MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chán tiền tỉ đô, Zimbabwe phát hành "phiên bản USD"

28-11-2016 - 22:51 PM | Tài chính quốc tế

Zimbabwe hôm 28-11 phát hành tiền trái phiếu có tổng trị giá 10 triệu USD nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tiền mặt nghiêm trọng.

Hồi tháng 5, Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe (RBZ) lần đầu tiên công bố kế hoạch giải quyết tình trạng thiếu tiền mặt diễn ra trong nước. Đến ngày 26-11, RBZ tiết lộ chính phủ nước này sẽ phát hành một loại tiền tệ mới – tiền trái phiếu – có mệnh giá quy đổi tương đương đồng USD của Mỹ (1 đổi 1). Số tiền trái phiếu phát hành lần này có giá trị tương đương 10 triệu USD.

“Tiền trái phiếu sẽ được phát hành vào thị trường thông qua các kênh ngân hàng bình thường với mệnh giá nhỏ: 2 và 5 USD để tài trợ ưu đãi xuất khẩu 5%” – RBZ cho biết. Tiền mới chính thức phát hành hôm 28-11.

Nhà chức trách hy vọng động thái trên sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tiền mặt sau khi Zimbabwe sử dụng nhiều đồng ngoại tệ - trong đó có đồng USD, rand Nam Phi, euro, bảng Anh - thay cho đồng nội tệ vốn lạm phát phi mã từ năm 2009.

Một người đàn ông Zimbabwe với số tiền trái phiếu rút được hôm 28-11 ở thủ đô Harare. Ảnh: REUTERS

Một người đàn ông Zimbabwe với số tiền trái phiếu rút được hôm 28-11 ở thủ đô Harare. Ảnh: REUTERS

Tennison Tigere, một người bán hàng rong 36 tuổi, nói với Reuters ngay lúc vừa rút được 50 USD tiền trái phiếu tại ngân hàng ở thủ đô Harare: “Tôi chỉ muốn mua một thứ gì đó từ siêu thị. Mọi người đang hoài nghi đồng tiền mới vì trong quá khứ, đồng tiền cũ của chúng tôi bị mất giá trị. Họ nghĩ điều đó có thể xảy ra một lần nữa”.

50 USD cũng là số tiền trái phiếu tối đa mà người dân Zimbabwe được rút mỗi ngày, giảm từ 300 USD trước đó.

Trong những tháng gần đây, những người như anh Tigere phải chờ đợi bên ngoài các ngân hàng để rút tiền mặt do kinh tế suy thoái. Reuters cho biết tiền trái phiếu cũng châm ngòi cho một cuộc biểu tình lớn nhất trong vòng một thập kỷ trở lại đây chống lại Tổng thống Robert Mugabe. Nguyên nhân là hồi năm 2009, đồng Zimbabwe bị khai tử do siêu lạm phát khiến người dân chưa hết tức giận.

Theo P. Nghĩa

Người Lao Động

Trở lên trên