Chặn ‘khối u nợ xấu’ phát tán
Tỉ lệ nợ xấu thực chất vẫn còn cao khiến ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro lớn, khó giảm lãi suất. Như vậy thiệt thòi cuối cùng là người gửi tiền và người vay tiền.
- 22-12-2017Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank giảm mạnh từ 6,68% xuống còn 4,4%
- 21-12-2017Chưa có phép màu, 'chợ' mua bán nợ xấu vẫn đìu hiu
- 20-12-2017Chuyên gia bàn cách không tăng nợ xấu
-
8 tháng qua điều hành chính sách tiền tệ đang đi đúng hướng. Tôi đánh giá cao điều hành chính tiền tệ của NHNN.
-
Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng nhanh, giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng cao, dẫn đến chi phí kinh doanh tăng theo, nhu cầu vay vốn của DN tăng mạnh là tất yếu.
“Việc xử lý nợ xấu đã mua của tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thị trường mua bán nợ chưa phát triển tại Việt Nam và do những rào cản về pháp lý khi xử lý tài sản bảo đảm” - TS Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng ban Kiểm soát Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cho biết như trên.
Chỉ mới “nhốt” được nợ xấu
TS Nguyễn Mạnh Hùng cho hay giai đoạn 2012-2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được hơn 611.000 tỉ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, mức độ xử lý nợ xấu vẫn chưa được như kỳ vọng, tỉ lệ nợ xấu thực chất vẫn còn cao khiến ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro lớn, khó giảm lãi suất . Như vậy thiệt thòi cuối cùng là người gửi tiền và người vay tiền. Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp khó tiếp nhận vốn để mở rộng sản xuất.
Về việc xử lý nợ xấu đã mua của các ngân hàng tại VAMC, ông Hùng cho hay cũng đang gặp nhiều vướng mắc, việc bán và phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ đạt hiệu quả thấp. Thực tế cho thấy hàng loạt tài sản bảo đảm là cao ốc, bất động sản… thu hồi xong nhưng bán không được. Mặt khác có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tổ chức tín dụng có nhu cầu bán nợ, trong khi bên mua nợ lại quá ít. Vì vậy, hiện tại VAMC được xem như là chỗ… nhốt nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
“Hơn nữa, khi chúng tôi tiến hành phát mại tài sản thế chấp có quá nhiều vướng mắc pháp lý và thực tế không dễ vượt qua được. Ví dụ thông thường để giải quyết một khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại từ khi khởi kiện ra tòa đến khi xử phạt mất trung bình 18-24 tháng, có những vụ 10 năm vẫn chưa xử xong. Khi xử xong rồi thì phía cơ quan thi hành án cũng kéo dài thời gian thêm 1-2 năm. Đó là chưa kể tâm lý của người mua cũng không yên tâm khi mua tài sản phát mại. Họ sợ khi mua tài sản này rồi không thể nào sử dụng được ngay theo ý muốn vì có sự chống đối hoặc ngăn cản từ chủ cũ, hoặc do thủ tục xác nhận quyền sở hữu đầy đủ kéo dài rất lâu” - ông Hùng nêu thực tế.
Cao ốc Sài Gòn One Tower, quận 1, TP.HCM là một trong những dự án bị VAMC siết nợ năm 2017. Ảnh: HTD
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế tài chính, nhận xét hiện nay việc thực thi Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội đang vấp phải hàng loạt vướng mắc vì khung pháp lý về mua bán nợ vẫn chưa hoàn chỉnh; cơ sở để định giá các khoản nợ chưa được xác định thống nhất; các hướng dẫn chi tiết để thực thi các phương thức mua bán nợ xấu theo nghị quyết vẫn chưa được ban hành.
566.000 tỉ đồng là tổng số nợ tiềm ẩn có thể thành nợ xấu, nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được của toàn hệ thống tính đến cuối tháng 9-2017. Con số này giảm so với mức 600.000 tỉ đồng tại thời điểm cuối năm 2016. Tỉ lệ nợ xấu hiện là 8,61%, giảm so với mức 10,08% tại thời điểm cuối năm trước.
“Thêm nữa, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng để điều chỉnh hoạt động mua bán nợ. Song những quy định rải rác trước đây tại các văn bản khác đối với từng chủ thể chưa thống nhất, chưa đồng bộ. Do đó, vấn đề về quyền lợi của nhà đầu tư sau giao dịch mua bán nợ vẫn chưa thể xử lý nhanh chóng và rõ ràng” - ông Lực nói.
Không chỉ vậy, theo TS Lực, hiện nay một số nhà đầu tư nước ngoài và trong nước muốn tham gia mua bán nợ tại VAMC cũng như tại một số tổ chức tín dụng. Đáng tiếc sự kém phát triển của các trung gian tài chính đã khiến các nhà đầu tư này khó khăn trong việc tiếp cận thị trường này.
Đừng để nợ xấu làm nghẽn mạch nền kinh tế
TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng khi bàn về nợ nên nhìn hai khía cạnh tích cực và tiêu cực. Ở khía cạnh tích cực, có thể nhìn nợ như là một “ân nhân”. Bởi doanh nghiệp muốn phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh thì phải vay nợ. Người dân nếu không vay nợ thì khó có thể đầu tư mua sắm nhà cửa, xe cộ, nâng cao chất lượng cuộc sống. Riêng đối với ngân hàng, nợ là khoản đem lại nguồn thu chính cho ngân hàng, dư nợ tăng thì lương nhân viên ngân hàng tăng.
Qua đó cho thấy việc tăng trưởng tín dụng là rất cần thiết cho sự tăng trưởng của kinh tế, mà cho vay thì tất nhiên sẽ phát sinh nợ xấu. Đây là vấn đề bình thường. Đừng vì nợ xấu mà lại sợ cho vay nợ.
Tuy nhiên, ông Ngân cảnh báo “cái gì ở mức vừa phải cũng tốt hơn là quá”. Khi để nợ xấu tăng quá cao, vượt tầm kiểm soát thì cần phải giải quyết nhanh để nó không gây tắc nghẽn và trở thành “ung nhọt” của nền kinh tế. “Chúng ta tăng trưởng dư nợ nhưng phải đảm bảo chất lượng, có sự kiểm soát chặt để nợ xấu không tăng quá cao. Thực tế hiện nay nợ xấu Việt Nam tương đối cao, do đó cần phải có giải pháp xử lý để khơi thông nguồn vốn” - TS Ngân nhấn mạnh.
Tán đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất Việt Nam cần phải phát triển thị trường mua bán nợ và đây sẽ là bước tiến mới trong quá trình phát triển của thị trường tài chính Việt Nam. TS Cấn Văn Lực cho biết kinh nghiệm xử lý nợ xấu thành công tại nhiều nước có đặc điểm tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… cho thấy các nước này khá thành công trong việc phát triển thị trường mua bán nợ với sự tham gia rộng rãi của các nhà đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó rất cần phải có khuôn khổ pháp lý đồng bộ và nhất quán để hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu được đảm bảo thông suốt.
“Ví dụ Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về xử lý nợ xấu hiện đang vướng Luật đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản… liên quan đến việc thu giữ tài sản, liên quan đến quyền sử dụng đất. Cho nên sắp tới cần phải kiến nghị sửa đổi. Thị trường cũng cần phát triển các nhà môi giới mua bán nợ chuyên nghiệp để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ, công ty bảo hiểm, tổ chức tài chính phi ngân hàng và các tổ chức, cá nhân khác” - TS Lực gợi ý.
Phải có kịch bản với khách hàng nhạy cảm
Trưởng ban kiểm soát VAMC Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng từng tổ chức tín dụng cũng phải có kịch bản xử lý nợ xấu đối với khách hàng thuộc nhóm “nhạy cảm”. Nhóm khách hàng nhạy cảm bao gồm cả khách hàng là sân sau của các ông chủ, lãnh đạo ngân hàng; các chủ sở hữu chéo ngân hàng, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
“Với nhóm khách hàng này, nếu để ung nhọt nợ xấu phát tán, nguy cơ dẫn đến đổ bể là rất lớn. Đây là vấn đề hết sức phức tạp, phải đặc biệt lưu tâm” - ông Hùng nhấn mạnh.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh