MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chấp nhận thua lỗ để đầu tư mở rộng thị phần, cơ hội nào cho Cốc Cốc?

14-09-2020 - 19:30 PM | Doanh nghiệp

Ra mắt thị trường vào năm 2013, bảy năm phát triển của Cốc Cốc là nhiều lần chấp nhận lùi một bước để có cơ hội tiến bước dài hơn.

Tháng 5/2013, thị trường công nghệ Việt Nam xôn xao trước con số 2 triệu người dùng chỉ sau hai tháng ra mắt của Cờ Rôm+ (sau đổi tên thành Cốc Cốc), một trình duyệt khiến Google phải dè chừng. Ba năm sau, trình duyệt do người Việt sáng lập vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, đứng thứ hai tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, bài toán tăng trưởng đôi khi sẽ không đi cùng với bài toán lợi nhuận, đặc biệt là đối với các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Cụ thể, trong khoảng thời gian vài năm trở lại đây, Cốc Cốc đã liên tục ghi nhận lợi nhuận âm. Nhưng những con số này có thực sự phản ánh giá trị của công ty khởi nghiệp thuần Việt này?

Tháng 6/2019, viết về vấn đề lợi nhuận của các startup công nghệ, báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp trích dẫn thống kê từ TFI: "Số lượng startup thu hút vốn thành công dựa vào các nền tảng công nghệ đang tăng mạnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết công ty công nghệ xây dựng nền tảng đều không có lợi nhuận, thậm chí là thua lỗ ở giai đoạn đầu". Trên thực tế, startup công nghệ không chỉ đòi hỏi sự đầu tư thời gian, công sức hay tài chính mà còn phải có tiềm lực đủ mạnh để dám "chấp nhận lỗ" trong một khoảng thời gian dài để tập trung phát triển sản phẩm và xây dựng lượng người dùng đủ lớn cho các hoạt động kinh doanh. Ngay cả những startup công nghệ nền tảng trên thế giới trị giá hàng chục tỷ USD như Uber, Grab hay gần đây là Snapchat, Spotify vẫn đang trong quá trình nỗ lực đạt điểm hòa vốn.

Đặc biệt, trong số các lĩnh vực startup công nghệ, phát triển trình duyệt và công cụ tìm kiếm có thể coi là một trong những mảng "khó nhằn" nhất, đòi hỏi sự đầu tư lớn tài chính và kỹ thuật công nghệ cao, nhất là trong bối cảnh thị trường công cụ tìm kiếm hiện nay đã bị thống trị bởi những tên tuổi toàn cầu như Google, Safari. Sự cạnh tranh ở mảng trình duyệt web thậm chí còn gay gắt hơn khi chính các nhà phát triển hệ điều hành đều có các trình duyệt mặc định đi kèm. khiến những cái tên nội địa đầy tiềm năng như Yandex (Nga), Naver, Daum (Hàn Quốc) phải tương đối "chật vật" mới có thể đạt được những thành công bước đầu.

Chấp nhận thua lỗ để đầu tư mở rộng thị phần, cơ hội nào cho Cốc Cốc? - Ảnh 1.

Báo cáo thống kê thị phần công cụ tìm kiếm tại Hàn Quốc, Nga và Mỹ của chuyên trang Statcounter

Vậy, giá trị của các startup công nghệ trình duyệt và tìm kiếm nằm ở đâu, nếu không phải nằm ở những con số kinh doanh? Đó chính là lúc nhà đầu tư cần tìm kiếm câu trả lời qua những yếu tố tiềm năng như: số lượng người dùng, phần trăm khách hàng quay lại và nguyên nhân khiến họ trung thành với dịch vụ... Bởi vì, trong bài toán đầu tư công nghệ dài hạn, startup đôi khi sẽ bắt buộc phải chấp nhận lùi một bước để tiến nhiều bước xa hơn.

Nhiều lần lùi một bước….

Bước lùi đầu tiên mà Cốc Cốc chấp nhận trong 7 năm phát triển của mình, đó chính là để đầu tư vào con người. Ông Nguyễn Vũ Anh, PTGĐ Cốc Cốc từng khẳng định: "Ngay từ giai đoạn đầu thành lập, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về tài chính và nhân lực, chúng tôi vẫn xác định nhân sự chính là tài sản lớn nhất của công ty".

Nhìn lại thời điểm Cốc Cốc ra mắt, giới công nghệ thông tin của Việt Nam vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển trình duyệt, công cụ tìm kiếm. Một khảo sát thực hiện năm 2015 của JobStreet.com (nhà mạng việc làm trực tuyến hàng đầu châu Á) cho thấy, thị trường nhân lực Việt Nam vẫn ở trong trạng thái "khát" nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt là kỹ sư phần mềm. Chính vì vậy, giai đoạn 2013-2015, Cốc Cốc phải dành ra một khoản đầu tư rất lớn để có thể chiêu mộ những kỹ sư công nghệ giỏi nhất từng đoạt các giải Toán quốc tế, đến từ các cường quốc dẫn đầu với kinh nghiệm phát triển công cụ tìm kiếm, trình duyệt đủ sức cạnh tranh với gã khổng lồ Google. Những năm sau này, bên cạnh việc hợp tác cùng nhiều kỹ sư nước ngoài, Cốc Cốc cũng đẩy mạnh việc tìm kiếm và đào tạo các nhân sự cốt cán là người Việt, đặt tôn chỉ lấy sự trưởng thành của nhân sự là chiến lược dài hạn cho doanh nghiệp.

Đầu tư cho trang thiết bị cơ sở hạ tầng và các chi phí marketing cũng được Cốc Cốc đặc biệt chú trọng, bởi vì đối với các sản phẩm trình duyệt và công cụ tìm kiếm, các yêu cầu về hệ thống hạ tầng và cơ sở dữ liệu đều đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao để có thể xử lý lượng dữ liệu khổng lồ hàng ngày từ hàng chục triệu người dùng.

Chấp nhận thua lỗ để đầu tư mở rộng thị phần, cơ hội nào cho Cốc Cốc? - Ảnh 2.

Để hiện thực hóa được giấc mơ lớn, Cốc Cốc phải liên tục thay đổi, làm mới mình và hơn cả là phải có những bước lùi đúng lúc

Tất nhiên không phải lúc nào các quyết định đầu tư của Cốc Cốc cũng mang lại hiệu quả. Theo xu thế "Go Global", Cốc Cốc cũng từng ấp ủ dự án mở rộng thị trường sang Indonesia vào giai đoạn 2017, 2018. Mạnh tay đầu tư lớn cả về số lượng nhân sự tới chi phí hạ tầng, cơ sở dữ liệu, tuy nhiên do những đặc thù về thị trường, dự án không đem về kết quả khả quan. Rất nhanh sau đó, Cốc Cốc quyết định "lùi thêm một bước", lập tức dừng dự án và rút toàn bộ nguồn lực về phát triển tập trung tại thị trường Việt Nam. Có thể nói, đây là một bước "lấy đà" của Cốc Cốc, để chuẩn bị cho những lần nhảy vọt tiếp theo trong thị trường nội địa.

Để có cơ hội tiến nhiều bước xa hơn!

Từ một startup công nghệ đời đầu bị gắn mác "kẻ điên" ấp ủ giấc mơ đối đầu với Google, hai năm trở lại đây, Cốc Cốc đã và đang phần nào chứng minh được tiềm năng phát triển của mình. Tính tới tháng 8 năm nay, bất chấp ảnh hưởng của Covid-19, Cốc Cốc vẫn cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 25 triệu người dùng và 13 triệu lượt cài đặt trên điện thoại di động, là cái tên nội địa duy nhất đặt chân vào top 4 trình duyệt di động phổ biến nhất tại Việt Nam.

Ở mảng công cụ tìm kiếm, Cốc Cốc Search cũng ghi nhận tốc độ gia tăng thị phần đáng ngạc nhiên, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019 và tương đương con số mà Bing đang nắm giữ tại thị trường Mỹ. Đặc biệt, sau cái bắt tay với Yandex vào năm 2019 cho ra mắt tính năng đọc tin sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), năm 2020 tiếp tục là một năm đặc biệt với Cốc Cốc khi hợp tác với nhiều ông lớn trong và ngoài nước để phát triển các tính năng, sản phẩm nhằm gia tăng lợi ích và tối ưu hóa trải nghiệm cho người dùng địa phương như: Phát triển trình lọc quảng cáo nâng cao (kết hợp với Adblock Plus); Ra mắt gói cước tốc độ cao Data Xanh Lá (kết hợp cùng Vinaphone và MobiFone),...

Chấp nhận thua lỗ để đầu tư mở rộng thị phần, cơ hội nào cho Cốc Cốc? - Ảnh 3.
Chấp nhận thua lỗ để đầu tư mở rộng thị phần, cơ hội nào cho Cốc Cốc? - Ảnh 4.

Cốc Cốc Đọc Tin và Trang tin cập nhật diễn biến dịch Covid 19 – Đại diện tiêu biểu nhất cho những thành tựu của Cốc Cốc trong 2 năm vừa qua

Có thể thấy, giữa một năm với nhiều biến động bởi ảnh hưởng của dịch Covid 19, tiềm lực nội tại và kết quả của những "bước lùi sáng suốt" đã giúp Cốc Cốc là một trong các công ty hiếm hoi vẫn giữ được phong độ ổn định và không có quá nhiều dấu hiệu tiêu cực trong kết quả kinh doanh.

Tạm kết

Không thể phủ nhận, các doanh nghiệp khởi nghiệp luôn được đặt kỳ vọng vào sự tăng trưởng và khả năng sinh ra lợi nhuận. Tuy nhiên, lợi nhuận âm không nhất thiết phải là dấu hiệu tiêu cực, mà chỉ là một trong những "bước lùi" không thể thiếu trong lộ trình phát triển dài hạn của một startup, là dự báo về những cú nhảy lớn hơn trong tương lai. Với những thành tích trong năm 2020 của Cốc Cốc, các nhà đầu tư và người dùng hoàn toàn có quyền trông chờ vào kết quả kinh doanh tích cực cuối năm nay.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên