Nhiều doanh nhân thế hệ F1 của Hòa Phát, TCB, TPBank đã sở hữu vài nghìn tỷ đồng ở độ tuổi 20-30
Ở độ tuổi 24, ông Trần Vũ Minh đã chi khoảng 700 tỷ đồng để "bắt đáy" cổ phiếu HPG và hiện cổ phiếu này đã tăng gấp 3.
Phần lớn các chủ doanh nghiệp tư nhân giàu có nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay đang ở trong độ tuổi 50-60, độ tuổi này chưa thể gọi là cao nhưng với truyền thống văn hóa Á Đông nói chung, không ít người đã bắt đầu san sẻ một phần công việc kinh doanh sang cho thế hệ con cái.
Không ít doanh nhân thế hệ F1 đã ghi dấu được những thành tích nhất định trên thương trường như 2 người con Đặng Hồng Anh – Đặng Huỳnh Ức My của ông Đặng Văn Thành hay ông Trần Hùng Huy, con trai của nguyên chủ tịch ACB Trần Mộng Hùng.
Bên cạnh công việc kinh doanh, nhiều doanh nhân thế hệ F1 cũng dần được giao phó quản lý khối tài sản (cổ phần) có giá trị lớn. Nếu như vài năm trước, có khá ít doanh nhân F1 trẻ tuổi sở hữu lượng cổ phiếu trị giá vài trăm tỷ đồng thì nay đã có nhiều người sở hữu khối tài sản lên đến vài nghìn tỷ đồng dù tuổi U30.
Nhân vật giàu có nhất trong thế hệ F1 hiện thuộc về ông Hồ Anh Minh - con trai chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh – với gần 4% cổ phần của Techcombank, trị giá hơn 4.000 tỷ đồng.
Ba người khác nắm giữ khối tài sản trên 2.000 tỷ đồng gồm có ông Bùi Cao Nhật Quân, bà Đặng Huỳnh Ức My và ông Trần Hùng Huy. Năm nay 42 tuổi nhưng chủ tịch ACB Trần Hùng Huy đã có hơn 8 năm đảm nhiệm trí đứng đầu của ngân hàng này.
Do sở hữu cổ phần của mỗi cá nhân tại ngân hàng bị giới hạn ở mức dưới 5% nên thông thường các chủ tịch ngân hàng thường chia cổ phần cho người thân nắm giữ.
Ông Đặng Quang Tuấn – con trai chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ - cũng đang nắm giữ xấp xỉ 5% cổ phần, trị giá 1.800 tỷ đồng và hay ông Đỗ Vinh Quang – con trai chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển – nắm giữ 2,5% cổ phần, trị giá 750 tỷ đồng. Các con của 2 doanh nhân Đỗ Minh Phú và Đỗ Anh Tú cũng đang sở hữu lượng cổ phiếu TPB trị giá nhiều nghìn tỷ đồng.
Ở độ tuổi 24, ông Trần Vũ Minh - con trai chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long – hiện sở hữu lượng cổ phiếu trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng nhờ nhanh nhạy "bắt đáy" khi cổ phiếu HPG bị bán tháo hồi tháng 3/2020. Hiện cổ phiếu Hòa Phát đã tăng gấp 3 so với thời điểm ông Minh mua vào.
Cổ phiếu HPG tăng gấp 3 lần so với đáy hồi tháng 3