Chán ghét gia đình, ông trùm ngành gỗ lập di chúc "oái oăm" khiến con cháu 100 năm sau mới được thừa kế: Người thụ hưởng còn không biết tiền từ đâu ra!
Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn chờ tận 21 năm để nhận thừa kế, chứ đừng nói đến là gần 1 thế kỷ. Tuy nhiên, đó chính xác là những gì ông trùm ngành gỗ Wellington R. Burt yêu cầu ở gia đình mình.
- 20-09-2022Ông Hoàng Nam Tiến khuyên người trẻ hãy cố kiếm thật nhiều, Shark Hưng: "Đừng chăm chăm nghĩ đến tiền”
- 20-09-2022Bí mật bán hàng của bà chủ người Do Thái
- 20-09-2022Danh tính ông chủ đứng sau mẫu đồ chơi xa xỉ làm mưa làm gió toàn cầu, không phải nhiều tiền là có thể sở hữu: Nghe xong mức giá ai cũng choáng!
Trong lòng mỗi người, gia đình luôn là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, dù yêu gia đình đến đâu thì chúng ta cũng có lúc khó chịu với các thành viên trong gia đình: một ông chú gia trưởng, một bà cô soi mói, một đứa em lười biếng.
Wellington R. Burt cũng không phải ngoại lệ. Vị tỷ phú này là ông trùm khai thác gỗ và khoáng sản nổi tiếng nhất nhì thế kỷ 19, nắm trong tay khối tài sản ai cũng khát khao. Thế nhưng, ông chẳng mấy hạnh phúc khi nhắc đến gia đình.
Những người thân xung quanh Wellington R. Burt chỉ chực chờ ông chết để được thừa kế khối tài sản kếch xù. Quá ghét gia đình mình, doanh nhân này đã tạo một bản di chúc oái oăm và phức tạp bậc nhất trong lịch sử ngành tư pháp Mỹ.
Wellington R. Burt sinh ngày 26/8/1831 tại Pike, New York (Mỹ), trong một gia đình nông dân nghèo. Dù là người con thứ 9 trong số 13 anh chị em, nhưng ông lại là con trai đầu lòng.
Năm Wellington lên 7, cả gia đình chuyển đến Jackson County, Michigan. Họ mua một mảnh đất lớn ở đó để canh tác. Michigan mới trở thành bang không lâu nên giá đất vẫn còn khá rẻ, các gia đình như nhà Burt được khuyến khích đến đây phát triển.
Vài năm sau, cha của Wellington qua đời nên ông buộc phải làm trụ cột gia đình. Việc gánh vác trách nhiệm nặng nề ở tuổi 12 đã biến ông trở thành con người vô cùng kỷ luật và lạnh lùng cho đến tận cuối đời.
Wellington R. Burt (Ảnh: CNW)
Năm 20 tuổi, Wellington theo học một trường đại học trong vòng 2 năm. Sau đó, vì cảm thấy mình đã đủ lông đủ cánh, ông quyết định rời nông trại gia đình một thời gian. Wellington xin làm thủy thủ trên các tàu chở hàng đến Úc, New Zealand và Nam Mỹ, tận hưởng những khoảnh khắc khám phá của tuổi trẻ.
Wellington trở về quê nhà vào năm 1857, khi mới 26 tuổi. Vào thời điểm đó, ngành kinh doanh gỗ ở Michigan đang trên đà bùng nổ, tạo tiền đề cho “cơn sốt vàng xanh” sau này.
Chàng trai trẻ được nhận vào làm tại một xưởng gỗ địa phương, với mức lương 13 USD/tháng (tương đương với 350 USD ngày nay). Chỉ trong vài tuần, ông đã leo lên vị trí quản đốc toàn phân xưởng, với thu nhập tăng gấp đôi.
Vốn xuất thân nghèo khó nên Wellington hiểu rất rõ giá trị của đồng tiền. Ông sống hết sức khiêm tốn, chắt chiu từng đồng lẻ. Chẳng mấy chốc mà Wellington tiết kiệm đủ tiền để mua 320 mẫu đất - nơi mà ngày nay chính là Hạt Gratiot, Michigan.
Nhờ công việc kinh doanh gỗ thuận lợi, Wellington ngày càng ăn nên làm ra. Trong vòng 10 năm tiếp theo, ông liên tục thu mua đất, đặc biệt là vùng Hạt Saginaw, Michigan.
Năm 1867, vị doanh nhân này thành lập một cộng đồng khai thác gỗ dọc sông Saginaw, lấy tên là Melbourne - dựa theo tên thành phố mà ông yêu thích thời còn làm thủy thủ. Chỉ sau vài năm, nơi này đã trở thành một trong những xưởng gỗ lớn nhất trên thế giới.
Không may thay, Melbourne bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn lớn vào năm 1876. Nếu không nhờ bản tính tiết kiệm, Wellington đã sớm rơi vào cảnh phá sản sau vụ này.
Cơn sốt gỗ một thời ở Michigan, Mỹ (Ảnh: Michigan Legacy Art Park)
Trong lúc chờ xây dựng lại xưởng gỗ ở Michigan, Wellington bắt đầu để ý những mảnh đất mình đã mua ở Minnesota, Alabama, Mississippi và Louisiana. May mắn mỉm cười với ông này khi vùng đất Minnesota không chỉ có gỗ mà còn cả những mỏ sắt với trữ lượng lớn.
Nhờ khám phá này, Wellington - từ một doanh nhân thành công - chính thức gia nhập hàng ngũ triệu phú.
Không ngủ quên trên chiến thắng, Wellington dùng lợi nhuận từ việc kinh doanh gỗ và sắt để đầu tư vào lĩnh vực đường sắt và ngân hàng. Ở thời kỳ đỉnh cao, ông là chủ sở hữu duy nhất của toàn bộ các tuyến đường sắt ra vào Michigan. Thậm chí, vị doanh nhân này còn mua cả những tuyến đường sắt ở Trung Quốc và Nga - điều chưa ai dám làm vào thời điểm đó.
Nhờ nhạy bén trong kinh doanh, ở tuổi xế chiều, ông đã tích lũy được khối tài sản ước tính khoảng 40-90 triệu USD (tương đương 500 triệu - 1,2 tỷ USD ngày nay). Wellington là 1 trong 10 người giàu nhất nước Mỹ vào thời của mình.
Xuyên suốt sự nghiệp, Wellington đã kết hôn 2 lần, có 7 người con và 2 người cháu. Như bao người khác, ông dự định để lại phần lớn tài sản cho gia đình và một số tổ chức chính phú ở Michigan.
Tuy nhiên, kế hoạch đã thay đổi.
Đầu tiên, vị doanh nhân này xảy ra tranh cãi với một chuyên gia thẩm định tài sản địa phương.
Năm 1915 - thời điểm mà Wellington đã 82 tuổi, ông cho xây một hàng rào lớn xung quanh dinh thự của mình ở trung tâm Saginaw. Điều này đã khiến văn phòng thẩm định địa phương chú ý và cử người xuống đánh giá lại thuế tài sản của ông.
Số tiền thuế phải đóng chỉ có 400.000 USD, nhưng họ muốn Wellington phải trả tới 1 triệu USD.
(Ảnh: Getty Images)
Dĩ nhiên, vị triệu phú vô cùng bức xúc. Ông giận dữ nói với Hội đồng Thành phố Saginaw: “Các ngài đang giết con gà đẻ trứng vàng đấy”.
Dù vậy, các thẩm định viên vẫn không chịu thay đổi quyết định. Ngay lập tức, Wellington tìm đến luật sư, loại bỏ tất cả các tổ chức chính phủ ra khỏi di chúc của mình.
Chưa kể, chuyện trong nhà cũng khiến Wellington phải đau đầu. Không hiểu vì lý do gì mà vị doanh nhân này lại ghét bỏ con cháu trong những năm cuối đời.
Chán nản sau thời gian dài phải đối mặt với sự nghèo túng, nỗi thất vọng, những cuộc hôn nhân thất bại, những mối thâm thù và bất đồng,... ông quyết định để lại bản di chúc dài 42 trang cực kỳ chi tiết, với hàng loạt điều kiện oái ăm.
Ngân hàng Quốc gia Thứ hai (Ảnh: Wikipedia)
Theo đó, toàn bộ tài sản của Wellington sẽ được cất giữ trong một tài khoản đơn giản ở Ngân hàng Quốc gia Thứ hai, với mức lãi suất tối thiểu. Tuy nhiên, kỳ cục ở chỗ: số tiền này sẽ không được rút ra và phân bổ cho đến khi toàn bộ con và cháu của ông qua đời.
Cụ thể, Wellington yêu cầu rằng khối tài sản sẽ được cất giữ thêm 21 năm sau khi người cháu trẻ nhất của ông qua đời. Di chúc được vị triệu phú viết hoàn toàn bằng tay, ký và công chứng vào tháng 8/1917.
Dù vậy, Wellington vẫn chưa đến mức tuyệt tình tuyệt nghĩa. Ông đã dành ra vài khoản tiền nhỏ cho con cháu thừa hưởng hàng năm.
Chẳng hạn, vài người con được Wellington tặng quà trị giá 1.000-5.000 USD/năm. Đứa con trai mà ông yêu thích nhất còn nhận niên kim trị giá 30.000 USD/năm (tương đương 400.000 USD ngày nay). Một người con gái của ông lại bị cắt hoàn toàn khỏi di chúc.
Ngoài ra, ông trùm ngành gỗ còn để lại 4.000 USD/năm (tương đương 54.000 USD ngày nay) cho thư ký của mình. Đầu bếp, tài xế và quản gia của ông cũng nhận được mỗi người 1.000 USD/năm (tương đương 13.000 USD).
Không một thành viên nào của nhà Burt có thể lường trước điều này. Thậm chí, họ còn hoài nghi về tính pháp lý của nó. Bởi lẽ, kiểu di chúc này được coi là “ủy thác bỏ qua thế hệ” - một hình thức chuyển giao tài sản bị coi là bất hợp pháp tại một số bang ở Mỹ.
Minnesota là một trong những bang không thừa nhận di chúc của Wellington. Đây cũng là nơi làm ra phần lớn số tiền mà vị triệu phú sở hữu. Vì vậy, chỉ 1 năm sau khi Wellington qua đời, gia đình ông đã đấu tranh thành công và giành lại 720.000 USD tiền mặt và khối tài sản trị giá 5 triệu USD liên quan đến các mỏ tại Minnesota.
Tuy nhiên, con số trên chẳng thấm tháp bao nhiêu so với khối tài sản được cất giữ tại Ngân hàng Quốc gia Thứ hai ở Saginaw.
(Ảnh: Alamy)
Người cháu trẻ nhất của Wellington là Marion Lansill. Bà sinh năm 1905, và mới chỉ 14 tuổi vào thời điểm mà vị triệu phú qua đời - năm 1919.
Trong trường hợp Marion qua đời vào năm 1920, các thành viên nhà Burt - đa số vẫn còn sống lúc đó - sẽ thừa hưởng khối tài sản khổng lồ sau 21 năm, tức là năm 1941.
Trớ trêu thay, Marion Lansill lại sống rất thọ. Bà qua đời vào năm 1989, hưởng thọ 84 tuổi. Cái chết của bà đã khởi động chiếc đồng hồ đếm ngược 21 năm mà Wellington đặt ra trước đấy.
Mãi tới năm 2010, khối tài sản của ông trùm ngành gỗ mới chính thức có người thừa kế. Các hậu duệ còn sống của Wellington đã mất tới 7 tháng làm việc với luật sư để phân bổ hợp lý số tiền này.
Các khối bất động sản, nay có trị giá đến 110 triệu USD, được chia đều cho 12 người: 3 người chắt (đời thứ ba), 7 người chút (đời thứ tư) và 2 người chít (đời thứ năm).
Hầu hết những người thụ hưởng đều chưa từng nghe về Wellington R. Burt. Trung bình họ nhận được 2,9 triệu USD/người, trong đó những người già nhất có thể nhận đến 14,5 triệu USD. Người thụ hưởng già nhất lúc đó đã 94 tuổi, trong khi người thụ hưởng trẻ nhất là 19 tuổi.
Trước khi di chúc có hiệu lực, hơn 30 hậu duệ trực tiếp - phần lớn là con cháu của Wellington - đã qua đời mà không nhận được một xu nào từ quỹ ủy thác của vị triệu phú. Khoảng 40 thùng tài liệu liên quan tới di chúc đã được các luật sư và nhân viên ngân hàng lưu trữ trong suốt gần 1 thế kỷ.
(Theo CNW)
Nhịp sống thị trường