MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Âu trông chờ vào các trạm khí đốt nổi để vượt qua mùa Đông

22-09-2022 - 08:15 AM | Thị trường

Trong bối cảnh phải khẩn trương tìm nguồn khí đốt để sưởi ấm và phục vụ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong mùa Đông này, các quốc gia châu Âu đã đưa ra một giải pháp tương đối nhanh chóng: các trạm khí đốt nổi.

Châu Âu trông chờ vào các trạm khí đốt nổi để vượt qua mùa Đông - Ảnh 1.

Một FSRU. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, các nhà vận chuyển khí tự nhiên lỏng (LNG) có thể chuyển nhiên liệu từ mọi nơi trên thế giới, nhưng họ thường giao hàng thông qua các trạm trên bờ mà các trạm này thường mất nhiều năm xây dựng.

Thay cho trạm chứa trên bờ, một số quốc gia châu Âu, trong đó có Hà Lan và Đức, đang sử dụng kho nổi chứa và tái hóa khí (FSRU).

Các nhà cung cấp FSRU đang nhận thấy nhu cầu tăng vọt. Các nước châu Âu đã thuê ít nhất 25 FSRU kể từ khi xảy ra xung đột ở Ukraine. Nhu cầu sẽ còn tăng hơn nữa khi châu Âu tìm cách thay thế khí đốt của Nga.

Exmar, công ty chế tạo và lắp đặt FSRU, thường chỉ xử lý một đến ba dự án mỗi năm. Ông Jonathan Raes, Giám đốc cơ sở hạ tầng Exmar (Bỉ), cho biết: “Bây giờ chúng tôi đã thấy nhu cầu tăng nhanh khi có 10 FSRU được thuê trong thời gian chưa đầy 6 tháng”.

Hệ thống FSRU thường mang tính tạm thời nhưng nó có thể trở thành biện pháp lâu dài hơn. Thời gian thuê trung bình của FSRU là 10 đến 12 năm. Ông Raes cho biết: “Thông thường một khi đã được lắp đặt và hoạt động, xu hướng là các bên sẽ thuê lâu hơn”. FSRU có tuổi thọ khoảng 20 năm.

Thường mất 12 đến 18 tháng để lắp đặt một FSRU mới, nhưng với tình huống khẩn cấp của EU, ông Raes ước tính một số dự án sẽ được khởi động mà chỉ cần một nửa thời gian đó. Ông nói: “Nếu có thể, các nhà phát triển trạm khí đốt nổi sẽ sử dụng lại càng nhiều cơ sở hạ tầng sẵn có. Điều này làm giảm chi phí và thời gian”.

FSRU tiết kiệm chi phí hơn và xây dựng nhanh hơn so với các trạm chứa khí đốt trên bờ. Các trạm trên bờ có thể mất tới 7 năm mới hoàn thành và có thể tốn hơn 700 triệu USD. Một FSRU mới có giá khoảng 260 triệu USD, trong khi một FSRU được sửa lại từ tàu chở LNG có giá khoảng 160 triệu USD.

Nhưng các FSRU chứa ít nhiên liệu hơn nhiều khi công suất tối đa chỉ khoảng 4 triệu tấn hàng năm so với khoảng 7,75 triệu tấn mà các trạm trên bờ có thể chứa.

Ông Raes nói: “Các FSRU chắc chắn bền vững hơn các trạm trên đất liền vì ảnh hưởng đến môi trường của chúng nhỏ hơn. Nhưng bản thân LNG lại thải sinh ra nhiều carbon hơn khí đốt được chuyển qua đường ống”.

Để giúp châu Âu loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, FSRU sẽ cần được thay thế hoặc trang bị thêm. Ví dụ, trong tương lai, các trạm này có thể được sử dụng để nhập khẩu khí mêtan tổng hợp. Đây là một chất thay thế "xanh" cho khí đốt tự nhiên.

Trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt trong nhiều tháng, chính phủ các nước châu Âu đã đưa ra các biện pháp nhằm kiềm chế giá điện bán lẻ, giảm thuế năng lượng và hỗ trợ người tiêu dùng. Theo số liệu của Bruegel, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã chi 314 tỷ euro để triển khai các biện pháp trên, trong khi Anh chi 178 tỷ euro.

Tuy nhiên, nếu tính cả việc các chính phủ có dư địa tài chính lớn hơn đã tiến hành quốc hữu hóa, cứu trợ, cung cấp các khoản vay thì các nước EU có thể đã chi đến gần 450 tỷ euro. Nhiều biện pháp chỉ áp dụng tạm thời nhưng Bruegel cho rằng sự can thiệp của nhà nước đã dần trở thành một hình thức hỗ trợ.

Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, là nước chi nhiều nhất trong EU cho các biện pháp hỗ trợ, ước tính khoảng 100 tỷ euro. Italy chi 59 tỷ euro, tương đương hơn 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Còn Estonia chi 200 triệu euro.

Tương tự như Italy, các nước như Croatia, Hy Lạp, và Latvia cũng đã chi hơn 3% GDP để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng.

Để ứng phó với tình trạng giá năng lượng tăng vọt, tuần trước, EU đã đề xuất các biện pháp chung cho toàn khối nhằm giảm bớt chênh lệch giữa các biện pháp của các quốc gia thành viên.

Ủy ban châu Âu hôm 14/9 cũng đề xuất một loạt các biện pháp khẩn cấp để giải quyết vấn đề năng lượng. Theo đó, các thành viên EU được khuyến khích cắt giảm 10% tổng mức sử dụng điện và bắt buộc cắt giảm 5% lượng điện sử dụng trong giờ cao điểm.

Kế hoạch cũng đề xuất áp thuế lên các công ty năng lượng hóa thạch để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp, gia đình gặp khó khăn. Những biện pháp này sẽ được thảo luận và bỏ phiếu trong cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng EU vào ngày 30/9 tới.

Theo Thùy Dương

Báo Tin Tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên