Châu Âu tranh giành năng lượng, nhưng châu Á lại phải “trả giá”
Các động thái của EU nhằm “cai” dầu và khí đốt của Nga đang đẩy chính họ vào tình thế khó khăn.
- 23-04-2022Quốc gia EU dự định hủy toàn bộ hợp đồng dầu khí đã ký kết với Nga
- 22-04-2022Lạm phát năng lượng xanh: Thuốc "tiên" chữa lành cho phương Tây khỏi cơn nghiện dầu khí Nga hết hiệu nghiệm
- 22-04-2022Bộ trưởng kêu gọi người dân ít tắm để cai nghiện dầu khí Nga nhưng quốc gia này đang "bỏ xó" nguồn năng lượng khổng lồ: Tại sao?
Trong một thế giới ngày càng nhiều rủi ro và hỗn loạn, các vấn đề về địa chính trị và chuỗi cung ứng đã khiến giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao, thúc đẩy tình trạng mất an ninh năng lượng ngày càng gia tăng. Căng thẳng ở Ukraine cũng khiến lạm phát toàn cầu trở nên tồi tệ hơn, nợ nần gia tăng và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Thị trường tài chính cũng biến động mạnh hơn trong mối rủi ro kép là tăng trưởng kinh tế trì trệ và lạm phát ngày càng leo thang.
Tuy nhiên, một nghịch lý lại đang diễn ra. Có tới 37 nền kinh tế phát triển, từ Nhật Bản đến Úc và Canada, đã thực hiện những lệnh trừng phạt chưa từng có cùng với Mỹ dẫn đầu nhằm cô lập Nga. Vô tình, các quốc gia này đã tự "gậy ông đập lưng ông", các lệnh trừng phạt của họ đang làm tăng giá năng lượng và giá hàng hóa quốc tế. Trong khi đó, doanh thu của Nga vẫn tăng đều dù việc xuất khẩu năng lượng của nước này giảm đáng kể.
Vì những biện pháp trừng phạt đó, họ đang thúc đẩy lạm phát trong nước và cắt giảm mức sống của công dân nước mình. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống 3,6% trong năm nay, từ mức 6,1% cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh đó, sứ mệnh đầy tham vọng của châu Âu trong việc "cai" nhiên liệu hóa thạch của Nga đã được ca ngợi là "kẻ thay đổi cuộc chơi". Trên thực tế, cuộc tranh giành của châu Âu trong việc tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế đang khiến giá cả quốc tế tăng thêm và làm gia tăng gánh nặng nợ nần của các nước nghèo hơn.
Về cơ bản hơn, sự chuyển dịch năng lượng của châu Âu, với quy mô chuyển đổi nguồn cung theo kế hoạch, sẽ gây ra sự cạnh tranh với các nền kinh tế đang phát triển của châu Á, nơi tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Liên minh châu Âu gồm 27 quốc gia, tiêu thụ 11% tổng nguồn cung năng lượng toàn cầu, hiện phụ thuộc vào 40% khí đốt và 25% dầu của Nga.
Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo đã tuyên bố công suất dầu toàn cầu không đủ để bù đắp cho việc mất nguồn cung từ Nga. Giá dầu ngay lập tức tăng 4% vào đầu tháng này khi EU đề xuất lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga theo từng giai đoạn.
Giá dầu thô Brent hiện đang giao dịch cao hơn 50% so với mức trung bình của năm ngoái là 70,40 USD. Trong khi đó, dầu diesel thiếu hụt đã khiến giá tăng cao do các nhà phân phối châu Âu rời xa nguồn cung của Nga, các nhà sản xuất LNG cũng đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu gia tăng từ châu Âu.
Mỹ, nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ hai thế giới sau Nga, đang trên đà trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, vượt qua Qatar và Úc. Tuy nhiên, do sự tranh giành nguồn cung của châu Âu, giá khí đốt tự nhiên trong nước của Mỹ đã tăng hơn gấp đôi trong năm nay, đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ là 8,5%.
Tuy nhiên, châu Á mới là khu vực bị ảnh hưởng lớn nhất khi châu Âu chuyển sang các nguồn cung cấp năng lượng không phải Nga. Khi 2 khối liên kết chặt chẽ trong hệ thống năng lượng toàn cầu bị tách rời, châu Âu sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh chính với châu Á trong việc tìm nguồn cung.
Việc phục hồi các nền kinh tế châu Âu lâu nay phụ thuộc vào năng lượng giá rẻ của Nga sẽ là một quá trình tốn kém và kéo dài. Điều này đòi hỏi phải xây dựng cơ sở hạ tầng LNG mới hoặc mở rộng và hiệu chuẩn lại các nhà máy lọc dầu được cấu hình chỉ để chế biến dầu thô của Nga.
Trong khi đó, nỗi lo về việc Nga cắt giảm nguồn cung nhằm trả đũa các biện pháp trừng phạt đã khiến châu Âu điên cuồng tích trữ LNG, dầu thô và dầu diesel nhập khẩu. Họ sẽ trả giá cao hơn so với người mua châu Á.
Kể từ tháng trước, nhập khẩu năng lượng của châu Âu từ châu Phi, Trung Đông và Bắc Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục và dẫn đến giá cả leo thang. Trớ trêu thay, EU cũng đang tích trữ khí đốt, dầu và than của Nga. Họ trả cho Moscow 44 tỷ euro chỉ trong hai tháng đầu tiên kể từ khi căng thẳng diễn ra, trong khi cả năm 2021 là khoảng 140 tỷ euro.
Sự thay đổi đã tạo ra những thách thức đối với Nhật Bản. Các công ty nước này đã đầu tư vào những dự án Sakhalin-1, Sakhalin-2 và Arctic LNG 2 của Nga, đều được coi là cần thiết cho an ninh năng lượng. Quốc gia này chỉ phụ thuộc vào 4% tổng nhập khẩu dầu thô và 9% khí đốt từ Nga, họ không muốn tìm các nguồn thay thế trong giai đoạn này, mặc dù đã đưa ra các lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng là một trong những nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới và phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp nước ngoài. Giá trị các đơn hàng nhập khẩu năng lượng của nước này tăng hàng tỷ USD mỗi tuần.
Thị trường năng lượng ngày nay sẽ không đủ khả năng khi một nền kinh tế lớn như Nhật Bản tham gia vào cuộc tranh giành của châu Âu. Việc châu Âu tìm mọi cách để đảm bảo các nguồn thay thế đã gây khó khăn cho các quốc gia khác ít giàu có hơn, chẳng hạn như Sri Lanka đang vỡ nợ.
Khi tìm cách trừng phạt Nga, EU có thể sẽ "tự bê đá đập vào chân mình". Giá năng lượng cao hơn sẽ có lợi cho tất cả các nhà xuất khẩu năng lượng lớn trên thế giới, từ Mỹ đến Nga. Theo Rystad Energy có trụ sở tại Oslo, mặc dù sản lượng dầu thô của Nga dự kiến sẽ giảm mạnh vào năm 2022, nhưng tổng thu nhập từ dầu mỏ của Moscow có khả năng tăng vọt lên 180 tỷ USD, tăng 45%.
Vào thời điểm thị trường biến động do các vấn đề liên quan đến địa chính trị, việc châu Âu cạnh tranh với châu Á để đảm bảo nguồn cung năng lượng sẽ không chỉ tiếp tục đẩy giá lên mà còn có thể làm ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.