MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung Moon Jae In - Từ người con của Triều Tiên đến Tổng thống vừa đắc cử của Hàn Quốc

10-05-2017 - 07:47 AM | Tài chính quốc tế

Là con lớn trong gia đình tị nạn từ Triều Tiên, Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Moon Jae-in được kỳ vọng sẽ tạo ra luồng gió mới cho mối quan hệ Seoul – Bình Nhưỡng, vốn đang căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Dòng máu Triều Tiên

Ông Moon Jae-in sinh ngày 24/1/1953 tại Geoje, Hàn Quốc. Ông là con lớn trong gia đình 5 người con. Cha ông, ông Moon Yong-hyung, là người tị nạn tới từ tỉnh South Hamgyeong, hiện thuộc lãnh thổ Triều Tiên. Sau khi tới sống tại Geoje, ông Moon Yong-hyung làm lao động chân tay để mưu sinh.

Sau một thời gian ở Geoje, gia đình ông Moon chuyển tới Busan và Moon Jae-in theo học tại trường Trung học Kyungnam trước khi theo ngành luật tại Đại học Kyunghee. Thời trai trẻ, Moon Jae-in từng bị bắt vì tham gia phong trào chống chính quyền.

Sau đó Moon tham gia vào quân ngũ trước khi ra quân và thi đỗ vào Học viện Đào tạo và Nghiên cứu Tư pháp. Sau khi tốt nghiệp, ông không thể trở thành thẩm phán hay công tố viên vì lịch sử chống chính quyền trong quá khứ. Chính vì vậy, Moon quyết định trở thành luật sư trước khi dấn thân vào chính trường Hàn Quốc.

Luồng gió mới cho mối quan hệ Hàn – Triều

Moon Jae-in không phải cái tên xa lạ trên chính trường Hàn Quốc. Năm 2012, ông Moon đã chạy đua vào Nhà Xanh nhưng bị bà Park Guen-hye đánh bại. Cơ hội trở lại với ông sau khi bà Park bị phế truất vì loạt bê bối liên quan tới người bạn thân Choi Soon-sil và các tập đoàn tài phiệt khổng lồ của Hàn Quốc.

Mang trong mình dòng máu Triều Tiên, chiến thắng của ông Moon được kỳ vọng tạo ra luồng gió mới trong mối quan hệ Hàn – Triều đồng thời biến cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trở nên có cơ sở hơn bao giờ hết.

Khi tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang nóng như chảo lửa, ông Moon lên tiếng chỉ trích đường lối cứng rắn mà bà Park và người tiền nhiệm Lee Myung-bak đã theo đuổi. Lấy dẫn chứng cho tuyên bố của mình, ông Moon nhấn mạnh một thập kỷ của các biện pháp bảo thủ cứng rắn không thể ngăn Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân mà ngược lại, dường như Triều Tiên đang chuẩn bị thử hạt nhân lần thứ 6.

Ông Moon cũng ủng hộ việc tái mở cửa Khu công nghiệp chung Kaesong, biểu tượng của sự hợp tác giữa hai miền bán đảo Triều Tiên. Khu công nghiệp này bị đóng cửa năm 2016 vì những căng thẳng xung quanh chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Ngoài ra, ông Moon cũng chỉ trích Seoul khi vội vàng chấp thuận cho Mỹ triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD ở Hàn Quốc. Trong quá trình tranh cử, ông Moon cho rằng đây là bước đi phi dân chủ và tuyên bố sẽ xem xét lại nó nếu đắc cử Tổng thống Hàn Quốc.

Dường như, ông Moon cũng là người được Triều Tiên ưa thích. Truyền thông nhà nước Triều Tiên gần đây kêu gọi cử tri Hàn Quốc “trừng phạt đám con rối bảo thủ” gắn với bà Park.

Chính sách đối nội

Khi đất nước Hàn Quốc đang rúng động bởi bê bối của Tổng thống bị phế truất Park Guen-hye, lãnh đạo phong trào cánh tả 64 tuổi cũng tự cho mình là người duy nhất có thể đoàn tụ Hàn Quốc sau những chia rẽ cay đắng.

Ông Moon cam kết sẽ cải tổ các tập đoàn tài phiệt gia đình của Hàn Quốc, hay còn được biết tới với cái tên Chaebol, có liên quan tới bê bối rúng động của bà Park hay các chính trị gia khác. Ông Moon còn cam kết tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ có thể bước chân vào hội đồng quản trị của các tập đoàn lớn, từ đó xóa bỏ kiểu “gia đình trị” trong các tập đoàn kinh tế lớn của đất nước.

Ông Moon cũng cam kết giải quyết những vấn đề cấp bách như bất bình đẳng gia tăng và tình trạng thất nghiệp của thanh niên cùng với đó là gia tăng phúc lợi xã hội như tăng lương hưu hay nâng cao chế độ thai sản. Ngoài ra, ông Moon cũng bày tỏ quan điểm với người đồng tính và chuyển giới – không ủng hộ nhưng cũng không kỳ thị.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên