Chàng thanh niên người Thái thu tiền tỷ mỗi năm từ trồng nấm
Có rất nhiều cách, nhiều con đường để các bạn trẻ là con em đồng bào các dân tộc thiểu số lập nghiệp. Trong đó, anh Vì Văn Bình, một thanh niên trẻ dân tộc Thái ở bản Áng, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La sau khi tốt nghiệp cao học nông nghiệp đã lựa chọn về bản lập nghiệp từ mô hình trồng nấm và sản xuất các loại rau củ quả sạch.
- 04-11-2022Hãng xe Trung Quốc làm mọi người sửng sốt: ra mắt nguyên mẫu ô tô bay cất cánh thẳng đứng
- 04-11-2022Nghị định thư xuất khẩu chuối sang Trung Quốc: Cơ hội mở rộng thị trường nông sản
- 04-11-2022Thị trường máy tính bảng chưa có dấu hiệu phục hồi
Mô hình kinh tế của anh đạt tổng doanh thu trên 6 tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
“Tôi nhận thấy địa phương có rất nhiều tiềm năng về nông nghiệp mà chưa được khai thác. Trong quá trình đi học chuyên môn về nông nghiệp, sau khi học kết hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, tôi nhận thấy một số mảng có thể khai thác đem lại hiệu quả kinh tế cho bản thân, và cho các hộ, nên tôi đã quyết định trồng nấm” - chia sẻ của anh Vì Văn Bình, dân tộc Thái, ở bản Áng, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La về lý do của bản thân lựa chọn về bản trồng nấm sau khi tốt nghiệp Đại học Tây Bắc năm 2010, sau đó là lớp cao học tại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.
Anh Bình cho biết, lúc đó cũng có một vài đơn vị mời anh về làm việc, nhưng anh đã quyết định trở về quê hương để thực hiện ước mơ của mình cùng nhóm bạn có chung chí hướng.
Anh Bình (bên trái) chia sẻ kỹ thuật chăm sóc nấm.
Những năm đầu mới bắt tay khởi nghiệp, việc trồng nấm của anh Bình không tránh khỏi những thất bại vì thiếu kinh nghiệm. Tỷ lệ nấm chết nhiều, có thể lên đến hàng trăm, hàng nghìn phôi, thậm chí có những mẻ nấm anh đành phải ngậm ngùi vứt bỏ. Không bỏ cuộc, anh quyết tâm học hỏi, nghiên cứu thêm các phương pháp trồng nấm qua báo đài, Internet… và rồi thành công ban đầu cũng đến với anh, đó là những lứa nấm sò, nấm hương đầu tiên đến thời kỳ thu hoạch. Thế nhưng, sau đó anh lại gặp khó về thị trường tiêu thụ.
Anh lại kỳ công đem sản phẩm nấm của mình giới thiệu tại các chợ đầu mối, siêu thị trên địa bàn Sơn La, dần được người tiêu dùng biết đến và đánh giá cao.
“Mặc dù có rất nhiều đơn vị sản xuất tạo ra những sản phẩm mới cạnh tranh. Nhưng đã có rất nhiều khách hàng đến với mình, mà tôi hay nói đó là khách ruột. Quan điểm của tôi là sản phẩm làm ra phải thực sự chất lượng. Trong hơn 10 năm làm như vậy, tôi có hệ thống khách ruột, gắn bó thường xuyên. Sản phẩm chất lượng đảm bảo thì khách hàng luôn đến với mình, mặc dù ở nhiều nơi người ta cạnh tranh bằng giá” - anh Bình cho biết thêm.
Lò hấp tiệt trùng phôi nấm trước khi đưa vào môi trường nuôi.
Với 3 cơ sở sản xuất nấm ăn chất lượng cao tại xã Chiềng Ban, diện tích 2,5 ha, trang trại nấm của anh Bình chủ yếu trồng các loại nấm hương, nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ, linh chi…Với sản lượng từ 100 - 120 tấn/năm, giá bán bình quân 50.000 đồng/kg, loại cao cấp đến 700.000 đồng/kg, mô hình nấm của anh Bình cho tổng doanh thu trên 6 tỷ đồng, trừ chi phí cho lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm.
Không những cung cấp nấm ăn, nấm dược liệu, anh Bình còn sản xuất phôi nấm phục vụ cho người dân trong, ngoài tỉnh có nhu cầu trồng nấm, với giá bán từ 15.000 - 20.000 đồng/ phôi.
Theo anh Bình, trồng nấm thành công phải tuân thủ quy trình kỹ thuật, đảm bảo nhiệt độ, ánh sáng và tỷ mẩn kiểm tra, phòng trừ sâu bệnh cho nấm.
Trước đây, hầu hết các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, lõi ngô, mùn cưa… sau khi thu hoạch được bà con đem đốt bỏ, không những lãng phí, mà còn gây ô nhiễm môi trường. Lại mày mò nghiên cứu, thử nghiệm, anh đã tận dụng bã thải sau khi thu hoạch nấm để ủ phân vi sinh phục vụ cho việc trồng rau an toàn với các hộ nông dân liên kết, đem lại hiệu quả bước đầu.
Một khu vực sản xuất nấm của Hợp tác xã nông nghiệp 26-3.
Để sản phẩm nấm của ngày càng được người tiêu dùng biết đến, anh Bình cùng nhóm bạn quyết định thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp 26/3 chuyên sản xuất, cung cấp các loại nấm và rau củ quả an toàn, do anh làm Giám đốc. Hiện các sản phẩm nấm, rau an toàn của Hợp tác xã đã có mặt tại các siêu thị trong địa bàn tỉnh, cùng các tỉnh bạn Điện Biên, Lai Châu và chuỗi thực phẩm an toàn tại Hà Nội.
Hoạt động của hợp tác xã tạo công ăn việc làm cho trên 30 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng.
“Từ khi vào làm việc tại cơ sở nấm của anh Bình tôi có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tôi cũng đang tiếp tục học hỏi để tới đây tham gia hộ liên kết với cở sở để trồng nấm” - anh Lò Văn Tuấn, ở xã Chiềng Kheo, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết.
Theo ông Lò Văn Thuận, Chủ tịch Hội nông dân xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (Sơn La), mô hình trồng nấm của anh Vì Văn Bình không những tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động, mà còn là một địa chỉ tin cậy để bà con đến học tập, làm theo, góp phần xoá đói, giảm nghèo.
Quy trình đóng phôi nấm.
“Mô hình trồng nấm của anh Bình mang lại hiệu quả kinh rất tế cao, mang lại thu nhập ổn định cho hội viên từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Mô hình của anh Bình đã lan toả đến toàn thể hội viên nông dân trong toàn xã và thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xoá đói giảm nghèo bền vững” - ông Lò Văn Thuận cho biết thêm.
Thành công của thanh niên trẻ người Thái Vì Văn Bình cho thấy không phải con đường vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước mới là lựa chọn duy nhất. Thành công sẽ đến với bất cứ ai có quyết tâm vượt khó. Và câu chuyện khởi nghiệp của anh Vì Văn Bình đã truyền cảm hứng để nhiều thanh niên ở địa phương quyết tâm vươn lên trên chính đồi núi bản làng mình.
VOV