‘Chạy nước rút’ giải phóng mặt bằng làm cao tốc Bắc Nam 2021 - 2025
Các địa phương khẩn trương bàn giao mặt bằng phục vụ khởi công cao tốc Bắc Nam giai đoạn II.
Để đảm bảo 12 địa phương có cao tốc Bắc Nam giai đoạn II 2021 – 2025 đi qua bàn giao đủ khoảng 70% mặt bằng phục vụ khởi công cuối năm nay, Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy nhanh công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo từng đoạn, từng khu vực...
- 13-11-2022Vùng nào thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất cả nước?
- 08-11-2022Tận dụng lợi thế có 3 mặt giáp biển, địa phương này phát triển kinh tế biển ra sao?
- 04-11-2022Thành phố trực thuộc TW có số khu công nghiệp đang hoạt động nhiều nhất
Nhiều địa phương đã về đích giải phóng mặt bằng
Rà soát, kiểm tra khối lượng giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các địa phương của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư, song cũng có không ít địa phương giải ngân tương đối thấp.
Hơn 6 tháng kể từ ngày Bộ GTVT bàn giao cọc GPMB những km đầu tiên, công tác GPMB, hỗ trợ tái định cư của tỉnh Hậu Giang đạt được kết quả khả quan. Trong tổng số hơn 63 km chiều dài thuộc hai dự án cao tốc thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau đi qua tỉnh, các thủ tục liên quan đến công tác GPMB đã đạt hơn 77% tổng diện tích đất phải thu hồi, về đích sớm hơn yêu cầu (trước ngày 20/11). Hai dự án này đi qua 16 xã, thị trấn, với tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 2.067 hộ và 10 công trình hạ tầng kỹ thuật phải di dời.
Tổng diện tích đất thu hồi hơn 361 ha, đến ngày 10/11, tỉnh đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được 1.683 hộ dân, với kinh phí hơn 866 tỷ đồng; tổ chức chi trả tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng 1.378 hộ, với kinh phí hơn 715 tỷ đồng. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đã bồi thường, bàn giao mặt bằng 910 hộ bị ảnh hưởng, với diện tích khoảng 174 ha, đạt hơn 78%; đoạn Hậu Giang - Cà Mau bàn giao mặt bằng 468 hộ, với diện tích khoảng 105 ha, đạt 75%. Dự kiến, đến ngày 20/11 sẽ bồi thường và bàn giao mặt bằng xong đợt 1, đạt khoảng 90% diện tích của dự án.
Còn tại Bình Định, trong 2 tháng 10 - 11/2022 , tỉnh duy trì kiểm đếm khối lượng GPMB từng tuần. Ba dự án thành phần qua tỉnh gồm: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, tổng chiều dài khoảng 118,8 km. Các địa phương hiện đã kiểm kê được 10.744 hộ ảnh hưởng (đạt 99,6%); xác nhận nguồn gốc đất đai được 9.988 hộ ảnh hưởng (đạt 94%). 8 địa phương đã phê duyệt phương án bồi thường GPMB, với 111 đợt cho 5.011 hộ dân, với số tiền 960 tỷ đồng; công tác chi trả đạt hơn 507 tỷ đồng, đạt 65,8%. Tỉnh cũng đã khảo sát hiện trường và xác định hoàn thành khối lượng hạ tầng kỹ thuật cần di dời để phục vụ thi công, phê duyệt quy hoạch 43 khu tái định cư, với hơn 103 ha…
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít địa phương “ì ạch” GPMB, ảnh hưởng đến tiến độ khởi công và thi công. Đơn cử, tại tỉnh Phú Yên, công tác GPMB phục vụ thi công 2 dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong khá chậm. Đến thời điểm này, công tác kiểm đếm mặt bằng mới đạt 84%. Hay Hà Tĩnh có 2 dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng đi qua, đến nay mới giải ngân GPMB được 432 tỷ đồng (40,87%). Nguyên nhân chủ yếu là do các huyện, thị xã phải hoàn thiện lại bản đồ địa chính phục vụ công tác GPMB.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình mới có 268/1.193 ha duyệt phương án đền bù được (đạt 22%), chi trả GPMB đạt 159/828 tỷ đồng (đạt 19%); tỉnh Quảng Trị mới trình phê duyệt phương án đền bù được 22,2/268,3ha (đạt 8%), chi trả GPMB đạt 8,5/282 tỷ đồng (đạt 3%); tỉnh Quảng Ngãi mới duyệt đền bù 271/488,2ha (đạt 55,5%), chi trả GPMB mới đạt gần 46/870,1 tỷ đồng (đạt 5,3%); TP Cần Thơ mới duyệt phương án đền bù 3,2/54,3 ha đất thu hồi (đạt 6%), chi trả GPMB mới đạt 33,7/161,3 tỷ đồng (đạt 21%); tỉnh Cà Mau đền bù mới được 22,3/181,4 ha (đạt 12%), chi trả GPMB mới đạt gần 55/253 tỷ đồng (đạt 22%)…
Về vấn đề này, theo ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), công tác GPMB ngoài việc đảm bảo tỷ lệ bàn giao theo yêu cầu, phải phù hợp với kế hoạch tổ chức thi công của chủ đầu tư/nhà thầu. Trong đó, công địa được ban giao đợt đầu tiên phải liền mạch, có đủ diện tích cho nhà thầu làm đường công vụ, tạo thuận lợi cho công tác vận chuyển vật liệu, máy móc, xây dựng lán trại… mới triển khai đồng bộ được các mũi thi công. Nếu bàn giao “xôi đỗ”, dự án sẽ không thể bứt tốc ngay từ đầu.
Không lùi tiến độ khởi công các gói thầu đầu tiên
Mục tiêu đặt ra của Chính phủ và Bộ GTVT là khởi công 12 gói thầu đầu tiên tại 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn II trước 31/12/2022. Cụ thể, các gói thầu gồm: Dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi đoạn từ Km479+117,18 - Km514+441,33. Đây là gói thầu duy nhất của dự án thành phần này, dài 35,32 km đi qua tỉnh Hà Tĩnh, với tổng mức đầu tư 6.044 tỷ đồng; gói thầu số 1 đoạn từ Km514+300 - Km 544+300 dài 30 km đi qua tỉnh Hà Tĩnh, với tổng mức đầu tư 4.456 tỷ đồng của dự án Hàm Nghi - Vũng Áng; gói thầu số 2 dự án Vũng Áng - Bùng đoạn từ Km600+700 - Km624+228 (chiều dài 23,63 km), đi qua tỉnh Quảng Bình, với ổng mức đầu tư 5.400 tỷ đồng; gói thầu số 2 dự án Bùng - Vạn Ninh đoạn từ Km655+285,04 - Km674+556,65 (chiều dài 19,27 km) đi qua tỉnh Quảng Bình, với tổng mức đầu tư 3.501 tỷ đồng.
Bên cạnh đó là gói thầu số 2 dự án Vạn Ninh - Cam Lộ đoạn từ Km655+285,04 - Km674+556,65 (chiều dài 32,53 km) đi qua tỉnh Quảng Trị, với tổng mức đầu tư 3.476 tỷ đồng; gói thầu số 1 dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đoạn từ Km0+000 - Km30+000 (chiều dài 30 km) qua tỉnh Quảng Ngãi, với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng; gói thầu số 1 dự án Hoài Nhơn - Quy Nhơn đoạn từ Km0 - Km23+500 (chiều dài 23,5 km) nằm trên địa bàn tỉnh Bình Định sẽ được khởi công, với tổng mức đầu tư 3.028 tỷ đồng; gói thầu số 2 dự án Quy Nhơn - Chí Thạnh dựng đoạn từ Km24+900 - Km47+000 (chiều dài 22,1 km) đi qua tỉnh Phú Yên, với tổng mức đầu tư 3.055 tỷ đồng; gói thầu số 2 dự án Chí Thạnh - Vân Phong đoạn từ Km24 - Km48+052 (chiều dài 24,05 km) trên địa bàn tỉnh Phú Yên, với tổng mức đầu tư 4.440 tỷ đồng; gói thầu số 2 dự án Vân Phong - Nha Trang đoạn từ Km337+500 - Km368+350 (chiều dài 30,85 km) đi qua tỉnh Khánh Hòa với tổng mức đầu tư 3.549 tỷ đồng; gói thầu số 1 dự án Cần Thơ - Hậu Giang đoạn tuyến Km15+350 - Km53+000 dài 37,65 km, đi qua 2 tỉnh, TP Cần Thơ và Hậu Giang, với tổng mức đầu tư 7.966 tỷ đồng; gói thầu số 1 dự án Hậu Giang - Cà Mau đoạn tuyến Km15+350 - Km53+000 dài 22,4 km đi qua 2 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, với tổng mức đầu tư 3.835 tỷ đồng.
Theo rà soát của Bộ GTVT, hồ sơ thiết kế kỹ thuật của 12 dự án thành phần hiện đã hoàn thành trên 70%, trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các Ban Quản lý dự án tập (đại diện chủ đầu tư) trung thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán đối với 12 gói thầu (dự kiến khởi công), không lùi tiến độ. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn nhà thầu công và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ GTVT.
Báo tin tức