MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Chân dung doanh nghiệp] “Vị thế” của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam bị thay đổi như thế nào?

17-09-2018 - 08:37 AM | Doanh nghiệp

Nếu chương trình công nghệ giáo dục bị xóa bỏ, sản phẩm sách tham khảo sẽ có thêm khoảng 800.000 khách hàng tiềm năng qua đó miếng bánh sách tham khảo sẽ phình to, ngon hơn và lợi ích của các tổ chức trong miếng bánh này sẽ thay đổi; lợi ích của NXB sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Nhiều năm kinh doanh trên thế độc quyền

Được thành lập từ năm 1957, trải qua hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB) là một hệ thống hùng mạnh trong ngành xuất bản. Từ năm 2010, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam được chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB), công ty 100% vốn nhà nước, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện, NXB có 8 đơn vị trực thuộc gồm 4 nhà xuất bản tại 4 thành phố lớn ở các khu vực trên cả nước Nhà Xuất bản Giáo dục tại Hà Nội, Nhà Xuất bản Giáo dục tại TP. Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Giáo dục tại TP. Đà Nẵng, Nhà Xuất bản Giáo dục tại TP. Cần Thơ; và Tạp chí Toán học và Tuổi trẻ, Tạp chí Toán tuổi thơ, Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, Viện nghiên cứu Sách và Học liệu Giáo dục.

[Chân dung doanh nghiệp] “Vị thế” của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam bị thay đổi như thế nào?  - Ảnh 1.
Nguồn: Báo cáo tài chính kiểm toán 2017

NXB là đơn vị tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in và tổng phát hành các loại sách giáo khoa (SGK), giáo trình đại học, cao đẳng, dạy nghề, sách tham khảo (STK), sách bổ trợ (SBT) băng hình, băng tiếng, đĩa CD, sách điện tử, tranh ảnh, bản đồ, thiết bị, đồ dùng dạy học, tập vở học sinh….; Tổ chức sản xuất, kinh doanh thiết bị dạy học….

Cho đến thời điểm hiện tại, NXB luôn giữ vững vị thế chi phối tuyệt đối ngành xuất bản cả nước với hơn 80% thị phần phát hành sách. Mỗi năm, NXB phát hành trung bình khoảng 100 triệu bản sách giáo khoa.

[Chân dung doanh nghiệp] “Vị thế” của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam bị thay đổi như thế nào?  - Ảnh 2.
Nguồn: Tổng hợp số liệu các báo cáo

Hoạt động sản xuất kinh doanh của NXB trong các năm qua dựa trên thế độc quyền, và sản phẩm sách bao gồm SGK, SBT, STK… và các khoản thu từ quản lý xuất bản tạo thu nhập chính, đóng góp khoảng 70% vào tổng doanh thu và lợi nhuận.

Mặc dù, biên lợi nhuận của sách giáo khoa và sách theo chương trình công nghệ giáo dục bị khống chế ở mức thấp, nhưng nhờ thế độc quyền nên đây vẫn là "nguồn sữa" chính của NXB. Ngoài mảng sách giáo khoa, sản xuất và cung ứng thiết bị giáo dục vẫn là mảng yếu của NXB. Ở một số đơn vị trong hệ thống của NXB, sản phẩm kinh doanh phụ thuộc vào nguồn hàng khai thác ngoài đến 70%.

NXB đánh giá, hoạt động sản xuất kinh doanh của NXB trong các năm qua dựa trên thế độc quyền, chưa thực sự đối đầu với môi trường cạnh tranh sòng phẳng nên thiếu năng động, thiếu kinh nghiệm, chưa phát huy được tiềm năng, chi phí phát sinh lớn, quy trình sản xuất không tối ưu.

[Chân dung doanh nghiệp] “Vị thế” của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam bị thay đổi như thế nào?  - Ảnh 3.
Nguồn: Số liệu báo cáo năm 2016. Báo cáo kiểm toán năm 2017 bị "cắt" trang thuyết minh về doanh thu

Vị thế và lợi ích sẽ bị tác động mạnh trong tương lai

Mùa thu năm 2018, tranh cãi về sách Tiếng Việt lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông và chương trình công nghệ giáo dục được đẩy lên cao, hé lộ phần nào lợi ích của các bên trong ngành xuất bản phục vụ học sinh từ lớp 1 đến lóp 12 sẽ bị phân phối lại nếu Việt Nam chỉ còn một chương trình học hay xa hơn là một chương trình có nhiều bộ SGK được triển khai. Vị thế và lợi ích của NXB hẳn sẽ bị tác động mạnh bởi bất kỳ quyết định nào liên quan chỉ còn một chương trình học hay một chương trình có nhiều bộ sách.

Năm 2015, Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Quyết định 404/QĐ – TTg ngày 27/03/2015 của Thủ tướng Chính phủ chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa.

[Chân dung doanh nghiệp] “Vị thế” của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam bị thay đổi như thế nào?  - Ảnh 4.

Trong báo cáo của mình gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo về xây dựng kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2017 – 2022, NXB đánh giá, chủ trương xóa độc quyền trong xuất bản SGK sẽ mở ra cơ hội cho nhiều nhà xuất bản tham gia cạnh tranh, các cơ sở giáo dục, học sinh, giáo viên có điều kiện để lựa chọn những bộ sách, cuốn SGK với chất lượng, giá cả phù hợp. Chủ trương nói trên là một thách thức lớn của NXB, chưa kể đến nạn sách in lậu trên thị trường.

Thêm vào đó, chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK được triển khai, NXB sẽ không còn giữ thế độc quyền trong xuất bản SGK, thực sự bước vào môi trường cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, giá bán, chính sách bán hàng SGK với các đơn vị xuất bản khác, đặc biệt là những đơn vị có tiềm lực tài chính, năng động và phương thức kinh doanh, quản trị hiện đại.

Sự cạnh tranh trong lĩnh vực xuất bản ấn phẩm giáo dục ngày càng gia tăng, nhiều nhà xuất bản cùng khai thác sản phẩm STK cho nhà trường vốn là thế mạnh của NXB trong điều kiện thị trường tương đối bão hòa, có tình trạng loạn STK.

Cuối cùng, các sản phẩm sách điện tử và đào tạo trực tuyến đang phát triển nhanh chóng là nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đối với sản phẩm sách giấy truyền thống.

Giới chuyên môn đánh giá, mặc dù đang là nhà xuất bản SGK độc quyền, nhưng ở mảng sách tham khảo dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, NXB chiếm thị phần bé. Vì vậy, chỉ riêng chương trình công nghệ giáo dục bị xóa bỏ, sản phẩm sách tham khảo sẽ có thêm khoảng 800.000 khách hàng tiềm năng qua đó miếng bánh sách tham khảo sẽ phình to, ngon hơn trong bối cảnh “loạn STK” và lợi ích của các tổ chức trong miếng bánh này sẽ thay đổi, vị thế của NXB sẽ bị ảnh hưởng đáng kể; xa hơn khi thế độc quyền trong xuất bản SGK không còn, vị thế sẽ thay đổi và lợi ích của các nhà xuất bản sẽ bị phân phối lại.

Theo Hồng Quân

BizLive

Trở lên trên