Chặn lỗ ảo của doanh nghiệp FDI
Hành lang pháp lý về chống chuyển giá chưa hoàn thiện dẫn đến bị lợi dụng, gây thất thu ngân sách, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, nhập siêu trầm trọng…
- 23-07-2018World Bank "bắt bệnh" về ưu đãi của Việt Nam cho doanh nghiệp FDI
- 22-07-2018Kỳ vọng vào mối “lương duyên” FDI và doanh nghiệp nội
- 18-07-2018Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới: Có ngăn được chuyển giá?
Trong bối cảnh ngân sách bị thâm hụt, câu chuyện chuyển giá được nhắc lại nhiều hơn khi hàng loạt dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ ảo. Chẳng hạn, số liệu của Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính cho thấy giai đoạn 2012-2016, số lượng DN FDI báo lỗ hằng năm tăng từ 44%-51%.
Lỗ nặng vẫn mở rộng đầu tư
Đặc biệt, Bộ Tài chính chỉ ra tốc độ tăng quy mô đầu tư và hoạt động của các DN báo lỗ và DN lỗ lũy kế cao hơn tốc độ tăng về số lượng DN báo lỗ và DN lỗ lũy kế. Điều này cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực FDI ngày càng phức tạp.
Metro Cash & Carry khi còn ở Việt Nam đã bị phanh phui việc một loạt hành vi trốn thuế, chuyển giá tổng cộng 507 tỉ đồng Ảnh: TẤN THẠNH
Bên cạnh việc chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài của nhóm DN FDI như nêu trên, còn có cả hiện tượng chuyển ngược lợi nhuận từ nước ngoài vào Việt Nam để được hưởng ưu đãi lớn về thuế thu nhập DN. Hay chuyển giá giữa các DN FDI có quan hệ liên kết và được hưởng các mức ưu đãi thuế thu nhập DN khác nhau. Ví dụ, một số dự án được hưởng ưu đãi rất lớn về thuế thu nhập DN như dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh và tại Thái Nguyên có hiệu quả hoạt động rất cao, thể hiện qua tỉ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2015 lần lượt là 30,1% và 61,4%; năm 2016 là 26% và 49%. Trong khi các dự án sản xuất phụ trợ đi cùng có hiệu quả kinh tế thấp.
TS Đặng Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Kiểm toán nhà nước, chỉ ra các DN FDI kê khai lỗ đều có dấu hiệu chuyển giá thông qua các giao dịch liên kết, thể hiện dưới nhiều hình thức như: công ty mẹ ở nước ngoài bán nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc cho công ty con với giá cao hơn thị trường làm tăng chi phí, tăng khấu hao tại công ty con hay công ty con ở Việt Nam thực hiện gia công hoặc bán hàng hóa, dịch vụ cho công ty mẹ với giá thấp hơn thị trường, hạch toán vào chi phí tại Việt Nam một số khoản mục về quảng cáo, tiếp thị, nghiên cứu, mở rộng thị trường, chi phí lãi vay... mà thực chất các khoản chi phí này phải do công ty mẹ tại nước ngoài trang trải.
"Mục đích của các giao dịch nêu trên là nhằm tối thiểu hóa việc phát sinh thu nhập chịu thuế tại Việt Nam. Hậu quả gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, làm suy giảm hiệu lực quản lý nhà nước trong việc thực hiện các chủ trương kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhập siêu của quốc gia..." - TS Đặng Văn Hải phân tích.
Khai khống quy mô vốn
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giám đốc chương trình đào tạo Đại học Fulbright Việt Nam, chỉ ra khi đăng ký đầu tư, DN FDI thường kê khai số vốn rất lớn để làm dự án thật hoành tráng. Tuy nhiên, không phải toàn bộ số vốn đó đều được họ mang tiền mặt vào mà phần lớn dùng để nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ cho sản xuất. Chỉ một phần rất nhỏ vốn được dùng để mua nguyên vật liệu trong nước và trả lương cho người lao động.
"Đây cũng là lý do vì sao vốn FDI thu hút tỉ lệ thuận với thâm hụt thương mại. Điều đáng nói ở đây là giá trị máy móc, thiết bị, công nghệ thường bị kê khai khống lên khiến cho việc xác định quy mô vốn đầu tư đăng ký thường không đúng. Khi giá trị tài sản, thiết bị được kê khai cao thì việc trích khấu hao tài sản cũng sẽ lớn, tạo "lá chắn thuế", tức làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp của DN" - TS Tuấn nêu.
Ông Tuấn còn cho biết đây mới chỉ là một trong nhiều chiêu thức của DN FDI. Ngoài ra, còn có hình thức tăng vay nợ và chi phí trả lãi, mua nguyên vật liệu đầu vào với giá cao, mua bản quyền công nghệ, phát minh sáng chế dù đã có sẵn công thức sản xuất và trả các chi phí cao khác...
"Đấu tranh chống chuyển giá đã phức tạp, đấu tranh với những DN lớn càng khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Khi đối diện với các cuộc thanh tra, họ có thể thuê các chuyên gia thuế với chi phí đắt đỏ để tranh luận với các nhân viên thuế địa phương và thường thì họ giành phần thắng. Ở Việt Nam, tình huống Coca-Cola, Pepsi, Adidas, Metro... đã cho thấy điều đó" - ông Tuấn nói thêm.
TS Đặng Văn Hải nhận định hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam chưa hoàn thiện. Ở cấp độ luật, mới chỉ có một điều khoản của Luật Quản lý thuế quy định một nội dung có liên quan có thể được vận dụng làm cơ sở để đấu tranh chống chuyển giá. Ngoài ra, các quy định về định giá chuyển giao chỉ mới dừng ở cấp thông tư và gần đây là nghị định nên hiệu lực pháp lý chưa cao, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.
"Hiện nay, cũng chưa có quy định rõ ràng về các khoản chi ngân sách phục vụ chống chuyển giá, điều tra chuyển giá; chưa có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan; chưa có cơ quan chuyên trách chống chuyển giá ở cấp trung ương nhằm chỉ đạo thực hiện thông suốt và trực tiếp xử lý các vấn đề về thông tin ở tầm quốc tế; chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu thông tin đầy đủ về người nộp thuế nói chung và phục vụ cho hoạt động chống chuyển giá nói riêng..." - ông Hải chỉ ra thêm.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng trong quá trình thanh tra chuyển giá, cán bộ thanh tra không chỉ phải đấu tranh với DN mà còn phải đấu tranh với đội ngũ tư vấn, luật sư dày dặn kinh nghiệm cùng khối lượng công văn, báo cáo rất lớn... Chính vì vậy, về lâu dài, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần nghiên cứu thành lập Cục Thanh tra thuế hoạt động độc lập; có bộ phận tình báo thuế để nắm thông tin tại các quốc gia và nội tại DN... Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu, đặc biệt là với ngành có rủi ro cao về chuyển giá, tránh thuế như, may mặc, da giày, sản xuất đồ uống, linh kiện điện tử...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nghiên cứu, tham khảo phản ánh của báo chí về chuyển giá của DN FDI, chính sách thuế, để có biện pháp phù hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Rào cản vô hình
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh do các tập đoàn đa quốc gia hoạt động ở Việt Nam giành được sự quan tâm và ưu ái rất nhiều của Chính phủ, các bộ - ngành và địa phương nên việc thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các DN này ít nhiều cũng bị trở ngại bởi các rào cản vô hình đó. Chỉ khi có những bằng chứng khá rõ ràng, có cơ sở và vấn đề đủ nghiêm trọng thì cơ quan thuế mới có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra, song tất cả đều phải lên kế hoạch cẩn trọng, cụ thể và phải báo trước.
"Trên phương diện thuế khóa, không phải tập đoàn nào cũng có động cơ tuân thủ tốt mọi nghĩa vụ thuế với nhà nước. Sự quan tâm của Chính phủ hay chính quyền địa phương đối với các tập đoàn lớn là cần thiết nhưng sự ưu ái và dễ dãi quá mức đôi khi cũng khiến cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các tập này cũng gặp ít nhiều khó khăn và thách thức vô hình" - ông Tuấn chỉ ra thực trạng.