MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ có thợ thủ công, Thụy Sĩ đã làm gì để vượt Mỹ trở thành 'bá chủ' thế giới đồng hồ xa xỉ?

06-09-2021 - 17:10 PM | Sống

Từng một thời là "ông Kẹ" của ngành đồng hồ thế giới với công nghệ hiện đại, Mỹ đã lùi bước để nhường cho Thụy Sĩ vị trí đứng đầu. Suốt nhiều năm, những sản phẩm cao cấp của Thụy Sĩ luôn chiếm được cảm tình của người mê đồng hồ quốc tế.

Bất cứ ai nghĩ rằng từ khi khai sinh, Thụy Sĩ đã luôn giữ vị trí hàng đầu trong ngành sản xuất đồng hồ đều là sai lầm. Trên thực tế, cách đây 1 thế kỷ, Mỹ đã là tay chơi lớn trong ngành công nghiệp đồng hồ toàn cầu trước khi thoái trào trong quá trình chuyển đổi từ đồng hồ bỏ túi sang đeo tay.

Thời kỳ thăng hoa của nước Mỹ

100 năm trước, Mỹ là một nhân tố quan trọng trong ngành công nghiệp đồng hồ trên toàn thế giới. Cùng với Anh, Pháp, Đức và Thụy Sĩ, quốc gia này đã tạo nên bước ngoặt trong việc sản xuất đồng hồ (bỏ túi). Tuy nhiên, có một điểm khác biệt, đó là trong khi truyền thống vẫn được tôn vinh, đặc biệt là ở Thụy Sĩ với những chiếc đồng hồ làm bằng tay tinh xảo thì người Mỹ đã nhận ra tiềm năng của công nghệ mới từ rất sớm.

Vào giữa thế kỷ XIX, công ty đồng hồ Waltham và người sáng lập Aaron Dennison đã tiên phong trong khái niệm “hệ thống sản xuất đồng hồ của Mỹ”. Đây là khái niệm thay thế cách tiếp cận của Thụy Sĩ với mục đích giảm thiểu chi phí và tối đa hóa sản lượng. Sau cùng, thời gian vẫn là tiền bạc.

Chỉ có thợ thủ công, Thụy Sĩ đã làm gì để vượt Mỹ trở thành bá chủ thế giới đồng hồ xa xỉ? - Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất đồng hồ của Waltham. Ảnh: Montredo

Một chuyến thăm đến Springfield Armory, một nhà sản xuất súng của Mỹ được cho là đã trở thành nguồn cảm hứng cho quyết định nói trên của Dennison. Ở đó, ông đã thấy cách sản xuất súng trường với các bộ phận có thể thay thế cho nhau, điều này khiến ông cũng muốn áp dụng ý tưởng đó vào để làm ra đồng hồ. Tầm nhìn của ông là trong tương lai, các bộ phận hoán đổi được sản xuất hàng loạt bán tự động chứ không còn bởi đôi tay của những người thợ lành nghề nữa.

Ở Mỹ, các thương hiệu vẫn còn tồn tại đến ngày nay như Bulova, Hamilton (cũng như các thương hiệu không còn tồn tại như Waltham và Elgin) đã được hưởng lợi rất nhiều từ những tiến bộ công nghệ trong thời đại của họ. Điều này cho phép các công ty đồng hồ mở rộng rất nhiều. Ví dụ, Elgin đã vươn lên thành nhà sản xuất đồng hồ hàng loạt lớn nhất thế giới vào đầu thế kỷ XX.

Đối với Thụy Sĩ, những diễn biến ở bên kia bờ Đại Tây Dương tất nhiên được xem với ánh mắt nghi ngờ, nhưng họ cũng cảm thấy có một chút ảnh hưởng bởi phương pháp sản xuất mới. Dù thế nào, những chiếc đồng hồ bỏ túi được sản xuất hàng loạt cũng có chất lượng cao trong khi giá rẻ hơn cùng loại được sản xuất ở châu Âu. Sự tiến bộ này khiến đồng hồ cơ trở nên trầm lắng. Từ những năm 1870, số liệu bán hàng cho thấy sự giảm sụt đáng kể.

Tại Triển lãm Quốc tế Centennial năm 1876, hội chợ chính thức đầu tiên của thế giới ở Mỹ, Thụy Sĩ đã cử một vài đại diện đến vùng đất của cơ hội. Những gì họ nhìn thấy ở đó thực sự là mở rộng tầm mắt: Một cuộn dây được đưa vào đầu của chiếc máy vặn vít hoàn toàn tự động đến từ Waltham. Những con vít đó có hình dạng hoàn hảo, chất lượng tương đương nhưng những đôi tay của người thợ Thụy Sĩ thì không thể sản xuất với tốc độ của máy được.

Không chỉ ốc vít, các bộ phận khác của đồng hồ cũng nhanh chóng được sản xuất hàng loạt, một cách tự động hóa.

Với lợi thế đó, đầu những năm 1880, Thụy Sĩ và Anh bị loại khỏi thị trường Mỹ. Có thể nói, người Anh đã bỏ cuộc và từ đó chỉ giới hạn mình trong việc sản xuất máy đo thời gian cho Hải quân Hoàng gia. Cuối cùng, như một hành động tuyệt vọng, họ đã thiết lập chủ nghĩa bảo hộ bằng cách tăng thuế nhập khẩu, hạn chế mua đồng hồ từ nước ngoài.

Chỉ có thợ thủ công, Thụy Sĩ đã làm gì để vượt Mỹ trở thành bá chủ thế giới đồng hồ xa xỉ? - Ảnh 2.

Chiếc đồng hồ bỏ túi đầu thế kỷ 20 của Elgin. Ảnh: 1stDibs


Còn với người Thụy Sĩ, thay vì vùi đầu vào cách cũ, họ bắt đầu thích nghi với thị trường mới. Điều quan trọng cần nhớ ở đây, là trước những năm 1880, ngành công nghiệp đồng hồ ở Thụy Sĩ về cơ bản chỉ trú ngụ ở các ngôi làng miền núi nhỏ. Mỗi nơi chỉ làm ra một phận của bộ máy hoặc hộp đựng đồng hồ. Để có được thành phẩm, những bộ phận này được chuyển đến một xưởng nhỏ khác để lắp ráp.

Sau khi nhìn thấy hệ thống sản xuất của Mỹ, người Thụy Sĩ đã về tổ chức lại các nhà máy với mức độ tự động hóa nhất định. Các nhà máy này tuy vẫn còn rất nhỏ so với các công ty của Mỹ nhưng giờ đây, họ đã có thể chủ động tiết giảm chi phí để không bị thua thiệt trên thị trường thế giới.

Sự kiện lịch sử mang tính bước ngoặt

Bước sang thế kỷ XX, tình thế đã được xoay chuyển. Vì chiến tranh, đồng hồ thay đổi ngày càng nhiều từ mặt hàng thời trang dành cho phụ nữ sang mặt hàng phổ biến cho nam giới. Do đó, nhu cầu về đồng hồ bỏ túi ngày càng ít đi, trong khi đồng hồ đeo tay lại trở thành món đồ cần phải có của người đàn ông hiện đại.

Điều này đặt các nhà sản xuất của Mỹ vào thế khó.

Trong khi Thụy Sĩ (cùng các nước châu Âu khác) phản ứng nhanh chóng với sự thay đổi mô hình này thì Mỹ lại gặp nhiều khó khăn để theo kịp. Vấn đề là trong nhiều thập kỷ, các công ty Mỹ đã chuyên môn hóa dây chuyền lắp ráp của họ để sản xuất đồng hồ bỏ túi. Để thay đổi thiết kế theo đồng hồ đeo tay lại quá tốn kém và mất thời gian. Cùng với sự khởi đầu của cuộc Đại suy thoái năm 1929, sự chuyển dịch trong ngành đã giết chết nhiều thương hiệu đồng hồ truyền thống. Khi đó, đồng hồ trở thành một thứ xa xỉ mà hầu hết mọi người đều không còn đủ khả năng để mua.

Ngay cả sau chiến tranh Thế giới Thứ hai, khi đồng hồ quân sự và phi công đột nhiên gây sốt trở lại, một số nhà sản xuất đồng hồ Mỹ lại có thể tăng giá mới, nhưng chỉ ở mức độ vừa phải. Tại Mỹ, sự quan tâm đến đồng hồ sản xuất trong nước đang suy yếu rõ rệt.

Chỉ có thợ thủ công, Thụy Sĩ đã làm gì để vượt Mỹ trở thành bá chủ thế giới đồng hồ xa xỉ? - Ảnh 3.

Thụy Sĩ có những người thợ thủ công lành nghề. Ảnh: Montredo


Thụy Sĩ đi chậm và ổn định

Người Thụy Sĩ đã học được bài học của họ vào cuối thế kỷ XIX và không sẵn sàng bỏ đi chiếc bánh của mình. Trong khi nước Mỹ đang phải vật lộn với 2 cuộc Chiến tranh Thế giới và 1 cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, các nhà máy sản xuất đồng hồ thì chậm rãi bước đi (nhưng chắc chắn là vẫn ngày càng hiện đại). Kết quả là vào những năm 1950, người Thụy Sĩ đã hoàn thiện những chiếc đồng hồ đeo tay được chế tạo bằng máy khá phức tạp và có nhiều chức năng như bấm giờ, xem ngày.

Và với sự phức tạp đó, người Mỹ đã không còn khả năng chuyển đổi theo yêu cầu ngày càng cao của khách hàng vào những năm 1950, 1960 nữa. Còn người Thụy Sĩ, nhờ phản ứng nhanh chóng với xu hướng và một chút may mắn liên quan đến sự bình ổn chính trị mà đã trở thành quốc gia hàng đầu trong ngành sản xuất đồng hồ nói chung và đồng hồ xa xỉ nói riêng. Một vị trí mà chưa quốc gia nào có thể thay thế được, cho đến tận ngày nay.

Các thương hiệu nổi tiếng nhất trong ngành đồng hồ của Thụy Sĩ

Hầu hết các thương hiệu đồng hồ nổi tiếng, lâu đời ở Thụy Sĩ đều được hình thành từ giai đoạn đầu của ngành công nghiệp sản xuất máy đo thời gian của nước này. Cho đến hiện tại, thế giới thường nói với nhau rằng, việc cố gắng liệt kê tất cả các thương hiệu đồng hồ của Thụy Sĩ cũng giống như cố gắng gọi tên từng loại cá trong đại dương. Điều đó có nghĩa là số lượng các nhà sản xuất đồng hồ, từ giá rẻ, tầm trung cho đến cao cấp là rất nhiều.

Theo Monochrome, tập đoàn Rolex (bao gồm Rolex và Tudor) vẫn là thương hiệu đứng đầu danh sách với lịch sử phát triển lâu dài và giá trị trường tồn. Trong năm 2020, hãng này chiếm 25% thị phần bán đồng hồ của Thụy Sĩ với khoảng 810.000 chiếc được bán ra, giá trung bình cho mỗi chiếc là 10.000 CHF.

Đứng thứ hai sau Rolex là Omega và Cartier với thị phần lần lượt là 8,8% và 6,7% cũng trong năm 2020. Tiếp sau đó là thị phần của các thương hiệu khác như Patek Philippe, Longines, Audemars Piguet, Richard Mille, Tissot, TAG Heuer, IWC. Riêng 10 thương hiệu đứng đầu này đã chiếm 68% thị phần đồng hồ hồ của Thụy Sĩ.

Chỉ có thợ thủ công, Thụy Sĩ đã làm gì để vượt Mỹ trở thành bá chủ thế giới đồng hồ xa xỉ? - Ảnh 4.

Bảng xếp hạng các thương hiệu đồng hồ cao cấp của Thụy Sĩ, tính theo thị phần. Ảnh: Monochrome


Theo Phương Kim

Người đồng hành

Trở lên trên