Chỉ 2 năm nữa nước Mỹ sẽ không cần đến lao động giá rẻ ở Việt Nam, Campuchia, Bangladesh để may áo phông nữa
Hai công ty may của Mỹ đã phát minh ra cách sản xuất áo phông tự động hóa hoàn toàn, không cần đến thợ may.
- 13-08-2017Hàng dệt may Triều Tiên "made in China" xuất khẩu khắp thế giới
- 03-08-2017Đặt máy bán áo tự động ở sân bay, Uniqlo định bán quần áo như bán 1 lon nước ngọt
- 24-03-2016Không phải quần áo giày dép, Uber là một trong những thứ ngốn nhiều tiền nhất của thế hệ Y
- 18-01-2014Vào khu biểu tình Thái Lan để... mua sắm quần áo
Năm 1970, William J.Bank - chủ tịch của Blue Jeans Corporation dự đoán rằng phải đến khi nào con người lên sao Hỏa thì dệt may mới được tự động hóa. Gần nửa thế kỷ sau, vẫn chưa ai có thể chứng minh rằng ông ta nói sai. Nhìn qua lăng kính lịch sử, điều này thật kinh dị. Công đoạn kéo sợi là một trong những thứ đầu tiên phải đầu hàng trước công nghiệp hóa. Một thời gian ngắn sau đó, công đoạn dệt cũng nhanh chóng tiếp bước. Ngày nay việc cắt vải cũng đã được tự động hóa và điều khiển bằng phần mềm.
Tuy nhiên, mặc dù máy may đã có từ những năm 1840, nó vẫn cần có sự điều khiển bằng tay của con người. Ý tưởng đặt một tấm vải vào một dây chuyền tự động hóa rồi cho ra quần áo là điều không thể. Tuy nhiên, 2 công ty này của Mỹ nói rằng họ đang cố gắng giải quyết vấn đề và một hệ thống như vậy sẽ sớm ra đời.
SoftWear Automation là một trong số đó. Công ty đóng trụ sở tại Atlanta, Georgia này đã sản xuất ra những chiếc máy Sewbots có thể tự động biến nguyên liệu thành khăn tắm, gối, thảm và một vài vật dụng hình chữ nhật cơ bản khác. Ông chủ của SoftWear - Palaniswamy Rajan cho biết Sewbots gần như đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới - đặc biệt là áo phông T-shirts. Một đơn vị khác là Sewbo có trụ sở tại Seattle đã có thể sản xuất ra áo phông T-shirt tự động hóa hoàn toàn, mặc dù phía này vẫn chưa có hệ thống sản xuất thương mại.
Điểm mấu chốt trong việc tạo ra máy khâu tự động hóa đó là làm sao để có thể khâu chính xác 2 mảnh vải với nhau bởi vải là vật liệu rất nhẹ và cần sự tinh tế. Cùng một vấn đề, nhưng giải pháp mà 2 công ty này đưa ra lại hoàn toàn khác nhau. Cách tiếp cận của SoftWear Automation đó là cải thiện khả năng cầm vải của robot, hay nói cách khác là biến robot giống với thợ may nhiều hơn. Trong khi Sewbo lại muốn thay đổi tính chất của vải để cho robot dễ cầm hơn.
Sewbots của SoftWear hoạt động dựa trên 3 khả năng: nhanh, camera độ phân giải cao có thể theo dõi chuyển động của từng sợi chỉ trên một mảnh vải và hoạt động dựa trên phần mềm được lập trình. Những khả năng đó cho phép Sewbot có thể đưa vải vào kim khâu một cách chính xác bằng tay nắm robot chân không có thể được lập trình để làm việc với nhiều loại vải khác nhau.
Cách tiếp cận của Sewbo là đơn giản hóa quá trình bằng cách tạo độ cứng cho vải. Điều này được thực hiện bằng cách phủ lên vải một lớp nhựa mỏng được làm từ polyvinyl alcohol - một vật liệu quen thuộc trong ngành dệt may - trước khi đưa vào kim khâu. Sau khi đã may xong, lớp nhựa này có thể được loại bỏ bằng cách ngâm vải trong nước ấm.
Không phải ngẫu nhiên mà Rajan và Zornow đều để mắt tới thị trường áo phông. Bởi đây áo phông có thiết kế đơn giản nhưng nhu cầu sử dụng lại cực lớn. Đó là 2 đặc điểm lý tưởng để sản xuất tự động hóa đại trà. Ông Rajan cho biết dây chuyền sản xuất áo phông bằng Sewbot của SoftWear có thể làm ra 3.300 chiếc chỉ trong 1 ngày. Ông hy vọng sẽ có thể xuất đi những đơn hàng đầu tiên trong vòng 2 năm tới. 21 chiếc Sewbot sẽ được đưa đến một nhà máy ở bang Arkansas trực thuộc Tianyuan Garments - công ty may lớn nhất cho Adidas.
Về phía Sewbo, công ty này cho biết đã hoàn tất việc sản xuất áo phông tự động hóa hoàn toàn vào năm ngoái, tuy nhiên đang trong quá trình tinh chế phương pháp làm cứng cho nhiều loại vải khác nhau. Mặc dù mục tiêu hàng đầu của việc tự động hóa hoàn toàn là nhằm sản xuất số lượng lớn, ông Zornow dự đoán công nghệ này cũng giúp đẩy nhanh tốc độ sản xuất lên rất nhiều. Loại bỏ vai trò của lao động giá rẻ sẽ giúp cho các hãng đặt nhà máy tại nước phát triển, rút ngắn thời gian đưa một chiếc áo mới lên kệ.
Trong tương lai xa, tự động hóa hoàn toàn ngành may mặc sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong đó khách hàng có thể sở hữu những bộ quần áo được may theo số đo và kiểu dáng tự chọn mà hiện nay chỉ những hiệu may đo cao cấp đắt đỏ trên con phố Savile Row mới có thể làm được.