MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chẳng cần lo bán xe, VEAM vẫn thu về 10.000 tỷ lợi nhuận từ ngành ô tô chỉ trong năm 2016

25-09-2017 - 11:13 AM | Doanh nghiệp

Trong niên độ tài chính cuối cùng trước khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, công ty mẹ VEAM đã nhận được hơn 10.000 tỷ đồng cổ tức từ các liên doanh ô tô - gấp 3 lần so với năm 2015.

Sau một thời gian chờ đợi, Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – VEAM vừa công bố báo cáo tài chính năm 2016 đã được kiểm toán. Niên độ tài chính cuối cùng trước khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần được bắt đầu từ ngày 1/1/2016 và kết thúc vào ngày 23/1/2017.

VEAM là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy và sản xuất, lắp ráp xe tải với thương hiệu VEAM Motor. Tuy vậy, tài sản giá trị nhất của VEAM lại là phấn vốn góp liên doanh tại 3 hãng xe hàng đầu Việt Nam là Honda (VEAM nắm giữ 30%), Toyota (20%) và Ford (25%).

Khoản lợi nhuận rất lớn được chia từ 3 liên doanh này đã đưa VEAM đứng trong Top đầu những doanh nghiệp nhà nước có lợi nhuận lớn nhất, lên đến 3-4 nghìn tỷ đồng mỗi năm dù cho hoạt động kinh doanh chính khá ảm đạm.

Theo kết quả kinh doanh của riêng công ty mẹ, trong niên độ tài chính 2016, VEAM thu về hơn 10.100 tỷ đồng cổ tức-lợi nhuận được chia. Trong đó, lợi nhuận được chia từ Honda Việt Nam là 7.965 tỷ đồng, từ Toyota Việt Nam 1.821 tỷ và 272 tỷ đồng từ Công ty Diesel Sông Công (công ty trực tiếp nắm giữ 25% vốn của Ford).

Số cổ tức mà các liên doanh này trả cho VEAM đã tăng rất mạnh trong các năm gần đây khi VEAM tiến hành cổ phần hoá. Năm 2014 và 2015, Honda đã chia lợi nhuận cho VEAM lần lượt là 700 tỷ và 2700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc cổ tức mà Honda hay Toyota Việt Nam trả cho VEAM tăng phi mã trong vài năm gần đây không hẳn là do lợi nhuận của các doanh nghiệp này tăng trưởng đột biến trong những năm gần đây mà đây là lợi nhuận được tích luỹ trong một thời gian dài đến bây giờ mới tiến hành phân phối cho các chủ sở hữu.

Điều này được thể hiện khá rõ trên kết quả kinh doanh hợp nhất của VEAM. Năm 2016, lợi nhuận từ công ty liên doanh kết mà VEAM được hưởng là 4.576 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 4.590 tỷ đồng của năm 2015 cho thấy lợi nhuận năm 2016 của các liên doanh ô tô mà VEAM tham gia góp vốn không biến động nhiều so với năm trước.

Trên báo cáo tài chính của riêng công ty mẹ, chỉ khi công ty liên kết chia cổ tức thì công ty mẹ mới phản ánh lợi nhuận vào kết quả kinh doanh. Lợi nhuận được chia này có thể là lợi nhuận được tích luỹ từ nhiều năm. Còn trên báo cáo hợp nhất, dù công ty liên kết chia cổ tức hay không thì thì công ty đầu tư cũng ghi nhận phần lợi nhuận sau thuế phát sinh trong niên độ tài chính tương ứng với tỷ lệ sở hữu.

Việc Honda, Toyota hay Ford đồng loạt chia cổ tức rất lớn trong niên độ tài chính cuối cùng trước khi VEAM chuyển sang công ty cổ phần có thể là động thái nhằm tất toán lợi ích mà nhà nước được hưởng trong giai đoạn VEAM còn là công ty 100% vốn nhà nước.

Hiện VEAM đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng, trong đó nhà nước sở hữu 88,5% cổ phần. VEAM đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 21/9 để phục vụ cho việc lưu ký cổ phiếu.

Xét tổng thể, VEAM có lợi nhuận rất lớn nhưng nếu tách riêng phần lợi nhuận từ các liên doanh ô tô trên thì VEAM có lợi nhuận không đáng kể, thậm chí lỗ. Từ năm 2013 đến nay, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VEAM đều thấp hơn chỉ tiêu lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết.

Kiến Khang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên