MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ dẫn địa lý 'Cua Cà Mau' chỉ được cấp cho giống cua xanh

28-11-2023 - 20:48 PM | Thị trường

Chỉ dẫn địa lý "Cua Cà Mau" không phải cấp cho tất cả các loại cua mà là giống cua xanh được khai thác tự nhiên hoặc sinh sản nhân tạo tại các trại sản xuất cua giống trong tỉnh Cà Mau.

Chỉ dẫn địa lý 'Cua Cà Mau' chỉ được cấp cho giống cua xanh - Ảnh 1.

Chỉ dẫn địa lý "Cua Cà Mau" không phải cấp cho tất cả các loại cua mà là giống cua xanh (tên khoa học là Scylla paramamosain) được khai thác tự nhiên hoặc sinh sản nhân tạo tại các trại sản xuất cua giống trong tỉnh Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN

Cà Mau là một trong 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là tỉnh cực Nam của đất nước, có 3 mặt giáp biển, nơi chứa đầy phù sa, vùng ngập mặn, lợ phong phú với sản lượng cua biển dẫn đầu trong cả nước. Nhưng "Cua Cà Mau" mới chỉ được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến nhiều trong một năm trở lại đây với việc Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) ban hành Quyết định số 2576/QĐ-SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00116 cho sản phẩm "Cua Cà Mau". Đây là sản phẩm thứ hai được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý ở Cà Mau, do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức quản lý.

Sau khi Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00116 cho sản phẩm "Cua Cà Mau", cuối tháng 10/2023 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau đã có quyết định số 264/QĐ-SKHCN về việc cấp Giấy chứng nhận trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Cà Mau" cho sản phẩm cua thương phẩm và giao quyền sử dụng cho Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Cà Mau.

Chỉ dẫn địa lý là cơ sở pháp lý, hệ thống các công cụ để Cà Mau tăng cường việc quản lý, kiểm soát và quảng bá thương hiệu sản phẩm, đưa con cua Cà Mau ra thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng giá trị, tăng thu nhập nâng cao đời sống người dân. Chỉ dẫn địa lý "Cua Cà Mau" giúp người tiêu dùng nhận biết được nguồn gốc địa lý của sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm cua mang chỉ dẫn địa lý Cà Mau không chỉ có danh tiếng, chất lượng, kích thước lớn, chắc thịt, vị ngọt đậm, thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao, được tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

Chỉ dẫn địa lý là cơ sở pháp lý và hệ thống các công cụ để Cà Mau tăng cường việc quản lý, kiểm soát và quảng bá thương hiệu sản phẩm, đưa con cua Cà Mau ra thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng giá trị, tăng thu nhập để đời sống người dân thêm phát triển.

Lễ hội cua Cà Mau được tổ chức thường xuyên tại tỉnh với việc trình diễn 69 món ẩm thực được chế biến từ con cua, góp phần đưa ẩm thực mang đậm hương vị đặc trưng vùng đất cực Nam đến với mọi du khách.

Ông Trần Hữu Thanh, Chủ tịch Liên hiệp hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Cà Mau cho biết: Việc triển khai các chương trình xây dựng thương hiệu "Cua Cà Mau" và các sản phẩm từ nông nghiệp tỉnh đóng vai trò quan trọng, phát huy lợi thế vùng nuôi và bảo vệ chỉ dẫn địa lý, tài sản trí tuệ tập thể của tỉnh. Từ sản phẩm "Cua Cà Mau" tiến tới việc đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vươn xa, đồng thời, góp phần chuyển biến tư duy người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, giá trị gia tăng cao.

Sản phẩm mang thương hiệu "Cua Cà Mau" được hỗ trợ phát triển thị trường bởi mạng lưới Vietnam Innovation Hub, innovation247.net nhằm quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hướng đến phát triển chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp nói chung và phát triển thương hiệu quốc gia, quốc tế cho nông sản Việt Nam gắn liền với chỉ dẫn địa lý, quản trị vùng nuôi, chế biến sâu và tăng năng lực cạnh tranh.

Ông Chu Quang Thái, Chủ tịch mạng lưới Vietnam Innovation Hub, Trưởng Ban dự án Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia thuộc Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh: Việc phát triển kinh doanh và khởi nghiệp sáng tạo phải là quá trình đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản phẩm Từ đó hình thành, phát triển, bảo vệ tài sản trí tuệ gắn liền với bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và lợi ích của người nông dân. Thương hiệu "Cua Cà Mau" với chỉ dẫn địa lý "Cà Mau" của tỉnh không chỉ là tài sản sở hữu trí tuệ của tỉnh mà người tiêu dùng cần phân biệt để sử dụng và đưa thương hiệu này thành thương hiệu quốc gia.

Ông Chu Quang Thái khẳng định: Chỉ dẫn địa lý "Cua Cà Mau" không phải cấp cho tất cả các loại cua mà là giống cua xanh (tên khoa học là Scylla paramamosain) được khai thác tự nhiên hoặc sinh sản nhân tạo tại các trại sản xuất cua giống trong tỉnh Cà Mau. Nhưng hiện nay, sản phẩm cua Cà Mau được bán tràn lan trên thị trường với giá thấp, chất lượng kém đã ảnh hưởng đến thương hiệu "Cua Cà Mau" được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cua thương phẩm "Cà Mau". Vì vậy, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức về truy xuất nguồn gốc sản phẩm để mua được sản phẩm đúng với chất lượng và đảm bảo đúng chỉ dẫn địa lý, tránh sự nhầm lẫn và giả thương hiệu "Cua Cà Mau".

Người tiêu dùng có thể nhìn trên mỗi sản phẩm mang thương hiệu "Cua Cà Mau" đều có QR code để phân biệt hàng giả, hàng thật thông qua chỉ dẫn địa lý dán trên từng con cua và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ngoài việc kiểm tra bằng mắt, bằng kinh nghiệm, khách hàng có thể liên kết với "Mạng lưới công nghệ Liên minh số và Innovation247.net để truy xuất dữ liệu, thông qua quản lý theo lô, thời gian và chuẩn hóa các đầu mối phân phối, mã hóa dữ liệu theo thời gian thực sẽ cho thấy khả năng truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, chống làm giả, tránh ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng.

Hơn nữa, việc thương hiệu "Cua Cà Mau" nói riêng, sản phẩm nông nghiệp được cấp chỉ dẫn địa lý nói chung được sử dụng đúng mục đích, thì người tiêu dùng cần sự đồng hành của các cơ quan chức năng nhằm chung tay phát triển, có biện pháp bảo vệ thương hiệu địa phương, vùng, quốc gia, tránh hiện tượng nhầm lẫn sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý với sản phẩm khác của địa phương.

Theo PV

Báo Tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên