MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chăn nuôi gia cầm ở Tiền Giang “tiến thoái lưỡng nan”

23-04-2023 - 17:05 PM | Thị trường

Tiền Giang là địa phương dẫn đầu khu vực ĐBSCL về đàn gia cầm. Trong bối cảnh giá thức ăn tăng vọt, đầu ra sản phẩm chậm, giá thành cao làm cho người chăn nuôi gia cầm ở địa phương này gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng như nhiều hộ chăn nuôi gia cầm trong vùng, ông Nguyễn Văn Trợ, chủ trại gà hơn 20 nghìn con gà thịt và gà đẻ trứng ở xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, đang trong tình trạng “ tiến thoái lưỡng nan”. Gần một năm qua, đàn gia cầm của ông càng nuôi càng lỗ. Cả gà thịt và trứng gà đều giảm giá sâu, trong khi giá thức ăn chăn nuôi luôn ở mức cao.

Ông Trợ bày tỏ: "Giá nay rất thấp, người nuôi gà lỗ chứ không có lãi nữa do giá thức ăn tăng quá cao. Trứng gà thì giảm nhiều, giảm từ 700-800 đồng/trứng. Thức ăn thì giữ giá hoài không thấy giảm, bây giờ tôi phải gánh thôi chứ đâu có cách nào khác đâu”.

Chăn nuôi gia cầm ở Tiền Giang “tiến thoái lưỡng nan” - Ảnh 1.

Chăn nuôi gà cầm ở tỉnh Tiền Giang đang gặp khó khăn do chi phí tăng cao

Ở thời điểm này, giá gà thịt dao động từ 52-77.000 đồng/kg tùy loại, gà ác giá 70.000 đồng/con. Trứng gà dưới 2.200 đồng/quả, riêng giá trứng gà ác chỉ ở mức 1.300 đồng/quả, bằng nửa giá so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá thức ăn cho gà hiện ở mức trên dưới 290.000 đồng/bao, tăng gần 30% so cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ giá gà sụt giảm mà thị trường tiêu thụ còn ùn ứ, thương lái chỉ mua cầm chừng khiến cho nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng.

Xã Mỹ Tịnh An là một trong những địa phương có tổng đàn gia cầm lớn nhất tỉnh Tiền Giang, khoảng 900.000 con. Hiện nay, người chăn nuôi loay hoay trước áp lực giá thức ăn tăng cao; tiếp tục nuôi thì nguy cơ thua lỗ kéo dài trong khi đó chuồng trại đã đầu tư rất tốn kém.

Chăn nuôi gia cầm ở Tiền Giang “tiến thoái lưỡng nan” - Ảnh 2.

Gà ác thịt và trứng đang giảm giá mạnh

Ông Huỳnh Văn Xinh, người có thâm niên nuôi gà ở đây cho biết: "Gà thu nhập không cao lỗ nhiều, theo tôi nuôi phải theo thị trường vì cơ sở, hạ tầng đã đầu tư cho chuồng trại của mình rất lớn mà bỏ thì hư hỏng. Còn nuôi thì khả năng lổ nhiều hơn lời. Tôi cũng phải nuôi tiếp nhưng liều lượng phải hạn chế lại, giảm bớt, rước đây nuôi 2.600 con nhưng tháng 6 này bắt nuôi mới khoảng 2.000 con”.

Không chỉ với gà mà các hộ nuôi chim cút hay chim bồ câu ở Tiền Giang cũng lâm vào tình cảnh lao đao do áp lực giá thức ăn chăn nuôi.

Bà Lê Kim Châu, chủ trang trại chim cút Nguyễn Hồ, tại xã Long An, huyện Châu Thành là hộ chuyên nuôi chim cút xuất khẩu sang Nhật đầu tiên ở địa phương, có quy mô nuôi đến 300.000 con cút đẻ trứng, mỗi ngày cung ứng cho thị trường 200.000 quả trứng. So với trước đây, hiệu quả nuôi con chim cút đã giảm do chi phí tăng cao. Đầu ra sản phẩm chậm, giá trứng cút và cả cút thịt cũng không theo kịp giá thức ăn đang cao. Mô hình liên kết như trang trại Nguyễn Hồ thì còn cầm cự, các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ phải chịu thua lỗ. Đó là chưa kể tới dịch bệnh, tỉ lệ hao hụt.....

Bà Châu tâm tư: "Bây giờ nuôi chim cút lỗ quá, càng nuôi càng lỗ. Cút thịt bây giờ rất rẻ, giá cám thì đắt quá. Nuôi được bầy cút nó đẻ hoàn thiện rồi mà thua lỗ hoài. Bây giờ mong giá cám giảm xuống thì người chăn nuôi còn đỡ khổ chứ không có cách nào khác”.

Chăn nuôi gia cầm ở Tiền Giang “tiến thoái lưỡng nan” - Ảnh 3.

Nông dân Tiền Giang đang lo ngại về đàn gia cầm rớt giá kèo dài.

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có gần 17 triệu con gia cầm; trong đó đàn gà ác có hơn 3,5 triệu con, chiếm gần 20 % tổng đàn gia cầm của tỉnh. Mô hình chăn nuôi gia cầm tập trung nhiều ở huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Châu thành và phố Mỹ Tho.

Trước khó khăn của mô hình chăn nuôi gia cầm, các ngành chức năng, các cơ quan hữu quan ở địa phương đang nỗ lực phối hợp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi. Trong đó, chú trọng việc hướng dẫn, tạo điều kiện cho người chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, kiểm soát tốt dịch bệnh; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường sản phẩm chăn nuôi an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Chính quyền và ngành chức năng tuyên truyền, khuyến cáo doanh nghiệp, hộ nuôi thực mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, đầu tư xây dựng chuồng trại hiện đại, tự động hóa từ các khâu, vừa tiết giảm được công lao động, lại kiểm soát tốt dịch bệnh, giảm giá thành, tăng năng suất. Tuy nhiên về giá cả đầu ra vẫn do thị trường quyết định.

Chăn nuôi gia cầm ở Tiền Giang “tiến thoái lưỡng nan” - Ảnh 4.

Trứng chim Cút vẫn gặp khó về đầu ra, chi phí tăng cao, lợi nhuận thấp.

Tiến sỹ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Tiền Giang chia sẻ: "Về chăn nuôi còn nhiều vấn đề nan giải mà cái khó nhất trong chăn nuôi là thị trường tiêu thụ. Tỉnh luôn tạo cho doanh nghiệp tiếp cận với những cái cơ chế, chính sách của tỉnh làm sao phát triển mạnh đàn vật nuôi. Tôi chỉ khuyên người dân ráng cố gắng liên kết chuỗi sản xuất để ổn định giá cả. Có liên kết mới thành công, phải chăn nuôi đúng quy trình thì mới cho ra sản phẩm đồng đều mới đưa ra thị trường được".

Chăn nuôi gia cầm đóng tỉ trọng rất lớn trong cơ cấu ngành sản xuất nông nghiệp ở địa phương, góp phần cung cấp nguồn thực phẩm có giá trị cho đời sống dân sinh. Những khó khăn kéo dài đã và đang đè nặng trên vai người chăn nuôi rất cần được các ngành, các cấp quan tâm, hỗ trợ tìm hướng đi.

Theo Chu Trinh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên