MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chất lượng không khí Hà Nội xấu đi, rất có hại cho sức khỏe: Bác sĩ chuyên khoa hô hấp nhấn mạnh 1 thói quen giúp hạn chế tác động của ô nhiễm

30-09-2020 - 10:45 AM | Sống

Bác sĩ chuyên khoa hô hấp, bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh ai cũng nên thực hiện đeo khẩu trang đầy đủ để chủ động hạn chế tác động của ô nhiễm không khí đối với hệ hô hấp và sức khỏe.

Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, theo quy luật hàng năm, đặc biệt là tại khu vực miền Bắc, bắt đầu từ tháng 9, các thông số ô nhiễm trong không khí đặc biệt là bụi mịn PM2.5 sẽ có xu hướng tăng lên. Các đợt ô nhiễm không khí nặng có thể diễn ra, chính vì vậy, người dân cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng không khí trong thời gian này.

Hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng kém, có khả năng tác động đến sức khỏe nhóm nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch.

Chất lượng không khí Hà Nội xấu đi, rất có hại cho sức khỏe: Bác sĩ chuyên khoa hô hấp nhấn mạnh 1 thói quen giúp hạn chế tác động của ô nhiễm - Ảnh 1.

Bàn về vấn đề này, thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Trang, bác sỹ điều trị Trung Tâm Hô Hấp, bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Hiện chất lượng không khí, nồng độ bụi tại nước ta thời gian gần đây đang vượt mức tiêu chuẩn, có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người. Xã hội hiện đại con người đang phải sống trong bầu không khí bị nhiễm điện tích dương rất mạnh chính là bụi, phấn hoa và bụi mịn PM2.5...".

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh những tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe, liên quan đến sự gia tăng các bệnh tim mạch như đau tim, đột quỵ. Nó cũng có tác động lớn đối với những người mắc bệnh mãn tính như hen suyễn; người có sức đề kháng kém như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ…

Ô nhiễm không khí đe dọa sức khỏe của người dân ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ước tính mới đây năm 2018 cho thấy rằng 9/10 người dân phải hít thở không khí chứa hàm lượng các chất gây ô nhiễm cao.

Ô nhiễm không khí cả ở bên ngoài và trong nhà gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn cầu; chỉ tính riêng khu vực Tây Thái Bình Dương, khoảng 2,2 triệu người tử vong mỗi năm. Ở Việt Nam, khoảng 60.000 người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người

Chất lượng không khí Hà Nội xấu đi, rất có hại cho sức khỏe: Bác sĩ chuyên khoa hô hấp nhấn mạnh 1 thói quen giúp hạn chế tác động của ô nhiễm - Ảnh 2.

Bác sĩ Lê Thị Thu Trang, bác sỹ điều trị Trung Tâm Hô Hấp, bệnh viện Bạch Mai.

Theo bác sĩ Trang, không chỉ phổi và hệ hô hấp mà ô nhiễm không khí còn ảnh hưởng tới nhiều hệ cơ quan khác. Trong đó, hệ hô hấp và phổi là những cơ quan bị ảnh hưởng đầu tiên và nhiều nhất. Sở dĩ, đường hô hấp trên thường xuyên tiếp xúc với không khí bên ngoài, không khí bên ngoài ô nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống niêm mạc, tế bào đường hô hấp trên.

Nếu đường hô hấp trên bị nhiễm khuẩn sẽ tạo ra viêm xoang, viêm tai giữa và sâu hơn nữa là các nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới gây ra các bệnh về phổi, phế quản.

Nếu một người hít phải khí CO của khói bếp than tổ ong trong một thời gian dài, cộng thêm các yếu tố ô nhiễm không khí khác sẽ gây ung thư phổi. Như vậy, ô nhiễm không khí sẽ làm gia tăng các bệnh ung thư như ung thư phổi, thanh khoản, mũi xoang.

Thậm chí không khí ô nhiễm còn làm tổn thương các mô do các hạt bụi mịn và siêu mịn dễ dàng đi vào trong máu và tiếp cận với hầu hết cơ quan. Chúng còn là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng viêm toàn thân và làm phức tạp thêm những căn bệnh đã có từ trước.

Bác sĩ Trang chỉ rõ, những người dễ bị ảnh hưởng nhất bởi ô nhiễm không khí là người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai, người bị các bệnh lý mãn tính...

Bảo vệ sức khỏe bằng cách nào?

Chất lượng không khí Hà Nội xấu đi, rất có hại cho sức khỏe: Bác sĩ chuyên khoa hô hấp nhấn mạnh 1 thói quen giúp hạn chế tác động của ô nhiễm - Ảnh 3.

Theo bác sĩ Trang, ngoài những biện pháp khách quan để bảo vệ sức khỏe, mỗi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình. Bác sĩ khuyến cáo người dân nên thực hiện các biện pháp sau đây để hạn chế tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe:

- Khi đi ra đường mọi người nên sử dụng khẩu trang. Màng lọc của khẩu trang chỉ hạn chế bớt không khí bẩn chứ không làm không khí sạch tuyệt đối. Tuy nhiên, khi đi ra ngoài đường mọi người vẫn nên đeo khẩu trang đặc biệt là trẻ em.

- Khi về nhà nên rửa mũi họng bằng nước muối sinh lý làm sạch đường hô hấp trên. Với các gia đình, ở trong nhà có thể đóng kín cửa, bật máy lọc không khí để giảm bớt nồng độ ô nhiễm.

- Chế độ ăn uống là yếu tố quan trọng cơ bản nhất để cơ thể tạo sức đề kháng tốt cho cơ thể. Nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm như rau xanh, hoa quả, sữa chua để cung cấp đầy đủ các loại vitamin, yếu tố vi lượng.

- Khi có sức đề kháng tốt, toàn bộ hệ thống niêm mạc của đường hô hấp trên hoạt động tốt như một hệ thống phòng ngự. Tất cả các vi khuẩn qua hệ thống phòng ngự đã bị diệt khá nhiều, không khí đi xuống đường hô hấp dưới hầu như là sạch. Người lớn và trẻ em sẽ hạn chế được các bệnh về nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dưới đặc biệt là với trẻ em.

- Việc khám sức khỏe thường xuyên sẽ phát hiện sớm các bệnh do ô nhiễm không khí ảnh hưởng đặc biệt sẽ tầm soát được các loại bệnh ung thư.

Hoàng Lan

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên