MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung Vương Kỳ Sơn - Người "đả hổ" đứng sau mọi cuộc cải cách kinh tế gần đây của Trung Quốc

28-07-2017 - 09:22 AM | Tài chính quốc tế

Trong 40 năm qua, Vương Kỳ Sơn, người đàn ông 69 tuổi dẫn đầu chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình đã tự tạo cho mình bản CV xuất sắc nhất trong lịch sử chính trường Trung Quốc hiện đại.

Từ khi nổi lên là 1 nhà cải cách trẻ tuổi có nhiều ảnh hưởng trong thời kỳ đầu những năm 1980 đến khi là người chủ chốt xây dựng mối quan hệ thương mại và kinh tế với Mỹ trong suốt khủng hoảng tài chính toàn cầu, ông Vương đóng vai trò quan trọng trong mọi cuộc cải cách kinh tế và tài chính lớn gần đây của Trung Quốc.

Kể từ cuối năm 2012, ông Vương “sắm” một vai mới: là cánh tay phải giúp Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi”. Dưới sự lãnh đạo của ông, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) đã càn quét nhiều bộ ngành, nhiều tập đoàn nhà nước hay thậm chí xử lý cả một số tướng lĩnh quân đội. Cơ quan này đã xử lý tổng cộng hơn 150 quan chức (trong đó có người lên tới chức Thứ trưởng) vì tội tham nhũng.

Mùa thu này, ở Trung Quốc sẽ diễn ra sự kiện chính trị quan trọng là Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tại đó nhân sự bộ máy lãnh đạo của Trung Quốc sẽ có nhiều xáo trộn. Những tiền lệ gần đây cho thấy ông Vương sẽ lùi khỏi chính trường do đã quá tuổi nghỉ hưu (không chính thức), nhưng nhiều người đang dự đoán ông sẽ được trao cho vị trí lớn hơn trong bộ máy hoạch định chính sách kinh tế, giúp thúc đẩy những cải cách đang chững lại. Đây là điều khá hợp lý bởi ông Vương nổi tiếng về sự nghiêm khắc và sẽ có đủ khả năng chống lại lợi ích nhóm – thứ đang cản bước quá trình cải cách.

Những vụ “đả hổ” đình đám khiến nhiều người có ấn tượng mạnh về vai trò chính trị của Vương Kỳ Sơn, nhưng kể từ đầu năm đến nay, đội ngũ thanh tra của ông đã dành hết sự tập trung vào lĩnh vực tài chính, tạo nên sự ảnh hưởng khá lớn lên chính sách kinh tế vĩ mô đồng thời giúp Trung Quốc phòng ngừa những rủi ro tài chính, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ trên thị trường.

Tốt nghiệp ngành sử học, công việc đầu đời của ông Vương là làm việc trong 1 viện bảo tàng ở tỉnh Shaanxi. Ông là người nổi tiếng thông minh sắc sảo, học rộng biết nhiều. Những người tiếp xúc với ông trong cả những cuộc trò chuyện chung và riêng tư đều nhận xét Vương Kỳ Sơn có thể nói về đủ mọi thứ, từ nghiên cứu của Alexis de Tocqueville về cuộc Cách mạng Pháp đến những học thuyết mới nhất của ngành thiên văn học.

Khoảng giữa những năm 1990, ông Vương bắt đầu nổi lên là 1 nhà kỹ trị thế hệ mới khi tham gia vào công tác xây dựng ngân hàng đầu tư cao cấp đầu tiên của Trung Quốc. China International Capital Corp là liên doanh giữa Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Morgan Stanley. Năm 2004, ngân hàng Mỹ thoái vốn hoàn toàn.

Năm 1999, ông giám sát vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc sau khi tập đoàn đầu tư quốc doanh Guangdong International Trust and Investment Corp (Gitic) vỡ nợ 5 tỷ USD. 10 năm đầu của thế kỷ 21, ông tham gia sâu vào quá trình cải cách hệ thống ngân hàng quốc doanh.

Khi virus Sars bùng nổ ở Bắc Kinh năm 2003, ông Vương đang là thị trưởng. Ông đã giải quyết êm đẹp cuộc khủng hoảng y tế công cộng và sau đó chuẩn bị tốt cho thế vận hội Olympic hè 2008.

Nếu Vương Kỳ Sơn ít xuất hiện trước công chúng trong một thời gian, đó thường được coi là dấu hiệu có ai đó sẽ bị bắt. Mới đây nhất là vụ bí thư Trùng Khánh Sun Zhengcai, người đang là ủy viên trẻ nhất trong Bộ Chính trị Trung Quốc và được xem như ứng viên hàng đầu để vào ban thường vụ, bị điều tra.

Trong khi đó công cuộc dọn sạch ngành tài chính của ông Vương vẫn chưa kết thúc. Kể từ đầu năm đến nay đã có nhiều lãnh đạo của các tập đoàn tài chính và ông trùm tư nhân bị bắt giữ, điển hình như Xiao Jianhua, một trong những người giàu nhất Trung Quốc với tài sản ước đạt 5,9 tỷ USD. Xiao bị nghi ngờ đã sử dụng các ngân hàng và công ty niêm yết dưới quyền để đẩy giá nhiều cổ phiếu.

Theo 1 quan chức giấu tên, mục tiêu lớn hơn của các cuộc điều tra là ngăn chặn tình trạng “sử dụng hệ thống tài chính làm đòn bẩy tăng trưởng kinh tế mà không tạo ra những giá trị thực”, với hi vọng những rắc rối khác (như bong bóng đầu cơ tài sản) sẽ biến mất.

Nhóm những người ủng hộ ông Vương mạnh mẽ nhất là các nhà cải cách kinh tế của Trung Quốc, những lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài và các nhà ngoại giao nước ngoài. Họ tin tưởng rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rất cần 1 người ủng hộ cải cách mạnh mẽ giống như cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ (1998 – 2003).

Trong cuốn hồi kỳ “Dealing with China” xuất bản năm 2015, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng từng là CEO của Goldman Sachs – Hank Paulson – nhớ lại câu mà ông Vương đã nói với ông khi hai người gặp nhau tại 1 cuộc họp ngay ở thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu dâng trào: “Ngài là thầy giáo của tôi nhưng nếu nhìn vào hệ thống của các ngài, tôi e rằng Trung Quốc không còn học hỏi được điều gì nữa”.

Vương Kỳ Sơn tin vào mô hình mà kinh tế độc nhất vô nhị mà Trung Quốc đang theo đuổi và cũng tin rằng phương thức quản lý gần như đồng nhất quyền lực giữa đảng và Chính phủ là phù hợp nhất với tình hình Trung Quốc và sẽ đem lại hiệu quả cao nhất.

Thu Hương

Financial Times

Trở lên trên