[Chân dung doanh nghiệp] 10 năm sau mối duyên hụt với Indochina Capital, Vinamit đang ra sao?
Nông sản chế biến sấy khô vẫn là mảng chủ lực mang lại doanh thu, lợi nhuận và là cứu cánh cho Vinamit “phải chấp nhận bán lỗ” để nuôi tham vọng doanh số 1.000 tỷ đồng ở mảng thực phẩm hữu cơ. ROE của Vinamit đang ở mức 10% - 12%.
"Mật ngọt chết ruồi"
CTCP Vinamit tiền thân là Công ty TNHH Đức Thành với tên giao dịch nước ngoài là Delta Food, sau này là CTCP Delta Food.
Vinamit khởi nghiệp từ Nhà máy sản xuất tại Nhà Bè với công nghệ thiết bị được nhập khẩu từ Đài Loan năm 1988 trong lĩnh vực chế biến trái cây. Năm 1991, Vinamit nhanh chóng được đón nhận tại thị trường Đài Loan và mở rộng thị trường xuất khẩu ngay từ những năm đầu thập niên 90s.
Năm 1995, sản phẩm trái cây sấy bao gồm mít sấy, khoai môn sấy, thơm sấy của Vinamit có mặt tại các nước trong khu vực ASEAN, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Cũng trong năm này, Vinamit mở văn phòng tại Los Angeles, Mỹ.
Từ năm 1997, Vinamit chính thức xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc, đây cũng là một trong những thị trường lớn nhất của Vinamit hiện nay.
Chỉ sau 10 năm khởi nghiệp, năm 2007, Vinamit được cho là nắm giữ 90% thị phần về hàng nông sản và trái cây sấy tại Việt Nam; giai đoạn 2004 – 2007 kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân đạt mức 35%/năm, chiếm tỷ trọng 60% tổng sản phẩm sản xuất, doanh thu tăng trưởng hơn 50%, Vinamit tự chủ được 50% nguyên liệu đầu vào. Sản phẩm của Vinamit có mặt ở các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Châu Âu.
Ở thời điểm đỉnh cao, sản xuất không đủ xuất khẩu, Vinamit công bố “kết duyên” với Indochina Capital. Theo đó, vào cuối tháng 5/2007, Vinamit đã ký thỏa thuận chuyển nhượng 20% cổ phần cho Quỹ đầu tư Indochina Capital Vietnam Holdings (ICVH), một thành viên của Công ty quản lý quỹ Indochina Capital.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, vào quý I/2008, Indochina và Vinamit đã đi đến quyết định sẽ không thực hiện thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần đã ký trước đó.
Giới thạo tin cho biết, Indochina Capital đã thể hiện rõ ý chí muốn sở hữu Vinamit hơn là muốn cùng Vinamit đi một chặng đường dài. Trái ngược về quan điểm trong đầu tư, do không đạt được thỏa thuận về lợi ích của mỗi bên nên cả hai đã quyết định chia tay.
Một trong những điều kiện được Vinamit xem là bị ép mà vẫn phải chấp thuận trước đó là sau 2 năm nắm giữ cổ phiếu, ICVH có quyền bán cổ phiếu Vinamit ra ngoài bất cứ lúc nào mà không cần phải báo với Vinamit. Trong khi nếu cổ đông lớn của Vinamit bán ra ngoài cần phải báo trước cho ICVH.
Tháng 9/2009, ICVH quyết định giải tán quỹ. Quỹ ICVH giải tán được ví như là “cái chết của con thiên nga” do những yếu kém trong quản lý và sự thiếu thống nhất của đội ngũ lãnh đạo quỹ dẫn đến kết quả kinh doanh kém. Dù vậy, cùng với sự ra đi của ICVH, Vinamit cũng chìm nổi không ít phen.
10 năm sau mối duyên hụt, Vinamit đang muốn mang cả vườn trái cây vào gian bếp
Chiếm lĩnh thị trường nội địa; sản xuất không đủ xuất khẩu, tại thị trường chính Vinamit nằm trong Top 10 doanh nghiệp ASEAN tại thị trường Trung Quốc; sở hữu 3 nhà máy đông lạnh tại Đồng Nai và Đắk Lắk, 3 nhà máy sản xuất tại Bình Dương, Kiên Giang và Đắk Lắk; và 1 nhà kho tại Hải Dương, tưởng như kinh doanh lỗ không bao giờ có ở Vinamit. Nhưng sau mối duyên hụt với ICVH, Vinamit lúc chìm lúc nổi và lặng yên trên thị trường từ năm 2015.
Năm 2010, Vinamit được cho đã “bay mất” gần 150 tỷ đồng vì không khống chế được sự phát triển của vi khuẩn bởi Vinamit đã không dùng chất bảo quản trong chế biến. Và như ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Vinamit chia sẻ: “Khi không dùng chất bảo quản là chuyện to rồi. Chỉ cần sơ suất thôi thì toàn bộ hàng hóa bị hư hết”. Vinamit bị lỗ. Tuy nhiên, khoản lỗ lũy kế giảm nhanh chóng giảm nhờ kết quả kinh doanh cải thiện trong những năm tiếp theo sau đó.
Mới đây, trở lại với truyền thông sau 3 năm lặng sóng, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Vinamit chia sẻ, từ năm 2015, người đứng đầu Viamit đã nhốt mình trong nhà để nghiên cứu tìm ra công thức và giải pháp canh tác nông nghiệp hữu cơ mà khởi nguồn của nó là bức xúc của người dân về cảnh báo thực phẩm bẩn và tâm huyết muốn thay đổi của vị này.
Đặt chân vào mảng thực phẩm hữu cơ với tiêu chí “mang cả vườn trái cây vào trong gian bếp để sử dụng một cách dễ dàng nhất”, dùng công nghệ để mang sản phẩm sạch đến cho người dùng, Vinamit “phải chấp nhận bán lỗ” để nuôi tham vọng doanh số 1.000 tỷ đồng cho mảng thực phẩm hữu cơ.
Hiện, Vinamit đang ghi dấu với thị trường bằng các sản phẩm nước trái cây sấy khô; cà phê sấy khô; sữa chua sấy khô như Đậu phộng sữa chua sấy, Xoài sữa chua sấy, Hạt điều sữa chua sấy, hay nước mía sấy khô vì chất lượng sản phẩm và chưa có doanh nghiệp nào sản xuất.
Các sản phẩm mới như cà phê sấy, sữa chua sấy, nước hoa quả sấy, rau quả củ sấy đang được Vinamit sấy bằng công nghệ sấy thăng hoa, công nghệ sấy ưu việt nhất hiện nay với mỗi thiết bị sấy được nhập về với giá khoảng 500.000 USD/thiết bị.
Tài liệu mà BizLIVE có được, trong 2 năm 2015 – 2016 Vinamit ghi nhận doanh thu lần lượt 236,5 tỷ đồng và 337 tỷ đồng; lợi nhuận thuần đạt lần lượt 40,5 tỷ đồng và 30,6 tỷ đồng. Và như ông Nguyễn Lâm Viên cho biết, đầu tư cho nông nghiệp phải tính 10 năm, không phải 3-5 năm. Giới phân tích dự báo khi Vinamit chạm ngưỡng doanh thu 1.000 tỷ đồng ở mảng thực phẩm hữu cơ đó cũng là lúc Vinamit bắt đầu “hốt bạc” vì chi phí đầu tư thiết bị đã được khấu hao gần hết.
Đến tháng 8/2018, Vinamit có vốn điều lệ 370 tỷ đồng, với 3 cổ đông sáng lập nắm giữ gần hết cổ phần của công ty gồm: Ông Nguyễn Lâm Viên, bà Nguyễn Thị Điệp và bà Nguyễn Thị Ngọc Hân.
Kết thúc một mối duyên với “người khổng lồ” trên thị trường tài chính những năm đầu còn sơ khai, Vinamit sau 10 năm đạt ROE trên 10 - 12%, ROA trên 5% là điều không phải doanh nghiệp chế biến nông sản Việt Nam nào cũng có thể làm được. Nông sản chế biến sấy khô vẫn là mảng chủ lực mang lại doanh thu, lợi nhuận và là cứu cánh cho Vinamit “phải chấp nhận bán lỗ” để nuôi tham vọng doanh số 1.000 tỷ đồng ở mảng thực phẩm hữu cơ.
BizLive