh những ngôi sao đã qua đời, ABG hiện còn đang đại diện cho một số người nổi tiếng còn sống như Shaquille O'Neal. Sự hợp tác này đã giúp O'Neal đạt được nhiều thỏa thuận chứng thực, trong đó có cả thương hiệu công ty vệ sĩ cá nhân Ring. O'Neal cũng là một nhà đầu tư của ABG.

Trong khi đại dịch Covid-19 đang khiến hàng loạt nhà bán lẻ lâm vào tình trạng phá sản, Salter lại đang đưa ABG vững vàng tiến lên. Thậm chí theo vị CEO này, đại dịch đã giúp ABG dễ dàng thu mua các thương hiệu lớn hơn. Giữa tháng 8 vừa qua, công ty này đã mua lại cả Brooks Brothers và Lucky Brand.

“Khi tình hình chung của các nhà bán lẻ trở nên tồi tệ hơn, các giao dịch sẽ ngày càng lớn hơn và giá trị hơn,” Salter khẳng định.

Sự thành công của ABG khiến Salter trở nên giàu có

Salter và gia đình ông nắm giữ 20% cổ phần của ABG, tuy nhiên giá trị tài sản ròng chính xác của họ vẫn chưa được công bố. Bốn người con trai của Salter đều làm việc cho công ty, The New York Times đưa tin. Người con cả, Corey, hiện là COO của ABG.

Salter vẫn có những tham vọng lớn cho tương lai

Tháng 8 vừa qua, CNBC đưa tin ABG dự định sẽ chi thêm khoảng 1 tỷ USD cho các thương vụ mua lại khác. Điều này cho thấy làn sóng thu mua của Salter có thể vẫn chưa kết thúc.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, ước mơ của Jamie Salter là có một cửa hàng bách hóa ABG,” Salter nói với The New York Times. "Và như David Simon nói, có thể một ngày nào đó bạn sẽ có trung tâm mua sắm của riêng mình."

Theo Đỗ Hiền,IB

NDH

Trở lên trên