Chẳng bao giờ đặt chân đến phòng gym, người Nhật vẫn sống thọ và có tỷ lệ béo phì thấp nhất thế giới: Tất cả là nhờ thói quen miễn phí nhưng hiệu quả cao này!
Thói quen này chính là một giải pháp khác cho những người không hứng thú với văn hóa fitness.
- 31-10-2020Đắp lá bắp cải vào bộ phận này trước khi đi ngủ: Chuyên gia Đông y công nhận không liều thuốc giảm đau nào bằng!
- 30-10-2020Nên đi bộ vào thời điểm nào trong ngày để có hiệu quả sức khỏe tốt nhất?
- 25-10-2020Bé gái 6 tuổi bị bệnh không thể đi bộ quá 5 phút nhưng lại làm nên điều không tưởng ở giải chạy marathon và được coi là "nữ thần chiến binh thực thụ"
Thuật ngữ fitness dùng để chỉ việc tập luyện thể dục, thể thao giúp con người hoàn thiện cơ thể, giúp họ sống khỏe và tốt hơn.
Tại Mỹ, văn hóa fitness rất phổ biến. Hình ảnh và quảng cáo về fitness xuất hiện khắp mọi nơi.
Phong cách ăn mặc “athleisure” (quần áo thể thao đơn giản) trở nên thời thượng. Hầu hết mọi người đều là thành viên của các phòng gym như Anytime Fitness, 24 Hour Fitness. Trong khuôn viên trường đại học hay khách sạn đều có phòng gym, đôi khi còn có cả dịch vụ cho thuê đồ tập.
Những influencer thành công nhất trên mạng cũng liên tục nhắc đến fitness. Chẳng có gì lạ khi ai đó chia sẻ thói quen tập thể dục của mình lên mạng xã hội nhiều như ảnh đồ ăn.
Nhật Bản là đất nước nổi tiếng có tuổi thọ cao và tỷ lệ béo phì thấp trong số các quốc gia phát triển, chỉ khoảng 4,3%. Tuy nhiên, bạn sẽ ngạc nhiên khi biết văn hóa fitness không quá phổ biến tại quốc gia này.
Phong cách “athleisure” cũng không được ưa chuộng, và không phải ai cũng có thẻ tập gym. Dân văn phòng hiếm khi dùng giờ nghỉ trưa để đi tập, còn ai làm điều này sẽ bị coi là những kẻ “cuồng tập thể dục”.
Công ty Rakuten Insight đã tiến hành khảo sát hơn 1.000 người dân Nhật Bản ở độ tuổi 20-60 về thói quen tập luyện của họ. Khoảng một nửa trong số đó cho biết họ hiếm khi tập thể dục, chỉ 1 lần/tháng hoặc thậm chí là chẳng bao giờ.
Những người này chia sẻ rằng họ không có nhiều thời gian, hoặc chỉ đơn giản là không thích tập thể dục nhiều vậy. Hầu hết mọi người đều không coi việc đi tập gym là một phần lối sống.
Chuyện gì đang thực sự xảy ra tại Nhật Bản?
Nếu nhìn kỹ vào khái niệm của người Nhật Bản, bạn sẽ thấy tập thể dục tương đương với việc đến phòng gym. Tuy nhiên, có lẽ việc tập thể dục có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, chứ không chỉ là đến phòng gym và nâng tạ, hoặc chạy 10km.
Thật ra, người Nhật vẫn luyện tập thể dục thể thao hàng ngày. Chỉ có điều, nó đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống: đi bộ.
Kết quả khảo sát trên không có nghĩa là tập thể dục không quan trọng đối với sức khỏe. Vấn đề là hầu hết người Nhật không nghĩ rằng việc đi bộ lại được coi là một phương pháp luyện tập.
Trung bình một người Nhật Bản trưởng thành sẽ đi khoảng 6.500 bước/ngày. Trong độ tuổi từ 20-50, nam giới đi bộ gần 8.000 bước/ngày, còn nữ giới là 7.000 bước/ngày.
Tại Okinawa - một trong những “vùng xanh” có tuổi thọ cao nhất thế giới, văn hóa đi bộ rất phổ biến. Người dân rất chú trọng kết hợp thói quen đi bộ vào cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
Nagano - một tỉnh nông nghiệp của Nhật Bản - từng có tỷ lệ đột quỵ khá cao. Tuy nhiên, bằng cách đi bộ mỗi ngày trên 100 tuyến đường khác nhau, giờ đây cư dân vùng này đã có tuổi thọ cao nhất nhì đất nước.
“Điều đầu tiên chúng tôi muốn là vận động người dân đi bộ. Ai cũng có thể làm điều này. Bạn đi bộ, bạn nói chuyện, bạn vừa được tập luyện, vừa giúp xây dựng tình đoàn kết cộng đồng”, ông Sugenoya Akira - thị trưởng thành phố Matsumoto, Nagano - phát biểu.
Đa số người Nhật đều sống ở các thành phố thuận tiện để đi bộ, nơi mà phương tiện công cộng khá phổ biến, an toàn và giá rẻ. Không nhiều hộ gia đình sở hữu xe riêng.
Vì thế, người Nhật chủ yếu đi bộ khi tới cơ quan, đi mua sắm, đi ăn tối bên ngoài. Việc đi bộ đã trở thành một thói quen thường ngày của mọi thế hệ. Họ coi đi bộ cũng bình thường như thể việc thở ra hít vào.
Bí quyết để có một sức khỏe lâu dài
Rõ ràng, chúng ta không thể phủ nhận lợi ích của việc tập gym, chạy bộ, hay đạp xe, bởi những bộ môn này giúp chúng ta tăng cường sức khỏe cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Tuy nhiên, văn hóa fitness có thể hơi quá sức đối với những người chưa quen. Thậm chí, nó có thể khiến người tập cảm thấy xấu hổ hay tội lỗi khi không thể theo kịp. Điều này có thể khiến chúng ta tưởng nhầm rằng sức khỏe tốt chỉ dành cho những người liên tục tập nâng tạ hay dành đủ thời gian để chạy bộ.
Ăn uống lành mạnh không phải chỉ là ăn mỗi salad; tập thể dục không phải chỉ có mỗi cách đi đến phòng gym. Bạn vẫn có thể duy trì sức khỏe của mình bằng cách đi bộ nhiều thêm.
(Theo Medium)